Khám phá vườn quốc gia Bến En - “Hạ Long trên cạn” của xứ Thanh Thanh Hóa: Vẻ đẹp huyền ảo của hang động Từ Thức Thanh Hóa: Phê duyệt quy hoạch Khu du lịch thác Voi rộng 200ha |
Cá thần tại suối Ngọc thuộc bản Lương Ngọc, xã Cẩm Lương, huyện Cẩm Thủy, tỉnh Thanh Hóa. |
Cách trung tâm thành phố Thanh Hoá hơn 80 km về phía Tây Bắc, suối cá thần Cẩm Lương (còn gọi là mó Ngọc, suối Ngọc) nằm dưới chân núi Trường Sinh, thuộc bản Lương Ngọc, xã Cẩm Lương, huyện Cẩm Thủy, tỉnh Thanh Hóa.
Giữa bốn bề núi đá vôi dựng đứng, dòng suối Ngọc dài chỉ hơn trăm mét, rộng 3-4m. Tại đây có hàng chục nghìn con cá nặng từ 2 đến 8 kg, cá chúa nặng tới 30 kg với hình thù rất lạ, đủ màu sắc, mỗi khi bơi thân cá lấp lánh ánh bạc rất đẹp. Tuy mật độ cá dày đặc nhưng nước suối không tanh, người dân ở đây vẫn thường nấu ăn bằng nước suối này.
Không biết từ bao giờ, thiên nhiên đã ban tặng cho nơi đây một bí ấn chưa có lời giải, là hiện tượng kích thích trí tò mò của du khách thập phương cũng như người dân bản địa. Có khá nhiều câu chuyện thần bí xoay quanh những con cá thần bơi thành đàn như câu chuyện về nàng Ánh, nàng Ngọc chàng Khôi. Nhưng qua nhiều thế hệ, người dân nơi đây vẫn truyền miệng về nguồn gốc của loài cá này bắt đầu từ một truyền thuyết về Thần Rắn.
Theo tài liệu của xã Lương Ngọc và truyền thuyết suối cá thần Cẩm Lương của người Mường kể rằng: “Từ thuở khai thiên lập địa, vào một năm nọ thời tiết khắc nghiệt, hạn hán, mất mùa quanh năm, đẩy người dân bản Ngọc vào cuộc sống túng khó. Có đôi vợ chồng trong bản hiếm muộn, đi làm đồng về và nhặt được quả trứng có hình thù lạ. Người vợ đem quả trứng ra suối Ngọc thả xuống nhưng quả trứng không chịu rời khỏi tay. Hai vợ chồng quyết định đem quả trứng về nhà đặt vào ổ gà đang ấp, quả trứng lại nở ra một con rắn. Sợ quá người chồng lại đem con rắn ra suối Ngọc thả nhưng đến tối con rắn lại bò về gia đình vợ chồng này. Sau đó họ quyết định nuôi con rắn đó.
Thật bất ngờ từ đó đồng ruộng, hoa màu luôn tốt tươi, đời sống nhân dân ấm no. Và chàng rắn này đã trở thành vị cứu tinh được mọi người tôn sùng. Nhưng đến một hôm trời nổi giông, bão, sấm chớp. Sau cơn giông bão, mọi người thấy xác rắn nằm bên núi Trường Sinh, đầu hướng về bản Ngọc. Thương tiếc cho chàng rắn, mọi người đem xác chôn dưới chân núi Trường Sinh và lập đền thờ gọi là Ngọc Từ. Từ đó ở suối Ngọc dưới chân núi Trường Sinh xuất hiện đàn cá thần luôn quây quần trước đền Ngọc Từ để hầu hạ chàng rắn…”.
Nước suối giúp du khách có thể quan sát chi tiết đàn cá, nhìn rõ từng chiếc vây của loài cá này |
Đến tham quan suối cá thần Cẩm Lương, du khách sẽ không khỏi trầm trồ trước đàn cá thần đang tung tăng bơi lội. Càng vào sát chân núi càng nhiều cá lớn, ngay trước cửa hang là chen chúc những con cá nặng từ 3-5kg bơi sát bên nhau, kín đặc cả mặt nước, đồ dồn về phía bờ như đón chào khách đến thăm.
