Nhiều gia đình buộc phải nuôi cầm chừng vì giá trâu bò giảm |
Gia đình ông Nguyễn Xuân Minh (thôn Cây Chanh 1, Xã Thái Bình, Yên Sơn, Tuyên Quang), đầu tư trang trại với 14 con trâu bò, giá trâu bò bấp bênh khiến ông Minh không khỏi muộn phiền khi lâm vào cảnh bán cũng không được, để nuôi cũng chẳng xong.
"Giá trâu bò xuống mạnh lắm. Hôm qua vừa bán một con bò được 17 triệu đồng. Cùng con bò này nếu như một vài năm trước phải được trên 23 triệu. Chăm sóc quần quật cả năm nhưng mất giá nên công cán chẳng được là bao", ông Minh than thở.
Cũng theo ông Minh, dự tính của gia đình là cuối năm bán 4 con bò để ăn Tết. Thế nhưng giá trâu bò giảm mạnh nên chỉ dám bán 1 con. Giờ đây, ông chỉ biết nuôi cầm chừng mong thời gian tới giá nhích lên.
Ngán ngẩm với tình trạng trâu bò mất giá, ông Minh cho hay: "Chăn nuôi mà gặp giá như thế này thì khó khăn lắm. Nhất là sắp Tết bao nhiêu thứ phải lo. Mong sang năm tháng 2, tháng 3 giá lên một chút để bán bớt đi bù công chăm sóc".
Có cùng nỗi lo, 24 hộ liên kết chăn nuôi của HTX Nghiệp Thành đang phải nuôi cầm chừng 230 con trâu, bò vì giá trâu thịt hơi giảm mạnh.
Theo anh Nguyễn Công Nghiệp (Giám đốc HTX Nghiệp Thành), trâu thịt vỗ béo trước đây có giá khoảng 90.000 - 95.000 đồng/kg. Bán 1 con, người nông dân cũng thu về từ 50 đến 60 triệu đồng.
Thế nhưng, năm 2022, giá trâu bò giảm mạnh chỉ còn 50.000 - 55.000 đồng/kg, giá bò còn 60.000 - 65.000 đồng/kg. Với mức giá này, trung bình bán một con trâu lỗ từ 20 đến 30 triệu đồng.
Với giá thành như hiện nay, vào dịp cận Tết, các thành viên trong HTX Nghiệp Thành đều rất áp lực. Nếu bán thì chỉ đủ bù tiền mua con giống ban đầu, chịu lỗ chi phí thức ăn, công chăm sóc. Nếu tiếp tục nuôi cầm chừng sẽ gánh chịu chi phí nguồn thức ăn không hề nhỏ.
Theo thống kê của Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Tuyên Quang, hiện tổng đàn trâu, bò trên địa bàn tỉnh gần 129.400 con. Trong số này có gần 39.400 con bò, 90.000 con trâu. Với tình hình giá cả xuống thấp, người dân đang lao đao khi sắp bước vào dịp Tết.
Đàn trâu ở Thừa Thiên Huế |
Cùng cảnh ngộ với các hộ nuôi trâu bò ở Tuyên Quang, các hộ nuôi trâu ở Thừa Thiên Huế cũng đang gặp khó.
Ông Đặng Duy Thân ở xã Hương Phong (TP. Huế) thường duy trì đàn trâu hơn 10 con. Ngoài trồng lúa, nuôi trâu được xem là nghề chính giúp gia đình ông Thân và nhiều người dân Hương Phong thoát nghèo, vươn lên khá giả. Tuy nhiên gần đây, giá trâu giảm mạnh khiến ông Thân cũng như nhiều hộ nuôi trâu gặp khó khăn.
Ông Thân chia sẻ, một thời giá trâu thịt mỗi con vài chục triệu đồng trở lên, sau đó giảm dần đến nay chỉ còn 10 triệu, thậm chí thấp hơn. Trước đây, lái buôn thường về tận địa phương để mua trâu, giờ họ không về mua nữa. Giá trâu giảm mạnh lại còn không có người mua.
Để chủ động trong tiêu thụ, tránh lái buôn ép giá, nhiều hộ nuôi quyết định tự mổ trâu bán. Mỗi con trâu dao động trên dưới 1 tạ thịt. Với giá bán hiện nay mỗi kg 200-250 ngàn đồng thì mỗi con trâu thịt tự giết mổ bán cũng được 20 triệu đồng trở lên. Ông Thân bảo, tự giết mổ bán mới có lời, đây cũng là biện pháp giữ trâu chờ giá tăng mới bán.
Trước thực trạng tiêu thụ khó khăn như hiện nay, ngành chức năng khuyến cáo người chăn nuôi trâu tiếp tục theo dõi thị trường, giữ đàn, không nên tăng đàn trong thời điểm này. Để giảm giá thành, người chăn nuôi cần phải xác định nuôi trâu, bò ở những vùng có lợi thế về đồng cỏ và phải hướng đến chăn nuôi trâu, bò như một phần của chuỗi nông nghiệp khép kín.
Trong quá trình nuôi cần tăng cường sử dụng nguồn thức ăn, phụ phẩm nông nghiệp sẵn có tại địa phương như tận dụng cỏ tươi, rơm rạ, thân cây ngô, lạc, sắn, khoai, rỉ mật, bã bia… để phối trộn làm thức ăn nhằm giảm giá thành chăn nuôi, tăng sức cạnh tranh với sản phẩm thịt trâu, bò nhập khẩu trên thị trường. Đồng thời, tăng nguồn thu từ việc chế biến phân vi sinh từ chất thải chăn nuôi trâu, bò.