Cẩm nang du lịch Mai Châu bốn mùa Lên lịch về Mai Châu “mùa em thơm nếp xôi” Review du lịch Hòa Bình: Khám phá cái nôi của nền văn hóa Mường |
1. Xôi nếp nương Mai Châu
“Nhớ ôi Tây Tiến cơm lên khói
Mai Châu mùa em thơm nếp xôi”
(Trích thơ Tây Tiến - Quang Dũng)
Quang Dũng đã viết về những kỉ niệm với món ăn xôi nếp nương của Mai Châu như vậy đấy. Chẳng phải tự nhiên mà món ăn này lại đi vào cả văn thơ như vậy. Ai đã đến Mai Châu và thưởng thức xôi nếp đều sẽ có cảm tình, tận sâu trong tâm trí đều lưu giữ hương vị ngon lành của xôi nếp nương Mai Châu.
Xôi nếp nương Mai Châu là món ăn truyền thống của người dân nơi đây, bởi xôi chỉ có thể thơm nhất và đậm vị nhất khi được nấu từ chính đôi bàn tay khéo léo của người phụ nữ dân tộc Thái và bằng chính loại nếp nương được trồng trên những thửa ruộng bậc thang nối liền nhau ngay lưng chừng núi.
Sau khi nếp được thu hoạch về, các hạt nếp nương sẽ được phơi khô cho thật ráo vỏ, khi đó các cô gái Thái sẽ dùng sức lực đôi bàn tay mình cho nếp vào cối lớn để tróc vỏ đi. Từng hạt nếp nương chắc mẩy sẽ được mang đi ngâm nhiều giờ liên tục để nếp thấm nước và nở ra. Sau khoảng thời gian ngâm đã đủ nước, các hạt nếp được cho vào đồ trong những khay gỗ để tạo nên một mùi hương đặc trưng của món xôi nếp nương Mai Châu.
Dưới ngọn lửa hồng của củi rừng Tây Bắc, xôi tỏa ra hương thơm đặc trưng của loại nếp nương Mai Châu, khi đó ta lấy xôi ra rổ, xới xôi thật đều tay một lúc rồi lại cho xôi vào chõ gỗ để đồ tiếp lần hai. Lúc này, công việc còn lại là chỉ chờ cho xôi chín.
Đến khi đã cảm nhận được hương vị thơm phức lòng người của nếp nương từ chõ xôi là lúc xôi đã chín, nhìn hạt nếp ta thấy bóng mẩy, nở căng cho thấy xôi đã đạt được tiêu chuẩn về mặt hình thức.
Còn về hương vị của xôi, khi nếm thử ngay từ đầu lưỡi đã cảm nhận thấy vị dẻo ngọt của hạt nếp thì khi đó xôi đã đạt đến độ chuẩn về chất lượng.
Khi thưởng thức xôi nếp nương Mai Châu người ta thường ăn kèm cùng với một số món ăn khác như lợn rừng xiên nướng, gà đồi xé nhỏ hoặc có thể chọn cho mình cá suối nướng, thơm lừng…Và xôi nếp nương Mai Châu ăn đơn giản nhất đó chính là ăn kèm với muối vừng, sự kết hợp này sẽ mang hương vị của món xôi nếp đạt đến mức thượng hạng.
2. Cá nướng đồ
Sông Đà từ lâu đã nổi danh là nơi có nhiều loài cá ngon như cá trắm, cá măng, …. Tại lưu vực lòng hồ sông Đà, cá nướng được coi là một đặc sản.
Ở đây cá bán quanh năm, nhưng đặc biệt vào độ tháng 9 tháng 10, lúc này nước về, thời điểm cá trắm, cá măng được mùa. Các cửa hàng có nhiều cá tươi để bán cho khách du lịch.
Ghé vào một cửa hàng bán cá ven sông Đà, du khách sẽ không khỏi háo hức khi chứng kiến những chú cá tươi ngon, vẫn còn cố luồn lách trong giỏ.
Bên bếp lửa rực cháy là những xiên cá lấp lánh, vàng ươm. Cá khi nướng được kẹp bằng tre. Những chú cá thiểu thân trắng bạc, óng ánh trông vô cùng bắt mắt. Những chú cá măng khổng lồ nặng đến hơn 3kg mỗi con. Cá chép tươi ngon cùng vô vàn loài cá khác không rõ tên gọi.
Cách chế biến cá vô cùng đơn giản. Sau khi rửa qua, cá được ngâm trong nước muối để tự sạch ruột. Sau đó, những chú cá được xát muối quanh thân và xếp ngay ngắn trên chiếc kẹp tre.
