![]() |
Những lô đất ở Phú Thọ hút khách. Ảnh Viết Hà |
Thời gian qua, giá bất động sản tại nhiều địa phương như Hưng Yên, Ninh Bình, Bắc Giang… có sự biến động mạnh so với cuối năm ngoái. Thậm chí, nhiều khu vực giá đất nền đã tăng khoảng 20% từ những tin đồn không chính xác liên quan tới sáp nhập các đơn vị hành chính.
Trước tình trạng trên, các địa phương liên tiếp đưa ra cảnh báo nguy cơ "sốt đất ảo", nhất là tại các khu vực được dự đoán là trung tâm hành chính mới.
Công an tỉnh Thái Bình vừa đưa ra khuyến cáo nhà đầu tư cần bình tĩnh, không nên tin tưởng những tin đồn về việc sáp nhập các đơn vị hành chính. Nếu phát hiện hành vi gian lận, thao túng thị trường, nhà đầu tư cần sớm trình báo cho cơ quan công an gần nhất. Theo đơn vị này, quyết định xuống tiền cần dựa trên nhiều yếu tố như pháp lý, quy hoạch, vị trí lô đất để tính toán hiệu quả đầu tư.
Tương tự, Sở Xây dựng tỉnh Phú Thọ cảnh báo về nguy cơ sốt ảo trên địa bàn. Đơn vị này cho biết đến nay, lượng giao dịch tại các sàn vẫn hạn chế. Giá đất tăng cao có thể chỉ là chiêu trò thổi giá của "cò đất". Đại diện Sở khuyến cáo người dân có nhu cầu tìm mua đất cần tìm hiểu kỹ thông tin, tránh rơi vào bẫy làm giá của "cò".
Hai tỉnh Ninh Bình và Tuyên Quang cũng đưa ra cảnh báo tình trạng giá đất tăng đột biến theo tin đồn trên địa bàn. Tỉnh Ninh Bình giao Công an tỉnh kiểm tra các hoạt động giao dịch bất động sản, đặc biệt tại TP Hoa Lư để xác minh tình trạng tăng giá bất thường.
Đại diện Sở Nông nghiệp và Môi trường Tuyên Quang cũng khuyến cáo tình trạng đổ xô đi mua đất, chạy theo phong trào ở những khu vực do giới "cò mồi" thổi chỉ làm nhiễu loạn thị trường, dẫn đến rủi ro lớn.
Tại Bắc Giang, Sở Xây dựng cho biết sẽ tăng cường kiểm tra, xử lý hành vi kinh doanh bất động sản khi chưa đủ điều kiện, tung tin đồn thổi, không chính xác, tác động tiêu cực đến thị trường.
![]() |
Cơn "sốt đất" chưa từng có tại Phú Thọ. Ảnh Hoan Nguyễn |
Theo Hội Môi giới bất động sản Việt Nam (VARS), mỗi khi xuất hiện thông tin về quy hoạch mới hay sáp nhập địa giới hành chính, giá đất ở khu vực liên quan thường bật mạnh ngay sau đó. Trước các thông tin này, tâm lý FOMO (sợ bỏ lỡ cơ hội) sẽ khiến nhà đầu tư khẩn trương hơn trong các quyết định xuống tiền.
Với niềm tin mạnh mẽ rằng, sự thay đổi về quy hoạch hay địa giới hành chính chắc chắn sẽ kéo theo việc phát triển kinh tế - xã hội, dẫn tới giá bất động sản cũng tăng theo, nên nhà đầu tư sẽ tranh thủ săn đất để kỳ vọng giá sẽ tăng sau đó.
Ngoài ra, ở thời điểm hiện tại, quyết định này còn được cộng hưởng bởi dự báo việc điều chỉnh bảng giá đất trong thời gian tới ở các địa phương sẽ đẩy giá đất tăng lên.
Tuy nhiên, cũng theo VARS, phần lớn các đợt tăng giá này đều xuất phát từ hoạt động đầu cơ. Do đó, ngay cả khi có sự thay đổi về địa giới hành chính thì cũng chưa chắc chắn sẽ kéo theo sự phát triển vượt trội tại các khu vực nằm trong diện sáp nhập, ít nhất là trong ngắn hạn.
Thực tế cho thấy, lượng giao dịch chỉ tăng ở các địa phương được dự đoán là trung tâm sáp nhập và có mặt bằng giá bất động sản chưa quá cao.
Chính vì vậy, các quyết định vội vàng khi chưa nghiên cứu, đánh giá kỹ thông tin sẽ khiến nhà đầu tư đối diện với nhiều rủi ro. Hệ quả là không ít trường hợp bị chôn vốn, không đủ lực “trụ” đến khi giá bất động sản thực sự tăng.
![]() |
![]() |