Ngày 2/5/2025, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký Công điện số 55/CĐ-TTg gửi Bộ trưởng các Bộ: Công an, Quốc phòng, Y tế, Công Thương, Tài chính, Văn hóa, Thể thao và Du lịch; cùng Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Thời gian gần đây, các cơ quan chức năng liên tiếp phát hiện nhiều vụ sản xuất, buôn bán thuốc chữa bệnh giả, sữa giả và thực phẩm bảo vệ sức khỏe giả với quy mô lớn, hoạt động kéo dài, gây bức xúc trong nhân dân.
![]() |
Thời gian gần đây, các cơ quan chức năng liên tiếp phát hiện nhiều vụ sản xuất, buôn bán thuốc chữa bệnh giả, sữa giả và thực phẩm bảo vệ sức khỏe giả với quy mô lớn,. |
Điển hình, Bộ Công an đã triệt phá đường dây sản xuất và tiêu thụ 573 nhãn hiệu sữa bột giả dành cho người tiểu đường, suy thận, trẻ sinh non và phụ nữ mang thai, với doanh thu gần 500 tỷ đồng. Công an tỉnh Thanh Hóa cũng đã triệt phá một đường dây sản xuất và buôn bán thuốc tân dược giả hoạt động trên toàn quốc, bắt giữ 14 đối tượng. Tại Phú Thọ, lực lượng chức năng thu giữ hơn 71.000 lít dầu ăn, khoảng 40 tấn mì chính, 22 tấn hạt nêm và 9 tấn bột canh giả. Một số sản phẩm dinh dưỡng bổ sung cho trẻ sơ sinh cũng bị phát hiện là hàng giả.
Trước thực trạng đáng báo động này, Thủ tướng yêu cầu Bộ Công an khẩn trương đẩy nhanh tiến độ điều tra, xử lý các vụ việc; đồng thời phối hợp chặt chẽ với các cơ quan liên quan và chỉ đạo công an địa phương nắm chắc tình hình, kịp thời phát hiện, ngăn chặn và không để bỏ lọt tội phạm.
Công điện cũng yêu cầu Bộ Công an tăng cường xử lý các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến sản xuất, buôn bán thuốc chữa bệnh giả, sữa giả và thực phẩm bảo vệ sức khỏe giả.
Đối với Bộ Y tế, Thủ tướng yêu cầu đẩy mạnh kiểm tra việc chấp hành các quy định pháp luật về dược và an toàn thực phẩm; đồng thời tăng cường quản lý nhà nước đối với mỹ phẩm, tránh để xảy ra sai phạm. Bộ Y tế cần phối hợp chặt chẽ với Bộ Công an trong điều tra, xử lý các vụ hàng giả và rà soát các vướng mắc trong quy định pháp luật để kịp thời đề xuất sửa đổi, bổ sung.
Ba Bộ: Công Thương, Tài chính và Quốc phòng có trách nhiệm tăng cường kiểm tra, giám sát hoạt động lưu thông, phân phối hàng hóa tại các kênh bán lẻ, đại lý và sàn thương mại điện tử.
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch được giao phối hợp với Bộ Công an, Bộ Y tế và các cơ quan liên quan để rà soát, xử lý vi phạm trong hoạt động quảng cáo liên quan đến hàng giả trên báo chí, môi trường mạng, mạng xã hội và các xuất bản phẩm. Đồng thời, cần tăng cường kiểm tra việc chấp hành các quy định pháp luật về quảng cáo, đặc biệt với sản phẩm thuốc chữa bệnh, sữa và thực phẩm bảo vệ sức khỏe, kịp thời ngăn chặn và xử lý nghiêm sai phạm.
![]() |
Hàng loạt nhãn hiệu sữa giả vừa bị cơ quan chức năng phát hiện. |
UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương được yêu cầu chỉ đạo cơ quan chức năng tổ chức các đợt cao điểm kiểm tra việc chấp hành pháp luật về dược và an toàn thực phẩm tại các cơ sở kinh doanh thuốc chữa bệnh, thực phẩm bảo vệ sức khỏe trên địa bàn; xử lý nghiêm vi phạm theo quy định. Đồng thời, cần kiểm tra và xử lý các hành vi quảng cáo, kinh doanh các sản phẩm này trên môi trường mạng; khẩn trương rà soát, thu hồi các loại thuốc, sữa và thực phẩm bảo vệ sức khỏe giả đã bị phát hiện để kịp thời ngăn chặn và giảm thiểu tác hại cho người dân.
Các bộ, cơ quan và địa phương theo chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền được giao cần tăng cường các biện pháp nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý đối với lĩnh vực dược, an toàn thực phẩm, quảng cáo và kinh doanh thuốc chữa bệnh, thực phẩm bảo vệ sức khỏe. Những vấn đề vượt thẩm quyền cần kịp thời báo cáo, đề xuất cấp có thẩm quyền xem xét, xử lý.
Đây là lần thứ hai trong nửa tháng qua Thủ tướng yêu cầu đẩy nhanh điều tra vụ việc liên quan đến sữa giả. Trước đó, ngày 17/4, Thủ tướng đã có văn bản yêu cầu Bộ Công an sớm có kết luận điều tra để đưa các nghi phạm ra xét xử, đồng thời chỉ đạo Bộ Y tế rà soát các quy định pháp luật để đề xuất sửa đổi, bổ sung phù hợp.
Hiện nay, theo quy định, doanh nghiệp được quyền tự công bố chất lượng sản phẩm thực phẩm và thực phẩm bảo vệ sức khỏe, trừ bốn nhóm sản phẩm đặc thù gồm: thực phẩm bảo vệ sức khỏe, thực phẩm dinh dưỡng y học, thực phẩm dùng cho chế độ ăn đặc biệt và sản phẩm dinh dưỡng cho trẻ đến 36 tháng tuổi. Quy định này đang tạo ra lỗ hổng pháp lý khiến các đối tượng lợi dụng để sản xuất, tiêu thụ hàng giả. Theo Bộ Y tế, hiện có tới 96% doanh nghiệp tự công bố chất lượng sản phẩm. Cùng với đó, cơ chế hậu kiểm chồng chéo giữa các bộ ngành và địa phương cũng khiến việc kiểm soát chất lượng hàng hóa trên thị trường gặp nhiều khó khăn.