Bà Trương Thị Lài cho biết, cây chanh leo cho thu nhập cao gấp 3 lần so với khi trồng các loại cây truyền thống như ngô, sắn |
Nhiều năm trước, tại Nghĩa Đàn, Nghệ An có nhiều sườn đồi bỏ hoang, hoặc trồng các loại cây công nghiệp lâu năm lấy gỗ. Đất đai cằn cỗi, thêm vào đó thời tiết nắng nóng và thiếu nước tưới tiêu khiến nơi đây gần như không thể phát triển bất kỳ cây nông nghiệp nào. Cũng vì vậy mà cuộc sống của nhiều bà con nông dân sống dựa vào nương rẫy rất khó khăn.
Gia đình bà Trương Thị Lài (trú tại xóm Phú Thắng, xã Nghĩa Phú) là một trong hai hộ đã mạnh dạn tham gia mô hình trồng chanh leo với diện tích hơn 1ha. Vì trồng theo đề án nên gia đình bà Lài được hỗ trợ 70% giống, phân bón. Ngoài ra, các hộ gia đình còn được cán bộ Trung tâm dịch vụ nông nghiệp huyện Nghĩa Đàn hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc cây chanh leo.
Những năm trước, gia đình bà Lài chủ yếu trồng cây ngô hiệu quả kinh tế không cao. Từ khi tham gia dự án trồng chanh leo của huyện và nhận thấy cây trồng này chịu được thời tiết khắc nghiệt, cây ít sâu bệnh, cho năng suất cao.
Vụ đầu tiên thu hoạch, số tiền thu được cao gấp 3 lần so với trồng ngô nên gia đình bà Lài tục mở rộng diện tích trồng cây chanh leo.
Ông Hồ Thanh Trọng - Chủ tịch Hội nông dân xã Nghĩa Phú, huyện Nghĩa Đàn chia sẻ: Trồng cây chanh leo chi phí ban đầu tốn kém hơn so với các loại cây khác khi phải làm giàn và mua giống.
Nhưng bù lại, việc chăm sóc loại cây này tương đối đơn giản. Đất trồng chanh leo không yêu cầu quá cao, miễn là xốp, thoát nước tốt. Trong quá trình phát triển, cây chanh leo sẽ ra quả đồng thời với việc vươn thân. Lúc này, người trồng cần cắt bỏ quả xấu để cây phát triển thân. Khi cây đã leo đến giàn, cần tiến hành bấm ngọn để cây sinh cành thứ cấp".
"Ở các mắt của cành thứ cấp sẽ cho ra nhánh nhiều hơn. Người trồng chỉ giữ lại 3-5 nhánh khỏe mạnh, tỏa đều các hướng trên giàn. Khi cây bắt đầu phủ giàn, cần thường xuyên cắt tỉa các cành yếu, cành có dấu hiệu sâu bệnh. Nếu tuân thủ đúng quy trình kỹ thuật thì mỗi năm cây chanh leo sẽ cho thu hoạch 4 lứa, liên tục trong thời gian 4-5 năm", ông Trọng chia sẻ thêm.
Chanh leo là loại cây ra quả quanh năm. Theo tính toán sơ bộ, cùng diện tích, một vụ ngô mỗi năm cho thu nhập chưa đến 20 triệu đồng thì cây chanh leo cho thu nhập 40-60 triệu đồng. Cây chanh leo hứa hẹn sẽ là một trong những cây trồng chủ lực của địa phương, mở hướng đi mới giúp nông dân xã nghèo vượt khó.
Cũng theo ông Hồ Thanh Trọng - Chủ tịch Hội nông dân xã Nghĩa Phú "Để nâng cao chất lượng, hiệu quả kinh tế của cây trồng cần có sự phối hợp chặt chẽ hơn nữa giữa nhà nông, nhà khoa học và doanh nghiệp, góp phần phát triển kinh tế - xã hội địa phương".
Vườn chanh leo của anh Lâm |
Còn ở tỉnh Tiền Giang, ông nông dân Nguyễn Thành Công là người đầu tiên ở miền Tây ghép thành công giống chanh leo có vị ngọt, mang lại hiệu quả kinh tế ngoài mong đợi. Trước đó, chanh dây nguyên bản vốn có vị chua gắt, nhưng khi tới vườn của ông Thành Công thì ai nấy đều ngạc nhiên vì chanh dây ở đây có vị ngọt pha chút chua rất đậm đà và mùi thơm hấp dẫn. Đây là giống cây chanh leo được ông mang về từ tận Colombia, không chỉ ngon mà ăn vào còn có lợi cho sức khỏe.
Đặc biệt, ông Thành Công đã rất kỳ công để lai tạo ra giống cây chanh leo có thể chịu đất ngập mặn, nước lợ ở vùng miền Tây. Sau nhiều lần thử nghiệm, ông quyết định chọn gốc nhãn lồng (lạc tiên) - loại cây sống rất khỏe ở vùng nước mặn và lợ, thử ghép chung với dây chanh. Nhờ vậy mà chanh leo sống khỏe, ông nông dân Tiền Giang “vui mừng như trúng số”. Từ những dây chanh ghép, ông mang ra trồng đại trà, cây phát triển rất nhanh và khỏe. Sau 5 tháng chăm sóc, dây bò sum suê, xanh mướt, bò tới đâu ra trái tới đó, trái rất sai.
So với giống chanh leo thông thường, giá chanh leo ngọt nhỉnh hơn, từ 50.000 - 60.000 đồng/kg. Ông Thành Công cũng không ngần ngại chia sẻ kinh nghiệm và cung cấp cây giống cho cả nước trên 6.000 dây với giá 80.000 - 100.000 đồng/dây (bán hàng trực tiếp và online).
Một trong số những nông dân thành công với mô hình trồng chanh leo ngọt của ông Thành Công là anh Thào A Hồ ở bản Mô Cổng (Bình Thuận, Thuận Châu, Sơn La). Năm 2020, anh lặn lội đường xa về tận miền Tây để tham quan mô hình trồng cây chanh leo ngọt của ông Công. Nhận thấy “tiềm năng” của loại cây này, anh Hồ quyết định mang giống cây về trồng thử ở Sơn La.
“Hồi mới nghe đến chanh leo vàng ngọt tôi không tin đâu vì trước nay trồng chanh leo tím chua lắm. Lúc được cho ăn thử một quả thấy vừa thơm ngon lại ngọt tôi rất ngạc nhiên. Tôi quyết định thử nghiệm loại cây này ngay và không ngờ nó khiến cho cuộc sống của tôi thay đổi hoàn toàn”, anh Thào A Hồ chia sẻ.
Tận dụng nguồn đất trồng hơn 400 gốc chanh leo giống ngọt, năm nay sản lượng chanh anh thu được khoảng 50 tấn. Với giá bán 26.000 đồng/kg chanh loại 1 và 15.000 đồng chanh loại 2, anh Hồ thu khoảng 800 triệu đồng, trừ chi phí lãi nửa tỷ đồng. Anh Hồ cho biết mong mỏi lớn nhất của anh là tìm được đầu ra ổn định, từ đó nhân rộng mô hình cho bà con trong khu vực, nhằm giúp cải thiện đời sống của nhiều hộ dân tộc miền núi tỉnh Sơn La.