Cá được đánh bắt từ sông Đà, mang về đem nướng trên than hồng. Trước khi nướng, cá được xiên các que tre nhỏ từ miệng xuống tận đuôi, rồi dùng kẹp tre xanh kẹp vào để cho cá khỏi rơi, gãy. Cá nướng được đem rắc muối gói lá chuối, đồ lên rồi mới ăn.
Sự kết hợp các hương vị của tre tươi, lá chuối, ăn kèm với lá lốt, lá mơ, lá sấu non, đinh lăng và vị đậm đà của muối hòa quyện vào nhau làm cho món ăn thực sự hấp dẫn. Du khách sẽ khó mà quên được hương vị ẩm thực Tây Bắc này khi thưởng thức cùng với cơm lam.
Cá nướng thơm ngon, thịt chắc, da giòn, xém cạnh, vị mặn vừa đủ. Thịt cá chấm với muối ớt, cuộn gọn trong lá lốt vừa làm mất vị tanh của cá, vừa giúp món ăn thêm đậm đà, ngon ngọt.
3. Thịt lợn mán thui luộc
Bên cạnh cách chế biến cầu kì thì việc lựa chọn loại thịt lợn làm món ăn cũng rất quan trọng. Thịt được chọn phải là giống lợn mán khỏe mạnh, được nuôi theo phương thức gần gũi thiên nhiên, không chuồng trại, tự kiếm thức ăn từ các loại rau rừng nên thịt săn chắc, ít mỡ nhiều nạc, giòn mà thơm ngọt.
Lợn mán sau khi cắt tiết, người Mường không cạo lông ngay mà đem thui vàng, thui đến đâu cạo lông đến đó để giữ cho hương vị thịt trọn vẹn nhất và cũng để lớp da lợn có màu vàng ươm như mật ong rất đẹp mắt. Sau khi thui kỹ, thịt lợn mán được rửa sạch và xẻ thành từng tảng đem luộc chín trên bếp than hồng.
Thị lợn mán luộc được người Mường bày trí trên là chuối rừng tạo nét riêng độc đáo của món ăn nơi đây |
Khi mùi thơm tỏa ra cũng là lúc món lợn mán thui luộc chín tới. Nhanh chóng vớt thịt ra đĩa rồi xắt thành những miếng mỏng vừa ăn. Độc đáo ở chỗ, lợn mán luộc được người Mường bày trí trên là chuối rừng tạo nét riêng độc đáo của món ăn nơi đây.
Kỹ thuật luộc thịt cũng lắm công phu, lợn mán phải được luộc trên bếp củi rừng và canh sao cho ngọn lửa luôn đều, chỉ cần hơi to hoặc nhỏ lửa một chút cũng có thể làm ảnh hưởng đến món ăn.
Bên ngoài miếng thịt có màu vàng ong do bị lửa thui, còn bên trong miếng thịt chín tới có màu hồng nhạt, mềm, da giòn, ngọt thịt và tỏa mùi thơm quyến rũ.
Những miếng thịt lợn mán nóng hổi được chấm với muối hạt dổi nướng giã nhỏ, tạo nên hương vị đậm đà của muối rang, vị ngọt thanh của thịt lợn mán và vị cay cay của hạt dổi. Chỉ mộc mạc vậy thôi mà món lợn mán thui luộc đã chinh phục được cả những thực khách khó tính nhất.
Thịt lợn mán thui luộc đã trở thành món ăn truyền thống của đồng bào nơi đây. Họ dùng món thịt lợn mán thui luộc trong những ngày lễ tết, cưới hỏi, hay những lần khách quý ghé thăm để cầu may mắn, sức khỏe và an lành. Nếu có dịp du khách đừng quên thưởng thức món thịt lợn mán thui luộc của đồng bào Mường Hòa bình nhé!
4. Thịt lợn muối chua
Thịt lợn muối chua hay còn được gọi với cái tên khác là thịt lợn muối chua Thung Nai là món ăn của người Mường thường được dùng trong những dịp lễ tết, cưới hỏi,hay đãi khách quý trong nhà.
Thịt được chế biến độc đáo khi ăn có vị chua nhẹ , mặn và vừa và quyện cùng mùi thơm của gạo. Khi đến với Hòa Bình nếu du khách bỏ lỡ qua món ăn độc đáo này thì sẽ rất hối tiếc, điều đặc biệt hơn khi thưởng thức món ăn này thường có loại lá rừng đi kèm để tạo ra hương vị khó quên của núi rừng Hòa Bình.
Món thịt lợn muối chua là một món ăn chế biến không khó nhưng đòi hỏi sự cầu kì, khéo léo, tinh tế trong khâu chế biến .
