Phấn đấu đạt tổng thu hơn 20.000 tỷ đồng
Theo số liệu thống kê của Sở VHTT&DL Thanh Hóa, 10 tháng năm 2022, khách du lịch đến Thanh Hoá đạt gần 11 triệu lượt khách, tăng gấp 3,3 lần so với cùng kỳ năm 2021, đạt 105,6% kế hoạch năm 2022; Tổng thu du lịch đạt gần 20.000 tỷ đồng, tăng gấp 4,1 lần so với cùng kỳ 2021, đạt 107,9% kế hoạch 2022.
Dự kiến năm 2022, Thanh Hoá ước đón trên 11 triệu lượt khách, tăng gấp 3,22 lần so với năm 2021, đạt 110,1% kế hoạch; Tổng thu du lịch ước đạt 20.038 tỷ đồng, tăng gấp 4 lần so với năm 2021, đạt 111,8% kế hoạch.
Để có được kết quả ấn tượng trên, bắt đầu từ thời điểm du lịch mở cửa trở lại, ngày 15/3, tỉnh Thanh Hoá đã xây dựng “điểm đến xanh”, “tuyến du lịch xanh” tạo hành lang an toàn đón khách, đồng thời tập trung đẩy mạnh các hoạt động kích cầu du lịch, cố gắng đạt mục tiêu theo kịch bản tăng trưởng của ngành du lịch trong năm 2022.
Thanh Hóa có nguồn tài nguyên du lịch phong phú thu hút lượng lớn khách du lịch |
Sự chủ động của Thanh Hóa tạo ra sức bật mạnh mẽ cho ngành du lịch tại địa phương này. Đặc biệt, mùa hè năm 2022 đã chứng kiến sự “hồi sinh” mạnh mẽ của ngành du lịch Thanh Hóa khi các điểm đến đồng loạt thu hút lượng lớn khách du lịch như: Khu Du lịch biển Sầm Sơn; Hải Tiến (Hoằng Hóa); Hải Hòa, Bãi Đông (thị xã Nghi Sơn); suối cá Cẩm Lương (Cẩm Thủy); Lam Kinh (Thọ Xuân); Thành Nhà Hồ (Vĩnh Lộc); Pù Luông (Bá Thước)... Cùng với đó là hàng loạt các điểm du lịch, sản phẩm du lịch mới như du lịch nông trại, camping đầy hấp dẫn.
Đồng thời Thanh Hóa có nguồn tài nguyên du lịch phong phú, đặc trưng, có 102 km bờ biển với nhiều bãi tắm đẹp nổi tiếng trong cả nước; có núi, rừng, sông, hồ, hang, động hùng vĩ, cảnh quan nên thơ. Cùng với đó là hệ thống di tích lịch sử văn hóa dày đặc, với trên 1.500 di tích được kiểm kê, xếp hạng; trên 300 lễ hội truyền thống; nhiều nét đặc sắc văn hóa, sinh hoạt, sản xuất của người dân tộc thiểu số... là một trong những cơ sở quan trọng để Thanh Hóa tổ chức khai thác, phát triển nhiều loại hình du lịch đặc sắc, hấp dẫn khách du lịch.
Giữ đà tăng trưởng bền vững
Toàn tỉnh Thanh Hóa đã có 80 dự án đầu tư kinh doanh du lịch đang triển khai, với tổng vốn đăng ký gần 146.000 tỷ đồng, tiêu biểu như: Quần thể Khu du lịch nghỉ dưỡng và sân golf FLC; Khu du lịch sinh thái biển Tiến Thanh; Dự án Quảng trường biển, trục cảnh quan lễ hội TP Sầm Sơn; Khu đô thị du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng và vui chơi giải trí cao cấp Bến En...
