Công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả là một trong những nhiệm vụ quan trọng của Tổng cục Hải quan góp phần ổn định thị trường, đảm bảo cân đối cung - cầu hàng hóa trong cả nước, đặc biệt trong tình hình dịch bệnh Covid-19 vẫn còn kéo dài.
Công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả của Tổng cục Hải quan trong tháng 4/2020
Dịch COVID-19 tiếp tục diễn biến phức tạp và có xu hướng lây lan nhanh dẫn đến nhu cầu sử dụng khẩu trang y tế, thiết bị y tế để phòng chống dịch trong nước và ngoài nước tăng cao.
Trước tình hình đó, Tổng cục Hải quan đã tăng cường công tác triển khai phòng, chống buôn lậu mặt hàng trên qua nhiều tuyến như: đường hàng không, đường bộ…và đã phát hiện bắt giữ nhiều vụ việc. Các đối tượng thường dùng phương thức chia nhỏ hàng hóa để vận chuyển hoặc khai báo các mặt hàng không thuộc danh mục hàng hóa xuất khẩu có điều kiện nhằm trốn tránh sự kiểm tra của lực lượng chức năng.
Toàn ngành Hải quan đẩy mạnh công tác chống buôn lâu, gian lận thương mại trong tháng 4
Trong tháng 4/2020, lực lượng Hải quan toàn quốc đã bắt giữ một số vụ buôn bán, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới nhưng không có tính chất phức tạp. Mặt hàng vi phạm chủ yếu gồm: sản phẩm động vật hoang dã (sừng tê giác), đường cát, thuốc lá, bia, sữa bột, thuốc tân dược, mỹ phẩm, đồ điện tử mới, điện, gỗ, gia cầm, sản phẩm gia cầm… được các đối tượng vận chuyển qua các tuyến: hàng không, cảng biển, bưu điện, đường mòn, lối mở biên giới đường bộ.
Về công tác phòng chống việc gian lận giả mạo xuất xứ hàng hóa, trong tháng, Tổng cục Hải quan đã phát hiện một số doanh nghiệp đã có hành vi vi phạm khai báo sai về nhãn mác, xuất xứ, chỉ dẫn giả mạo về nguồn gốc hàng hóa, nơi sản xuất, đóng gói, lắp ráp hàng hóa.
Hoạt động buôn bán, vận chuyển trái phép các chất ma túy diễn ra rất phức tạp. Trong tháng, tuyến hàng không bưu điện chưa phát hiện vụ vệc vận chuyển ma túy nhưng với các tuyến biên giới như các tỉnh Điện Biên, Nghệ An, Tây Ninh…tình hình vận chuyển trái phép các chất ma túy qua biên giới vào Việt Nam vẫn còn rất nóng, thủ đoạn của các đối tượng hết sức tinh vi, số lượng ma túy bị bắt giữ lớn.
Trước tình hình trên, với vai trò là cơ quan thường trực Ban chỉ đạo 389 của Bộ Tài chính, Tổng cục Hải quan đã tham mưu Bộ Tài chính phối hợp với các Bộ, Ngành, cơ quan chức năng tăng cường công tác đấu tranh phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả và vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới; chỉ đạo các đơn vị triển khai nghiêm túc, có hiệu quả nhiều biện pháp quan trọng, trong đó tập trung vào: xây dựng, hoàn thiện cơ sở pháp lý; nâng cao năng lực của lực lượng chuyên trách chống buôn lậu; đầu tư trang thiết bị, phương tiện hiện đại; sử dụng đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ; tăng cường công tác phối hợp, kiểm tra, kiểm soát thường xuyên tại các địa bàn trọng điểm, mặt hàng nhạy cảm.