Muốn muối thịt ngon thì trước tiên phải lựa chọn từ thịt ba chỉ của những con lợn được thả rông dài ngày để thịt có thể ngon hơn.
Sau khi thái thịt thì ướp với muối và riềng khô giã nhỏ sao cho có thể ngấm được vào miếng thịt, sau đó trộn với rượu nếp cái và men lá rừng giã nhỏ cùng với gạo rang giã nhỏ thời gian khoảng 60 phút sao cho ngấm đều.
Nguyên liệu đặc biệt mà không thể thiếu để làm nên món thịt lợn chua đó là thính được làm từ gạo rang rồi giã nhỏ .Thịt sau khi được trộn đều với thính và các gia vị thì đem ủ thịt.
Sau đó lấy lá chuối rừng hơ lên trên lửa, lau sạch rồi lót vào đáy bồ làm bằng tre, nứa, trước khi đưa thịt vào bồ. Phần dưới của bồ (trên của lá chuối) được rải một lớp gạo rang nhỏ trộn với muối rang sau đó xếp thịt lên, cứ một lần xếp thịt lại rải một lần gạo rang với muối.
Sau đó đậy kín nắp bồ bằng lá chuối và để bồ thịt muối ở quang bếp củi hoặc trên gác bếp đun củi. Khi khách du lịch thưởng thức món ăn thịt lợn chua vẫn cảm nhận được màu sắc của thịt, ngậy của bì, độ chua của men rừng, độ mặn vừa phải của muối, độ thơm của gạo. Món ăn này thường được ăn với các loại lá rừng.
5. Rau rừng thập cẩm đồ
Rau rừng thập cẩm đồ |
Với tập quán sinh sống khác nhau, người Mường lại có khẩu vị thích những vị chua chát, vị đắng, thích sử dụng phương thức đồ để chế biến rau nên món rau được đồng bào khá ưa chuộng.
Thông thường món rau rừng đồ được tạo thành từ nhiều loại rau khác nhau, người dân sẽ hái các loại rau quanh nhà như: rau beo, rau tầm bóp, rau đốm, rau the hởi, hoa chuối, quả quạnh,…không thể thiếu trong món rau đồ là ngọn và lá đu đủ bánh tẻ cùng những chùm hoa đu đủ đực trắng tinh. Rau rừng được dân bản địa sử dụng để tạo vị đắng cho món ăn.
Thưởng thức rau đồ cùng nước chấm |
Sau khi rửa sạch các loại rau rừng thì đem thái nhỏ, mỏng và trộn đều rồi đồ lên bằng chõ gỗ. Chờ cho nước sôi thì cho rau vào chõ để gỗ. Khoảng 15-20 phút, khi ngửi thấy mùi thơm, đặc biệt là lá lốt, thì rau đã chín. Rau được đồ chín bằng hơi nên không nát, khi chín những loại rau này vẫn giữ được màu sắc, rất xanh, rất đậm đà.
Không biết từ bao giờ món rau rừng đồ trở thành đặc sản của người dân xứ Mường. Món rau rừng là món ăn đơn giản và bình dị nhưng đậm chất của người Mường, có thể khiến cho du khách hiểu rõ hơn về ẩm thực độc đáo và phong phú, gần gũi, mộc mạc của người Mường.
6. Măng đắng
Măng đắng là mầm cây thuộc họ tre, trúc, mai,vầu, sặt, nứa, mới nhú khoảng 1, 2 đốt ngón tay trở xuống. Khi bóc bẹ măng ra, xuất hiện ra thân măng trắng muốt, trong trẻo.
Măng đắng đem từ rừng về cần được loại bỏ bẹ măng, thái nhỏ đem luộc sơ sau đó ngâm với nước muối loại bỏ bớt vị chát đắng của măng, tiếp đến đem măng ngâm tiếp trong nước lạnh một khoảng thời gian ngắn là có thể chế biến được.
Bên cạnh đó măng đắng còn được dùng để chế biến nhiều món ăn hấp dẫn khác như măng xào, măng nấu thịt vịt, hầm xương, nấu với cá,….
Cũng giống như măng le Tây Nguyên hay nhiều loại măng khác, măng đắng chấm muối ớt thì ngon không có gì bằng. Vị đắng độc đáo của măng quyện vào vị cay của muối ớt sẽ đem đến hương vị vô cùng khác lạ, khiến nhiều người thích thú.
