Khám phá động Tiên Sơn - Thắng cảnh giữa núi rừng đại ngàn Tây Bắc Khám phá thác Dải Yếm – Báu vật nơi cao nguyên Mộc Châu Chinh phục đỉnh Pha Luông – "Nóc nhà của Mộc Châu" |
"Dốc lên khúc khuỷu dốc thăm thẳm,
Heo hút cồn mây, súng ngửi trời.
Ngàn thước lên cao, ngàn thước xuống,
Nhà ai Pha Luông mưa xa khơi..."
(Trích thơ Tây Tiến - Quang Dũng)
Bốn câu thơ trên trong bài thơ Tây Tiến của nhà Thơ Quang Dũng "dựng" lên trước mắt ta cái độ cao đến rợn người của chiến trường Tây Tiến. Cho ta thấy người lính phải hành quân lên cao mãi, hết dốc này đến dốc khác, đã “khúc khuỷu” lại còn “thăm thẳm”. Nhịp thơ dừng ở vần trắc “Dốc lên khúc khuỷu”- “Dốc thăm thẳm” tưởng như nghe được nhịp thở nặng nhọc, gấp gáp của người chiến sĩ đang trèo núi để chiếm lĩnh những độ cao thăm thẳm. Ngỡ như các anh đang đi trong mây, đang cưỡi trên mây “cồn mây” để lên đến đỉnh trời. Và khi đã chiếm lĩnh được đỉnh cao nhất thì “súng ngửi trời”.
Biểu tượng của đỉnh Pha Luông - Ranh giới tự nhiên giữa Việt Nam và Lào |
“Ngàn thước lên cao” – “Ngàn thước xuống” diễn tả rõ con đường hành quân lên rất cao rồi lại xuống rất sâu trên những vách núi dựng đứng của chiến trường Tây Tiến. đặc biệt ở câu thơ “Ngàn thước xuống” tạo nên sự khúc khuỷu, gập ghềnh, cheo leo, vất vả của người lính.Với những câu thơ trong bãi thơ “Tây Tiến” của nhà thơ Quang Dũng, thì chắc hẳn bạn sẽ nghĩ ngay đến hình ảnh những người lính Tây Tiến đồng sức, đồng lòng để vượt qua những khó khăn gian khổ. Lâm Viên Tây Tiến được xây dựng để tưởng nhớ và lưu lại kỉ niệm về một Tây Tiến thời đã xa rồi.
Lâm Viên Tây Tiến ở đâu?
Lâm viên Tây Tiến hay tên đầy đủ là Di tích lịch sử lưu niệm Trung đoàn 52 Tây Tiến được xây dựng tại đồi Nà Bó thị trấn Mộc Châu từ năm 2006 và được đưa vào hoạt động cùng năm đó. Đến đầu năm 2007 thì Lâm Viên Tây Tiến được công nhận là Di tích lịch sử - danh thắng cảnh cấp quốc gia .
Thiết kế của Di tích lưu niệm Lâm viên Tây Tiến lấy ý tưởng từ bài thơ “Tây Tiến” của nhà thơ Quang Dũng, sáng tác năm 1948. Khu di tích gồm 7 hạng mục chính, với tổng diện tích 5000 m2, các hạng mục đều mang ý nghĩa đặc biệt, được bố trì hài hòa, làm nổi bật sự hùng vĩ của núi rừng Tây Bắc.
Đồng thời, mô tả hình ảnh người lính Tây Tiến trên bước đường hành quân, khó khăn gian khổ nhưng đầy hào hoa và lạc quan cách mạng.
Đến thăm quan, du khách sẽ được trải nghiệm Công trình trùng tu, tôn tạo di tích lịch sử lưu niệm Trung đoàn 52 Tây Tiến. Du khách sẽ được cảm nhận một cách chân thực về những người lính cùng chung lý tưởng sống “chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh” nhưng cũng đầy hào hoa và lãng mạn, họ đã đoàn kết, đồng lòng, vượt mọi khó khăn, gian khổ, quyết tâm chiến đấu hy sinh vì độc lập tự do của Tổ quốc.
Những địa điểm tham quan của Lam Viên Tây Tiến
Di tích Lâm Viên Tây Tiến được chia thành 03 khu vực chính là văn bia tưởng niệm, đài vọng tưởng và nhà bia ghi danh. Ngoài ra còn có 4 hạng mục công trình khác cho du khách tìm hiểu trọn vẹn tinh thần người lính kháng chiến năm xưa.
Đường lên khu tưởng niệm
Đây là đường lên khu tưởng niệm, lối đi được thiết kế theo lối zíc zắc mô phỏng quá trình con đường hành quân đầy gian khổ của người lính Tây Tiến. Vượt qua đoạn đường bậc thang này du khách mới lên đến nơi đẹp nhất, quan trọng nhất của di tích.
Bia tưởng niệm
“Anh bạn dãi dầu không bước nữa,
Gục lên súng mũ bỏ quên đời!”
(Trích thơ Tây Tiến - Quang Dũng)
Trong Khu nhà đặt Văn bia tưởng niệm được mô hình hóa thành 4 lưỡi lê, chắc chắn, vút cao lên trời xanh. Đó là hình ảnh của những người lính sau những ngày hành quân leo muôn trùng dốc, vượt muôn trùng đèo, chiến đấu khốc liệt lại có những giây phút ít ỏi chụm mũi súng để cùng nghỉ ngơi.