Kết quả:
Tính từ 16/03/2020 đến 15/04/2020, toàn ngành Hải quan đã chủ trì, phối hợp, phát hiện, bắt giữ, tổng số 1.148 vụ việc vi phạm, trị giá hàng hóa vi phạm ước tính 195,541 tỷ đồng; số thu ngân sách đạt 42,694 tỷ đồng, chuyển cơ quan khác kiến nghị khởi tố 05.
Một số vụ việc điển hình trong công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại của Tổng cục hải quan trong tháng 4/2020
Cán bộ Hải quan kiểm tra việc vận chuyển khẩu trang qua cửa khẩu Tân Thanh, Lạng Sơn
Ngày 07/4/2020, Chi cục Hải quan Cửa khẩu sân bay Quốc tế Nội Bài- Cục Hải quan TP.Hà Nội phối hợp với Đội 1- Cục Điều tra Chống buôn lậu kiểm tra kho hàng Công ty cổ phần Dịch vụ hàng hóa Hàng không Việt Nam (ACSV), lo hàng do Hãng hàng không Turkish Airlines vận chuyển Việt Nam, phát hiện 500 cây thuốc lá điện tử (5.000 bao). Nhãn hiệu HEETS các loại; 20 điếu/bao; 10 bao/cây; 50 cây/kiện (10 kiện). Hàng mới 100%. Chưa xác định được nước sản xuất...
Ngày 08/4/2020, Chi cục Hải quan cửa khẩu Cha Lo – Cục Hải quan tỉnh Quảng Bình trong quá trình làm thủ tục xuất khẩu cho lô hàng của Công ty TNHH Dịch vụ Thương mại Nghĩa Cảnh, phát hiện có dấu hiệu nghi vấn và đã tiến hành kiểm tra thực tế lô hàng. Qua kiểm tra phát hiện ngoài số lượng hàng hóa đã khai báo có 14.575 kg gạo nếp, gạo tẻ, là hàng hóa thuộc diện tạm ngừng xuất khẩu.
Ngày 8/4/2020, Chi cục Hải quan cửa khẩu Cảng Đình Vũ – Cục Hải quan TP.Hải Phòng kiểm tra thực tế một doanh nghiệp nhập khẩu hàng hóa theo khai báo gồm 02 mục hàng là: Khí SF6, Sulfur hexafluoride, purity:99.999%, package:GB40L cylinder, 24kg/chai,mới 100%, xuất xứ: Trung Quốc, mã số hàng hóa: 28261900, số lượng: 150 bình. Kết quả kiểm tra thực tế hàng hóa hàng là khí hóa lỏng, loại khí Nitrous oxide, còn gọi là ""khí cười"", ký hiệu hóa học: N2O. Chờ kết quả giám định của Vinacontrol Hải Phòng. Công ty đã có hành vi khai sai về tên hàng, thành phần, chủng loại hàng hóa nhập khẩu mà cơ quan hải quan phát hiện trong quá trình làm thủ tục hải quan.
Ngày 16/4/2020, Chi cục Hải quan cửa khẩu Lao Bảo – Cục Hải quan tỉnh Quảng Trị làm tờ khai xuất nhập khẩu hàng hóa cho Công ty TNHH MTV Đức Long Tiến phát hiện một số mặt hàng không khai báo và không có hóa đơn chứng từ hợp lệ gồm: 57.400 kg gạo nếp, gạo tẻ các loại và 200 thùng Thạch dừa, trị giá hàng hóa ước tính 462,615 triệu đồng.
Ngày 17/4/2020, Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Cẩm Phả - Cục Hải quan tỉnh Quảng Ninh đã phối hợp với Công an xuất nhập cảnh Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn, kiểm tra, kiểm soát, phát hiện 03 vụ/03 đối tượng xuất cảnh đi Hàn Quốc trên chuyến bay OZ7747 của hãng hàng không Asian Air có hành vi mang ngoại tệ vượt mức quy định không khai báo hải quan. Tang vật vi phạm gồm: 69.700.000 Won (1.594 tờ , mệnh giá 50.000Won/tờ).
Lê Thoa