Măng luộc chấm mắm tôm chanh - món ăn hấp dẫn, ảnh: Quang Minh |
Sức hút của măng đắng chính là khiến cho người ăn một lần sẽ muốn ăn thêm lần nữa. Muốn có măng đắng ngon phải chọn những mầm măng sạt mới nhú lấy củi nướng cho đến khi măng cháy xém.
Khi ăn, ta sẽ cảm nhận được vị đắng ngọt của măng, vị mặn của muối, nồng nàn của ớt, vị cay ấm của lá gừng, vị cay tê của mắc khén, vị cay rát của tỏi cùng hương vị đặc trưng của nước măng chua và cây măng nướng
7. Chả cuốn lá bưởi
Chả cuốn lá bưởi chấm cùng muối tiêu chanh hoặc hạt dổi nướng mới đậm đà |
Chả cuốn lá bưởi đặc sản Hòa Bình được chế biến khá đơn giản. Chỉ cần chọn thịt lợn ba chỉ ngon, sau đó thái con chì, ướp với hành và nước mắm. Lá bưởi rửa sạch, cắt làm đôi. Tiếp đó mỗi nửa lá bưởi cuốn một miếng thịt, rồi kẹp thịt vào kẹp làm bằng tre tươi nướng trên than hồng.
Mỡ lợn rớt xuống than hồng làm bốc lên một mùi thơm ngào ngạt. Đó là hương thơm của thịt hòa quyện với hương thơm của lá bưởi. Chỉ cần ngửi thấy mùi thôi là đã muốn ăn rồi.
Rắc thêm một chút vừng vừa thơm vừa bùi |
Chả được nướng trên than hồng cho đến khi lá bưởi chuyển sang màu tím, se lại là được. Khi ăn, cắn một miếng chả, thấy lá bưởi giòn tan hòa vào hương vị của thịt làm cho người ăn không còn cảm giác ngấy. Thay vào đó chỉ còn lại cái cảm giác tê tê ở đầu lưỡi.
8. Thịt trâu nấu lá lồm
Lá lồm |
Đến Thung Nai du khách được dịp thưởng thức món thịt trâu nấu lá lồm ngon đến nao lòng do chính tay người dân bản xử chế biến.
Món thịt trâu nấu lá lồm là món ăn dân tộc phổ biến của dân tộc Mường, thịt trâu lá lồm đã trở thành món ăn đặc sản mà du khách nào đến đây cũng muốn thử một lần. Món ăn thịt trâu nấu lá lồm có những nét đặc trưng: ngon miệng, hấp dẫn, gắn bó với đời sống và phong tục người dân tộc Mường.
Thịt trâu lá lồm là món ăn đơn giản nhưng lại tạo nết nét đặc trưng bởi lá lồm. Thịt trâu đem thui cho thơm, cạo sạch bung cho mềm, đem bóc thái miếng nhỏ, hầm trong nồi đất cho kĩ rồi giã lá lồm, nêm một ít tấm gạo bỏ vào nồi hầm cùng thịt trâu.
Khi tấm gạo chín nở và hơi sánh thì cũng là lúc thịt trâu đã chín nhừ và ngấm gia vị và vị chua của lá lồm. Thịt trâu kết hợp với lá lồm tạo ra một hương vị hết sức độc đáo, vị thanh chua của lá lồm đã át đi mùi ngấy của thịt trâu, miếng thịt sau khi đã no lửa chín mềm quấn lấy gia vị thơm lừng, ăn một lần không thể quên hương vị đặc sắc này.
Món ăn này không khó chế biến nhưng khâu nguyên liệu lại cực kì phức tạp. Để có thể tạo nên một món thịt trâu ngon miệng, người đầu bếp phải là người biết chọn nguyên liệu một cách khéo léo,thịt trâu phải dẻo và không được để qua ngày, nếu không thịt sẽ chuyển sang màu tím, ăn dai và mất đi thẩm mỹ.
Lá lồm là phải được chọn kĩ để lá có xanh tươi tự nhiên để khi nấu vò thả vào niêu đất sẽ có vị thanh thanh chua chua nhẹ nhàng không bị đắng chát. Nếu lá có màu hơi ngả vàng có nghĩa là lá đã già hoặc úa, khi nấu với thịt trâu sẽ không có được hương vị mong muốn.
9. Chả rau đáu
Người Mường bảo rằng, món chả rau đáu là món ăn cổ truyền và là đặc sản Hòa Bình. Món ăn chả rau đáu được sử dụng phổ biến vào dịp Tết và vẫn được rất nhiều người ưa chuộng cho đến nay. Để làm được sự khác biệt của món chả rau đáu, những người dân bản xứ nơi đây đã phải lặn lội cả chục cây số mất cả ngày trời bên những khe suối trên rừng để tìm rau xanh tươi và đúng hương vị của rau đáu.