Hai bên lối đi lên khu tưởng niệm |
Hai bên lối đi lên khu tưởng niệm là hình tượng “Thạt luông và rừng lau”. Đều mang ý nghĩa tượng trưng sâu sắc. Thạt luông là đại diện cho tinh thần của người lính Lào. Bông lau lại là hình ảnh thân thuộc của núi rừng Tây Bắc. Người lính Tây Tiến đã cùng bộ đội Lào kháng chiến anh dũng còn lưu lại sử xanh.
Nhà bia ghi danh
Khu vực nhà bia là thiết kế Khải hoàn ca như khúc ca bất tử của người chiến thắng |
Khu vực nhà bia là thiết kế Khải hoàn ca như khúc ca bất tử của người chiến thắng. Có những người lính Tây Tiến có người đã ngã xuống hi sinh. Có người vẫn trở về cống hiến cho Tổ quốc. Thế nhưng những năm tháng thanh xuân họ đứng trong hàng ngũ Tây Tiến, cùng chịu bao cực khổ vẫn còn đó. Trung đoàn Tây Tiến vẫn là niềm tự hào khó phai trong lịch sử dân tộc.
Nhà Bia ghi danh được thiết kế theo kiến trúc “Khải Hoàn môn”- kiến trúc cổng chào mừng thắng lợi. Đây là biểu tượng cho những chiến công, cũng như ước vọng về ngày chiến thắng ca khúc khải hoàn. Mái của Nhà bia ghi danh được thiết kế bằng kính để đón ánh sáng, biểu tượng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng, lí tưởng sống quên mình vì Tổ quốc.
Đài vọng tưởng
Một góc đài vọng tưởng |
Tại khu hoài niệm bên trong Lâm Viên Tây Tiến có xây dựng một đài vọng tưởng bao bằng kính như muốn nói về tâm hồn của người lính Tây Tiến (vồn là những thanh niên đất Hà Thành) sẵn sàng rời ghế nhà trường vì tổ quốc thân yêu. Họ mang trong mình tinh thần, khát vọng chiến đấu mãnh liệt nhưng cũng mang theo cả những giấc mơ của tuổi trẻ, mơ về những cô con gái Hà Nội: “Đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm”.
Ngoài ra, khu vực này còn tượng trưng cho vẻ đẹp của sương khói hư ảo miền Tây Bắc mở ra 1 không gian rộng ngút tầm mắt. Tại đây có thể quan sát thấy đồn Mộc Lỵ, là hệ thống phòng thủ liên hoàn gồm 9 lô cốt bê tông kiên cố, có lỗ châu mai bắn ra các hướng, liên kết với nhau bằng hệ thống giao thông hào chằng chịt, được xây dựng trên những vách đá tai mèo hiểm trở giống như trận địa của các chiến sĩ, có nhiều đoạn dựng đứng, có thể ứng cứu cho nhau khi bị tấn công.
Khu nhà truyền thống
Khu nhà truyền thống |
Nhà truyền thống được thiết kế theo kiểu nhà sàn dân tộc Tây Bắc. Bên trong không gian được chia làm các phần: Tưởng niệm đại tướng Võ Nguyên Giáp; Khu trưng bày ảnh vật kỉ niệm của binh đoàn Tây Tiến xưa và nay và cuối cùng là tái dựng hình ảnh người lính Tây Tiến xưa.
Khu di tích lịch sử Lâm Viên Tây Tiến được xây dựng bằng lòng biết ơn của nhân dân Mộc Châu. Khách thập phương vẫn tới đây thắp nén nhang thơm tưởng nhớ đến những người lính Tây Tiến năm nào.
Nhiều du khách thập phương đến thăm khu di tích lịch sử Tây Tiến. |
"Tây tiến người đi không hẹn ước
Đường lên thăm thẳm một chia phôi
Ai lên Tây tiến mùa xuân ấy
Hồn về Sầm Nứa chẳng về xuôi."
(Trích thơ Tây Tiến - Quang Dũng)
Những lời trong bài thơ Tây Tiến của nhà thơ Quang Dũng cứ vọng dài thăm thẳm không dứt, hòa với bước đường của người chiến sĩ tình nguyện lên đường vì đất nước. Năm xưa, người lính Tây Tiến được nhà thơ Quang Dũng khắc tạc bằng tình yêu đối với những người đồng đội, đối với đất nước. Ngày nay, Khu di tích lịch sử lưu niệm Tây tiến cũng được xây dựng bằng tất cả lòng biết ơn, sự kính trọng của nhân dân các dân tộc huyện Mộc Châu đối với những người lính nguyện hy sinh tuổi xuân vì độc lập tự do của Tổ quốc.
Nếu du khách có dịp đến du lịch Mộc Châu đừng quên ghé thăm Lâm Viên Tây Tiến để cùng tưởng nhớ những người anh hùng dũng cảm, quyết hi sinh mình cho Tổ Quốc.
Chinh phục đỉnh Pha Luông – "Nóc nhà của Mộc Châu" |
Lên lịch về Mai Châu “mùa em thơm nếp xôi” |
Review du lịch Sơn La: Khám phá vùng đất sinh sống lâu đời của 12 dân tộc |