Review du lịch Hà Giang: Cổng trời Quản Bạ - Nơi đất trời giao thoa Review Sapa: Bản Cát Cát - Ngôi làng cổ đẹp nhất vùng Tây Bắc Review Sapa: Khám phá nét đẹp văn hóa vùng cao tại chợ phiên Cán Cấu |
1. Bánh tam giác mạch
![]() |
Hoa tam giác mạch - không chỉ đẹp mà còn là một loại lương thực giàu dinh dưỡng |
Mùa hoa tam giác mạch Hà Giang từ lâu đã nổi tiếng và được nhiều người biết đến, tuy nhiên không phải ai cũng biết đằng sau sự quyến luyến ấy còn có đặc sản bánh tam giác mạch ngon lành, hấp dẫn và vô cùng đặc biệt mà ai từng thưởng thức qua đều nhớ nhung. Nếu một lần đặt chân đến Hà Giang vào mùa tam giác mạch, du khách đừng quên thử qua món bánh này nhé.
Thời điểm tháng 10 và đầu tháng 11 hàng năm là khoảng thời gian được các du khách lựa chọn để lên Cao nguyên đá Đồng Văn ngắm nhìn cánh đồng hoa tam giác mạch. Khác với nhiều loài hoa, thời điểm đẹp nhất của tam giác mạch là khi đến độ sắp tàn. Lúc đó, hoa chuyển từ màu trắng sang màu hồng phớt rồi đỏ thẫm.
![]() |
Những chiếc bánh mang màu hồng của hoa tam giác mạch |
Hạt của cây tam giác mạch giàu dinh dưỡng không kém gì hạt gạo hay ngô với nhiều khoáng chất như sắt, kẽm, inositol, selen rất tốt cho sức khỏe. Để làm được những chiếc bánh tam giác mạch thơm ngon người dân phải thực hiện qua nhiều công đoạn, bởi tam giác mạch không dễ chế biến chút nào.
Trước tiên, hạt tam giác mạch phải được phơi khô đủ độ rồi đem đi xay bằng tay. Một phần phải để ủ tạo men, phần còn lại mới dùng để làm bánh.
Những hạt tam giác mạch vụ mùa sẽ được xay mịn thành bột rồi cho vào nhào cùng với nước cho đến khi thấy bột trở thành một khối mịn dẻo. Phần bột này dùng để đúc thành những chiếc bánh tròn, dẹp và rộng hơn gang tay, đem đi hấp chín. Sau cùng, chiếc bánh hấp này mới được nướng trên bếp than cho thật nóng và thật thơm.
![]() |
Những hạt tam giác mạch khi vào mùa vụ bao giờ cũng mang chút hăng của cây rừng (Ảnh: Internet) |
Chỉ riêng tên gọi thôi bánh tam giác mạch đã dễ dàng gợi bao sự háo hức cho thực khách bốn phương. Bánh tam giác mạch muốn cảm nhận đủ sự tinh tế và hương vị thơm ngon thì phải nhấm nháp từng chút một chắc chắn vị ngọt thanh sẽ lan tỏa. Những chiếc bánh làm từ hạt tam giác mạch không quá mướt mát như bột gạo mà thoáng vị bùi, phảng phất thêm chút hăng đặc trưng của cây rừng.
Vào những ngày đông lạnh trên cao nguyên, được ghé thăm các chợ phiên du khách sẽ thấy thích thú bởi những thực khách đang xuýt xoa bên cạnh bếp lửa, chờ đón những chiếc bánh nóng hôi hổi đang được nướng bởi bàn tay nhanh thoăn thoắt, khi đã chín bánh được ăn cùng thắng cố.
![]() |
Những đôi tay thoăn thoắt nặn bánh tam giác mạch rồi đem đi hấp |
Lên vùng cao vào những ngày đông se lạnh, ngắm khung cảnh hùng vĩ của núi rừng, phiêu cùng vẻ đẹp bất tận của cánh đồng tam giác mạch mù sương rồi nhâm nhi miếng bánh tam giác mạch nóng hôi hổi thì quả là không còn gì thú vị hơn. Cầm trên tay là miếng bánh chỉ mới đây thôi hoa của nó còn nở tím hồng khắp cả sườn đồi, du khách sẽ như cảm nhận hết thi vị của nơi đây, lắng đong cho mình dòng cảm xúc cùng cảnh vật…
Nếu có dịp tới Hà Giang, bạn đừng quên mua những gói bánh tam giác mạch dẻo hay bánh tam giác mạch giòn về làm quà. Bên cạnh đặc sản này, vùng đất Hà Giang còn có nhiều loại bánh nổi tiếng khác như bánh ba kích, bánh khẩu mang, bánh cốm nếp hái giòn, bánh cốm nếp hái dẻo,...
