Quảng Ninh: Phát hiện, thu giữ hơn 2.000 hộp kẹo táo đỏ không rõ nguồn gốc Quảng Trị: Phát hiện xe tải chở 4.500kg đường cát nhập lậu Hà Giang: Tạm giữ gần 225kg xúc xích nhập lậu trước Tết |
Đại tá Lê Thơm - Phó Cục trưởng C05. |
Phát biểu tại hội nghị, Đại tá Lê Thơm, Phó Cục trưởng Cục C05 (Bộ Công an) cho biết, thời gian vừa qua các đối tượng buôn lậu đã thay đổi về hình thức, tinh vi hơn. Ví dụ như ở Quảng Ninh, nếu trước đây là động vật thì bây giờ đã chuyển sang trứng gia cầm, giống thủy sản để dễ tiêu thụ, lẩn trốn.
Theo Đại tá Thơm, do chênh lệch giá cả, lợi nhuận cao nên nhiều đối tượng đã lôi kéo người dân tham gia vào buôn lậu: “Tại khu vực Tây Nam bộ, mỗi con trâu, bò khi được lùa qua biên giới có thể được trả công đến 800.000 đồng”.
Nhiều người Việt Nam cũng qua các trại heo ở Thái Lan mua heo thải, heo dịch, heo không giấy tờ… gom ở biên giới giáp các tỉnh Tây Ninh, Long An, Bình Phước, Đồng Tháp, rồi đưa xe tải qua chở về Việt Nam tiêu thụ.
"Người buôn lậu là các chủ doanh nghiệp, đầu nậu không đăng ký kinh doanh, người làm thuê, cửu vạn... thậm chí có một số cán bộ bảo kê, tiếp tay. Xe tải chở hàng nhập lậu qua biên giới thoải mái, không ai biết.
Hậu quả làm cho ngành chăn nuôi trong nước ta không thể cạnh tranh được về giá, dịch bệnh gia súc, gia cầm lây lan gây thiệt hại vô cùng lớn, gây dịch bệnh lây lan sang người. Thịt nhiễm bệnh tật nhập lậu về làm chả, làm nem bán cho các khu công nghiệp, công nhân, sinh viên ăn" - đại tá Thơm nói.
Đại tá Thơm cho biết thêm, năm 2024 lực lượng cảnh sát môi trường trên toàn quốc đã đấu tranh xử lý 338 vụ với 188 người vi phạm trong lĩnh vực gia súc, gia cầm, lây lan dịch bệnh và phạt tiền hơn 8 tỉ đồng, khởi tố 11 vụ với 18 bị can.
Điển hình như ngày 24-12-2024, qua trinh sát và nắm tình hình, C05 đã phát hiện đường dây vận chuyển heo từ Thái Lan, đưa qua Campuchia rồi tuồn vào Việt Nam tiêu thụ.
"Đoàn xe từ Việt Nam sang Campuchia chở heo về, khi vừa qua biên giới thì chúng tôi bắt giữ chủ đoàn xe, lái xe, phụ xe, người canh đường, 3 chủ hàng Campuchia.
Khi bắt, công an xã, công an huyện, Công an tỉnh Tây Ninh không hề biết gì, chỉ khi đưa các đối tượng về mới biết. Tại cơ quan công an, các đối tượng thừa nhận hành vi nhập lậu heo từ Thái Lan về Việt Nam. Cơ quan điều tra đã khởi tố 3 vụ án với 7 đối tượng, thu giữ trước mắt 3,1 tỉ đồng" - đại tá Thơm thông tin.
Gần nhất ngày 11-1, sau thời gian khoảng 2 tháng thu thập thông tin, tài liệu, C05 bắt quả tang tại cơ sở giết mổ Nguyễn Hữu Ân ở ấp Ngãi Đức 1, xã Đức Lập Thượng, huyện Đức Hòa, tỉnh Long An.
"Tại đây chúng tôi phát hiện 900 con heo bị dịch bệnh được đưa vào cơ sở này để giết mổ. Qua kiểm tra phân tích 21 mẫu thì có tới 19 mẫu nhiễm dịch tả heo châu Phi, tai xanh. Qua đấu tranh, chủ cơ sở khai nhận đã đưa một số thịt heo ra một số quầy hàng ở chợ Hóc Môn tiêu thụ.
Sau đó, cơ quan công an phối hợp cùng các cơ quan của tỉnh Long An đã tiêu hủy khoảng 9 tấn thịt heo. Hiện cơ quan điều tra đang củng cố hồ sơ để khởi tố vụ án" - đại tá Thơm nói.
Theo Thứ trưởng Phùng Đức Tiến, khi tình trạng buôn lậu xảy ra, không chỉ gây ảnh hưởng đến kinh tế, ngành chăn nuôi trong nước mà còn đầy rẫy nguy cơ dịch bệnh cho vật nuôi cũng như đe dọa đến sức khỏe con người. Đặc biệt lưu ý các địa phương phía Nam, nơi có nhiều doanh nghiệp chăn nuôi tầm cỡ thế giới đến đầu tư, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến khẳng định nếu để xảy ra buôn lậu chẳng khác gì “lấy đá đập vào chân mình”.
“Có thể nói, hoạt động buôn lậu rất phức tạp, từ địa bàn, đối tượng cho đến hình thức. Tuy nhiên, trong 2 năm qua, công tác phòng, chống buôn lậu đã đi vào chiều sâu, nhận dạng đúng đối tượng, địa bàn, hành vi với sự tham gia tích cực của các lực lượng”, lãnh đạo Bộ NN-PTNT khẳng định. Trước tình hình đó, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến đề nghị các lực lượng như công an, bộ đội biên phòng, hải quan… và đặc biệt là địa phương cần tiếp tục xoáy sâu, ngăn chặn triệt để buôn lậu dựa trên những gì đã định vị được. |