Ngồi sát mép suối, du khách có thể trông rõ từng chiếc vây và hình dáng đẹp đẽ của loài cá này. Chúng thoải mái đùa giỡn, bơi trong làn nước mát, lộ rõ phần bụng và lưng màu đen pha sắc vàng óng ánh, môi và vây màu đỏ rất đẹp và cuốn hút.
Đặc biệt, cá rất dạn người, không tản đi, dù trên bờ hầu như lúc nào cũng có người đứng ngắm. Mùa cạn, lòng suối cá thần chỉ sâu 20 - 40cm, nước trong vắt, du khách có thể đưa tay xuống nước vuốt ve những con cá, cá ở đoạn suối này đặc biệt chỉ ăn lá cây để sống chứ không ăn thịt đồng loại.
Điều kỳ lạ là, tuy mật độ cá dày đặc nhưng nước suối không tanh hôi. Dân bản Lương Ngọc vẫn thường gánh nước suối về nấu ăn, tắm giặt. Đây là một điều khó lý giải mà các nhà khoa học vẫn còn đang nghiên cứu. Điểm du lịch kỳ thú tại Thanh Hóa này mỗi năm thu hút hàng nghìn lượt khách trong và ngoài nước.
Người dân sống gần khu vực suối cá cho hay, sáng sớm cá bơi từ trong hang ra, đến chiều tối chúng lại quay trở về hang trú ẩn. Họ cho rằng cá dưới suối là cá thần. Sự sung túc của đàn cá cũng chính là sự bình an, ấm no của dân làng. Nếu bắt sẽ xúc phạm đến thần linh và chịu sự trừng phạt. Nhiều câu chuyện kể về những người bắt cá thần rồi gặp kết cục không tốt lành là lý do khiến đàn cá hàng nghìn con vẫn sống yên ổn đến ngày nay.
Hang động cây Đăng trên núi Trường Sinh lung linh những khối thạch nhũ |
Khu du lịch suối cá thần Thanh Hóa mở cửa đón khách tham quan quanh năm nên bạn có thể đến đây vào bất cứ thời điểm nào trong năm. Thế nhưng, thời điểm lý tưởng nhất là vào mùa hè từ tháng 4 - tháng 9 hàng năm.
Lúc này, bạn sẽ có cơ hội chiêm ngưỡng cá chúa bởi cá chúa chỉ xuất hiện khi nước dâng cao. Hơn nữa, mùa hè nước suối rất trong và mát, đàn cá xuất hiện lấp lánh dưới ánh mặt trời sẽ tạo ra một khung cảnh tuyệt vời hơn đấy. Theo tâm linh, suối cá thần Cẩm Lương đem lại sự may mắn nên bạn cũng có thể đi vào dịp đầu xuân.
Ngoài chiêm ngưỡng cá thần, du khách đến đây còn có thể khám phá hang động cây Đăng trên núi Trường Sinh, ở độ cao 70m với muôn vàn thạch nhũ với sắc màu lấp lánh và lòng động sâu thẳm như không có điểm tận cùng. Tiếng róc rách của con suối nhỏ nép mình bên vách động chợt thu hút sự chú ý của du khách, đó là khởi nguồn dòng nước của suối cá Cẩm Lương Thanh Hóa.
Ngoài ra khi đến khu du lịch suối cá thần Thanh Hóa du khách còn được thưởng thức những món ăn đặc sản của vùng đất này, một trong những món ăn mà bạn không nên bỏ qua là gà nướng chấm muối ớt ăn kèm cơm lam, Nem chua Thanh Hóa được làm từ thịt sống, bì lợn cùng các gia vị như tiêu, tỏi, ớt cho lên men đến chín, khi ăn có vị chua dịu đậm đà, Bánh lá răng bừa Thanh Hóa…
Kỳ 3: Hàng triệu m3 đất, đá thải đang được nhà thầu “tuồn” đi đâu? |
Kỳ 2: Nhà thầu có đang trục lợi từ việc hạ cốt nền dự án? |
Thanh Hóa: Nhiều bất cập trong hoạt động tận thu đất, đá trong dự án |