Cùng với đó, một số công trình trọng điểm quốc gia trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa cũng đang triển khai và đã đi vào khai thác, hoạt động như: tuyến đường bộ ven biển; cao tốc Bắc - Nam; cảng nước sâu Nghi Sơn; Cảng Hàng không Thọ Xuân quy hoạch đầu tư trở thành cảng hàng không quốc tế. Với chiến lược đầu tư đồng bộ và sự tham gia của các tập đoàn uy tín cùng hàng loạt dự án quy mô, tầm cỡ, Thanh Hóa đang đứng trước cơ hội lớn để trở thành điểm đến du lịch hiện đại, giàu trải nghiệm, từng bước xóa bỏ điểm yếu du lịch mùa vụ.
Theo lãnh Sở VHTT&DL Thanh Hóa để giữ đà tăng trưởng bền vững, chiến lược trong thời gian tới của Thanh Hoá bao gồm 2 yếu tố. Phát triển du lịch theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại, có trọng tâm, trọng điểm; phát triển hài hòa giữa chiều rộng và chiều sâu, đảm bảo chất lượng, hiệu quả, khẳng định thương hiệu và khả năng cạnh tranh. Tập trung nguồn lực, ưu tiên đầu tư cơ sở vật chất - kỹ thuật đồng bộ, hiện đại sản phẩm du lịch có chất lượng cao, đa dạng, có thương hiệu, mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc.
Khu du lịch Pù Luông được xây dựng trở thành “điểm đến xanh”, “tuyến du lịch xanh” của Thanh Hóa |
Tiếp đến, ngành du lịch Thanh Hóa sẽ tích cực chuyển đổi số, hướng tới mục tiêu phát triển hệ sinh thái du lịch thông minh, gắn kết các chủ thể từ khách du lịch, doanh nghiệp cung ứng dịch vụ và cơ quan quản lý nhà nước. Dự án du lịch thông minh tại Thanh Hóa được triển khai trong 2 giai đoạn.
Giai đoạn 1 tập trung xây dựng ứng dụng du lịch thông minh và thực hiện thành công số hóa nhiều địa điểm du lịch của Thanh Hóa với các tính năng: Trải nghiệm du lịch VR 360; trải nghiệm du lịch nội khu bằng công nghệ thực tế ảo tăng cường AR; tìm kiếm và tra cứu thông tin du lịch… Hiện tại tỉnh Thanh Hoá đã phối hợp với Mobifone thực hiện số hoá du lịch tại các địa danh nổi tiếng như: Khu di tích Lam Kinh, Pù Luông, Thành nhà Hồ, Đền Nưa - Am Tiên. Giai đoạn 2 sẽ tập trung phát triển các tính năng nâng cao về kết nối các đơn vị kinh doanh lưu trú, lữ hành, nhà hàng, giải trí.
Tiếp đến, để tăng cường thu hút khách du lịch quốc tế đến với Thanh Hoá trong thời gian tới, ngành du lịch Thanh Hoá sẽ triển khai một số nhiệm vụ quảng bá, xúc tiến du lịch sau:
Đăng cai tổ chức các sự kiện, Hội nghị liên kết, hợp tác du lịch Việt Nam, du lịch Thanh Hoá với các nước có thị trường gửi khách lớn. Dự kiến, năm 2023, tỉnh Thanh Hoá sẽ phối hợp với Tổng cục Du lịch đăng cai tổ chức Hội nghị hợp tác du lịch Việt Nam - Đài Loan lần thứ 10 tại Thanh Hoá.
Tiếp tục đẩy mạnh truyền thông du lịch Thanh Hóa với chủ đề “Du lịch Thanh Hóa - Hương sắc bốn mùa” trên các nền tảng số như: Youtube, Facbook, Tiktok… và quảng bá hình ảnh du lịch Thanh Hoá tại các cảng hàng không quốc tế. Đồng thời, ứng dụng chuyển đổi số và du lịch thông minh tại các di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh trên địa bàn tỉnh nhằm nâng cao chất lượng phục vụ khách du lịch, qua đó thu hút ngày càng nhiều khách du lịch quốc tế đến Thanh Hoá.
Xúc tiến mở các đường bay charter nối Thanh Hoá với các nước có thị trường gửi khách lớn như: Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan… nhằm tăng lượng khách du lịch quốc tế đến Thanh Hoá.