Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình vừa có buổi làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thái Bình về góp ý Dự thảo văn kiện Đại hội trình Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh Thái Bình lần thứ XX, nhiệm kỳ 2020-2025.
Tại buổi làm việc, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương cho rằng Thái Bình có truyền thống tăng năng suất, là địa phương được Trung ương cho thí điểm nhiều chủ trương, chính sách, nhất là trong nông nghiệp, để tổng kết, nhân rộng ra cả nước, Thái Bình đã hoàn thành mục tiêu nông thôn mới. Tuy nhiên phương hướng phát triển của tỉnh trong giai đoạn tới là phát triển nông nghiệp quan tâm đến mục tiêu “tam nông”, đó là nông nghiệp – nông dân – nông thôn, trong đó gắn kinh tế nông nghiệp nông thôn.
Thái Bình đang có nhiều tiềm năng để phát triển
Đối với công nghiệp và xây dựng, theo định hướng của nước ta trong 10 năm tới là thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa hiện đại hóa cho nên cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng là công nghiệp. Ông Nguyễn Văn Bình nhấn mạnh, Thái Bình đang nằm trọn trong tứ giác phát triển, gồm Hải Phòng - Thái Bình - Nam Định - Thanh Hóa. Vì vậy, tỉnh phải xác định rõ hướng phát triển các ngành công nghiệp chủ đạo của kinh tế sao cho phù hợp và trở thành thế mạnh trong mối quan hệ tứ giác này.
Theo Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, lợi thế của Thái Bình là lao động dồi dào, chất lượng tương đối cao so với mặt bằng chung cả nước. Vì vậy hướng phát triển công nghiệp cần phát huy tối đa, hiệu quả nguồn nhân lực của Thái Bình. Tập trung một số ngành Thái Bình có lợi thế là chế biến nông sản, khai thác khí, nước khoáng…. Từ đó hình thành các chuỗi công nghiệp gắn với nông nghiệp; quy hoạch các cụm, khu công nghiệp tập trung để đón đầu các làn sóng đầu tư lớn trong tương lai.
Căn cứ ý kiến từ Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình nhấn mạnh: Thái Bình xác định 3 khâu đột phá chiến lược, 6 nhiệm vụ trọng tâm. Trong đó, Thái Bình xác định mục tiêu tập trung xây dựng Khu kinh tế Thái Bình thành trọng điểm, động lực phát triển kinh tế của tỉnh được tỉnh Thái Bình xác định là nhiệm vụ chính trị trọng tâm, quan trọng hàng đầu của tỉnh trong cả nhiệm kỳ 2020-2025 và các nhiệm kỳ tiếp theo.
Khu kinh tế Thái Bình sẽ thu hút đầu tư lớn
Hiện nay, Khu kinh tế Thái Bình được đẩy nhanh tiến độ xây dựng và dáng dấp của một trung tâm kinh tế lớn của tỉnh đang dần hiện hữu. Với tính chất là một trung tâm kinh tế biển, đa ngành, đa lĩnh vực của vùng duyên hải Bắc Bộ và của cả nước, Khu kinh tế Thái Bình sẽ trở thành động lực, tạo bước ngoặt đưa kinh tế của tỉnh tăng tốc trong thời gian tới.
Là khu kinh tế mới được thành lập nên Thái Bình có điều kiện tham khảo, chắt lọc, kế thừa và phát huy kinh nghiệm phát triển của các khu kinh tế trong và ngoài nước để quy hoạch và xây dựng Khu kinh tế Thái Bình bảo đảm đồng bộ, hiện đại về hạ tầng cũng như công tác quản lý, thúc đẩy hoạt động công nghiệp, thương mại, dịch vụ hiệu quả cao. Theo quy hoạch chung xây dựng đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Khu kinh tế Thái Bình có 5 khu chức năng chính: Trung tâm điện lực (853ha); các khu công nghiệp - đô thị - dịch vụ, khu công nghiệp và cụm công nghiệp (8.020ha); khu cảng biển và các khu bến (khoảng 500ha); các khu du lịch và dịch vụ tập trung (3.110ha); các đô thị; các khu dân cư nông thôn và nông nghiệp tập trung.
Làn sóng đầu tư vào Khu kinh tế Thái Bình đang mở ra cơ hội cho tỉnh bứt phá trong phát triển kinh tế - xã hội và hình thành một khu kinh tế hiện đại, hiệu quả bậc nhất của cả nước trong thời gian tới.
Hà Anh