Chính sự khan hiếm của rau rừng, nên cho dù là khách quý của gia chủ, nhưng nếu không báo trước khi đến thăm thì rất khó có cơ hội để thưởng thức món ăn độc đáo chả rau đáu.
Thịt được sử dụng trong món ăn chả rau đáu phải là thịt bao gồm cả phần sụn để du khách có thể cảm giác được cái thú vị khi nhai sựt sựt từ xương sụn. Thịt đem băm thật nhuyễn rồi tẩm ướp với một số gia vị như hành tươi, hạt tiêu, hạt sổi…. Để yên khoảng 30 – 40 phút cho gia vị ngấm hết vào thịt rồi mới tiến hành gói chả.
Lá dùng để gói chính là rau đáu quý giá được kiếm từ rừng sâu. Món chả rau đáu có vị thơm mát của loài rau đáu. Bên cạnh đó là sự hòa quyện với hương vị của hành khô, hạt sổi ướp trong thịt cùng với cảm giác
Chả rau đáu được ăn cùng với cơm hoặc nhâm nhi bên chén rượu khi Tết đến xuân về. Vị cay nồng của rượu hòa quyện với hương thơm thanh mát của món chả rau đáu làm cho lòng người xao xuyến, lâng lâng.
Vì sự quý hiếm của rau đáu – đặc sản Hòa Bình nên để thưởng thức món này cả nhà nhớ là báo trước để gia chủ chuẩn bị nhé!
10. Canh loóng
Người Mường có rất nhiều loại ẩm thực đậm đà dư vị được chế biến từ các loại cây lá trên rừng, bên ven suối. Trong đó, món canh loóng chuối là món ăn đặc sắc và đặc biệt không thể thiếu trong những ngày lễ, ngày tết của người mường.
Món canh loóng là món rất dễ chế biến và rất đơn giản về mặt nguyên liệu không cầu kì như những món khác. Phải chế biến được món canh loóng, người Mường phải chuẩn bị sẵn các nguyên liệu, như thân cây chuối không quá non cũng không được quá già, xương hoặc chân giò lợn mán, lá lốt, lá tía tô hái trên rừng hoặc trong vườn nhà để được tươi tốt, hạt dổi.
Tất cả các nguyên liệu này đều có sẵn xung quanh trong khu vực sống, dễ kiếm, có thể tự làm được, không phải đi mua, kể cả xương lợn mán cũng nuôi được nên rất tươi ngon.
Ở các bản Mường, có thể tìm thấy giống chuối gòng được trồng ở vườn nhà, bìa rừng, ven sông, ven suối rất nhiều. Khi đi chặt chuối, phải chọn giống chuối gòng có thân cao, không chát, trắng, lấy đoạn giữa, bỏ đi các phần khác.
Chuối chặt về, đem ra bóc bỏ lớp vỏ già bên ngoài và chỉ lấy phần lõi non có màu trắng, có vị ngọt mát và mềm. Dùng dao thái lát mỏng từng miếng rồi cho vào chậu ngâm nước lã để chuối tiết ra mũ trắng và vẫn giữ được độ tươi của chuối .
Sau khi đã chuẩn bị xong tất cả cả nguyên liệu cho món ăn này, xương lợn mán đem đi ninh nhừ, chủ yếu là lấy nước nấu canh. Khi xương lợn ninh xong đã mềm, loóng chuối được vớt ra, để ráo nước rồi sau đó cho vào nồi, dùng đũa đảo đều sau đó đậy kín vung, ninh tiếp khoảng 30 phút là được.
Trước khi hạ nồi canh xuống, cho lá lốt đã thái nhỏ cùng hạt dổi vào rồi đảo đều, nêm vừa muối và múc ra bát để thưởng thức.
Canh loóng khi nấu xong có một màu sắc đặc biệt thu hút người ăn đó là màu trắng ngần , màu xanh của lá lốt, màu tím của tía tô, màu lấm chấm đen của hạt dổi giã mịn. Tất cả hòa quyện và đã làm nên bát canh đậm đà sắc màu dân tộc Mường.
Khi ăn, canh loóng có vị ngọt ngọt của xương lợn má được nuôi tự nhiên, vị thơm ngọt và giòn của loóng chuối tươi, vị thơm của lá lốt gây kích thích vị giác của người ăn, vị cay nhè nhẹ của hạt dổi. Nếu lần đầu được thưởng thức, người ăn sẽ thấy rất lạ miệng và hấp dẫn và có thể ghiền món ăn này ngan lần đâu tiền.