“95 năm dưới cờ Đảng quang vinh”
![]() |
Khai mạc trưng bày 2 chuyên đề kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng Huế. |
Trưng bày lần này là một dịp quan trọng để ôn lại những trang sử hào hùng của dân tộc, đồng thời giới thiệu đến công chúng những thành tựu nổi bật mà tỉnh Thừa Thiên Huế đã đạt được trong chặng đường phát triển suốt nửa thế kỷ qua. Trưng bày đã giới thiệu hơn 500 hình ảnh, tài liệu, hiện vật ghi dấu những mốc son chói lọi trong hành trình cách mạng dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam.
Ngày 3/2/1930, Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời là một bước ngoặt vô cùng to lớn và quan trọng trong lịch sử cách mạng Việt Nam, Đảng ra đời vào mùa Xuân mang đến cho dân tộc Việt Nam những trang sử chói lọi và đồng hành cùng dân tộc vượt qua mọi gian lao, thử thách và từng bước viết nên những mùa Xuân thắng lợi.
Tháng 4/1930, Đảng bộ Thừa Thiên Huế ra đời do đồng chí Lê Viết Lượng làm Bí thư và dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Đảng bộ, quân và dân Thừa Thiên Huế đã sát cánh kề vai, xây dựng các phong trào cách mạng sôi nổi, rộng khắp trong toàn tỉnh, mà đỉnh cao là khởi nghĩa giành chính quyền trong Cách mạng Tháng Tám năm 1945, chấm dứt sự cai trị của chế độ phong kiến vào ngày 30/8/1945.
![]() |
Những hình ảnh, hiện vật quý đưa người xem trở lại những cột mốc quan trọng trong lịch sử thành phố Huế. |
Hòa chung khí thế kháng chiến chống Pháp khắp cả nước, tiếng súng kháng chiến của Đảng bộ và nhân dân Thừa Thiên Huế liên tục nổ ra trong các chiến dịch và các trận đánh lớn như trận đánh Hói Mít (1949), trận Thanh Lam Bồ (1951)… cuối cùng là chiến dịch lịch sử Điên Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” đã kết thúc 9 năm kháng chiến chống Pháp của nhân dân ta.
Những bản hùng ca của quân và dân Thừa Thiên Huế trong 26 ngày đêm chiến đấu xuân 1968 được viết nên bằng tinh thần chiến đấu kiên cường và sự đùm bọc, chở che của nhân dân đã làm nên những chiến công vang dội, được mặt trận dân tộc giải phóng Trị Thiên Huế biểu dương bằng lá cờ thêu tám chữ vàng “Tấn công - nổi dậy - anh dũng - kiên cường”.
Theo đó, hơn 400 hình ảnh, tư liệu, hiện vật giới thiệu đến công chúng và du khách tham quan. Trong đó, chuyên đề “95 năm dưới cờ Đảng quang vinh” giới thiệu những hiện vật quý về những đóng góp và cống hiến to lớn của quân và dân Huế trong hai cuộc kháng chiến trường kỳ như gùi, oi, đèn dầu, áo trấn thủ, ống đựng tài liệu gắn liền với hình ảnh Bộ đội cụ Hồ trong kháng chiến chống Pháp cùng với những vũ khí như mũi tên, dao, lựu đạn...
Đặc biệt Giàn hỏa tiễn H12 trang bị cho Đại đội 14 (Trung đoàn 4 Quân khu Trị Thiên) sử dụng và các chiến sĩ Quân giải phóng của ta đã sử dụng giàn hỏa tiễn này tấn công vào căn cứ Phổ Lại (xã Phong Sơn, huyện Phong Điền) vào ngày 8/3/1975 mở màn cho cuộc tổng tấn công và nổi dậy Xuân 1975, giải phóng Huế.
“Dấu ấn 50 năm - Huế vươn mình vào kỷ nguyên phát triển mới”
![]() |
Giàn hỏa tiễn H12 trang bị cho Đại đội 14, Trung đoàn 4 Quân khu Trị Thiên sử dụng và lập nhiều chiến công, đặc biệt giàn hỏa tiễn này đã tấn công vào căn cứ Phổ Lại, xã Phong Sơn, huyện Phong Điền vào ngày 8/3/1975 mở màn cho cuộc tổng tấn công và nổi dậy Xuân 1975, giải phóng Huế. |
Theo đó, trưng bày giới thiệu một số sản phẩm quan trọng, tiêu biểu của thành phố Huế như thương hiệu xe Kim Long Motor, triển lãm các mặt hàng xuất khẩu như dệt may, sơ sợi, dệt, gỗ công nghiệp, gạch men, thủy sản, cao su, đồ uống có cồn… và các sản phẩm tiểu thủ công nghiệp và sản phẩm OCOP.
Trên chặng đường đổi mới, hội nhập và phát triển với truyền thống văn hóa, lịch sử của mình, cùng vị trí và vai trò là một cực tăng trưởng của Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung; trọng điểm về quốc phòng, an ninh, thành phố Huế đã và đang phát huy có hiệu quả tiềm năng, lợi thế để hội nhập và phát triển, đóng góp xứng đáng cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, nội dung trưng bày được chia thành các Khối.
Kinh tế xã hội TP. Huế phát triển theo hướng tăng trưởng xanh với cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng dịch vụ - công nghiệp - nông nghiệp, Huế là địa phương có 8 di sản văn hóa thế giới được UNESCO công nhận, cùng với gần 1.000 di tích lịch sử, 500 lễ hội đã được kiểm kê và từng bước khẳng định được thương hiệu là “Thành phố Festival đặc trưng của Việt Nam”, “Thành phố văn hóa ASEAN”, “Thành phố bền vững môi trường ASEAN”, “Thành phố Xanh quốc gia”, “Kinh đô Ẩm thực”, “Kinh đô Áo dài”…
![]() |
Trưng bày sản phẩm OCOP. |
Trung tâm y tế chuyên sâu của khu vực Đông Nam Á và hạt nhân là Bệnh viện Trung ương Huế, Trường Đại học Y Dược Huế và mạng lưới y tế từ thành phố đến cơ sở được đầu tư hoàn chỉnh, đáp ứng nhu cầu chăm sóc, bảo vệ và nâng cao sức khỏe nhân dân khu vực miền Trung và cả nước.
Trung tâm giáo dục - đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực, chất lượng cao với Đại học Huế không ngừng phát triển cả về quy mô, loại hình, chất lượng đào tạo và đến nay với 8 trường đại học thành viên, 1 viện nghiên cứu, 5 đơn vị đào tạo và các đơn vị trực thuộc.
Trung tâm lớn của cả nước về Khoa học Công nghệ với nguồn nhân lực phát triển cả về số lượng và chất lượng, nhiều công trình, đề tài nghiên cứu khoa học và công nghệ được triển khai, ứng dụng rộng rãi, có giá trị trong thực tiễn sản xuất và đời sống, mang lại hiệu quả cao. Đối ngoại và hợp tác quốc tế ngày càng đa dạng, hiệu quả, đi vào chiều sâu và Quốc phòng an ninh được đảm bảo, giữ vững.
Xây dựng và tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân có bước phát triển mạnh mẽ cả về số lượng và quy mô tổ chức, tham gia ngày càng tích cực, có hiệu quả vào công cuộc phát triển kinh tế. Qua đó, phát huy sức mạnh toàn dân, huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực để xây dựng và phát triển Thành phố Huế ngày càng văn minh, giàu đẹp.