Giá tham khảo: 10.000 đồng - 15.000 đồng/cái.
Nếu bạn muốn thử món bánh đặc biệt này hãy ra Chợ phiên Đồng Văn hoặc Chợ phiên Mèo Vạc.
2. Cháo ấu tấu
![]() |
Cháo ấu tẩu có nguyên liệu chính là củ ấu tẩu, một loại củ có chất độc thường mọc trên đá vùng đồi núi phía Bắc |
Người ta nói, đến Hà Giang mà chưa nếm thử qua món cháo ấu tẩu thì coi như chưa biết gì về món ngon Hà Giang. Đây là món cháo làm từ củ ấu tẩu có chất độc, nhưng được người Hà Giang chế biến khéo léo thành món ăn có tác dụng giải cảm như một vị thuốc.
Muốn giảm bớt tính độc cho món cháo cũng phải có bí quyết, chọn gạo tẻ, nếp cái trồng trên nương của đồng bào dân tộc, chân giò của lợn cắp nách, ninh trong 4 tiếng,... qua một số công đoạn công phu mới có được bát cháo ấu tẩu hoàn hảo.
![]() |
Củ ấu tẩu cũng cần được chọn lọc kĩ lưỡng |
Củ ấu tẩu cũng cần được chọn lọc kĩ lưỡng, ngâm kĩ qua nước vo gạo trong qua một đêm, rửa sạch, đem ninh cho tới khi mềm, bở tơi thành thứ bột đặc sền sệt. Bột củ ấu tẩu được nấu lẫn gạo và nước dùng ninh từ chân giò lợn. Cuối cùng, bắc ra rồi múc ra bát đập thêm một quả trứng gà, cho thêm ớt, tiêu, hành, rau mùi và tía tô, tăng thêm tác dụng giải cảm cho bát cháo.
Người không quen khi ăn sẽ thấy khá khó ăn vì vị đắng của cháo nhưng sau đó sẽ cảm nhận được vị ngọt nơi cổ họng. Bát cháo có độ sánh, là tổng hòa mùi thơm của nếp, vị ngọt của chân giò, vị béo ngậy của trứng, vị chua của măng cùng vị bùi hơi đắng của ấu tẩu.
Người Hà Giang thường ăn cháo ấu tẩu vào buổi tối, vì món ăn này giúp thư giãn, giảm đau nhức, rất tốt cho giấc ngủ. Đặc biệt, du khách chỉ cần đến trung tâm thành phố Hà Giang cũng đã được thưởng thức món ăn ngon, bổ này. Hơn nữa, các quán cháo ấu tẩu chỉ mở cửa bán sau 7 giờ tối cho đến đêm hoặc sáng hôm sau.
![]() |
cháo ấu tẩu |
Giá tham khảo: 20.000 VNĐ -50.000 VNĐ/ bát.
Một số địa điểm nên thử: Hương - Cháo Ấu Tẩu: QL2, Thị xã Hà Giang, Hà Giang;
Cháo Ấu Tẩu & Bánh Cuốn 414: 414 Tổ 9, P. Nguyễn Trãi, Thị Xã Hà Giang, Hà Giang;
Cháo Ấu Tẩu & Bánh Cuốn: QL4C, Thị Trấn Đồng Văn, Đồng Văn, Hà Giang.
3. Rêu nướng
![]() |
Món rêu nướng là một đặc sản cực hấp dẫn và là một nét ẩm thực độc đáo ở Hà Giang |
Khi du khách đến với Hà Giang sẽ được khám phá nền văn hóa ẩm thực rất phong phú và đa dạng với những món ăn thú vị và hấp dẫn của người Tày một một trong số đó là món rêu nướng. Đây được coi là một đặc sản cực hấp dẫn và là một nét ẩm thực độc đáo của xứ này.
Là một món ăn bổ dưỡng lại có hương vị rất riêng nên rêu nướng được rất nhiều khách du lịch "nghiện" khi đến với Hà Giang. Khi đi tìm rêu, người dân thường chọn những bãi rêu lớn, bởi ở đó rêu vừa nhiều, vừa ngon.
Rêu tươi kiếm về được đem vò, đập kĩ cho sạch nhớt phù sa sau đó có thể biến thành nhiều món. Cũng có nhiều món ăn hấp dẫn được chế biến từ rêu như: rêu khô, rêu rán nhưng độc đáo nhất đó là trộn gia vị vào và đem đi nướng.
![]() |
Rêu nướng - Hà Giang |
Sau khi xé tơi người ta đem trộn các gia vị như xả, lá mùi tàu, lá dăm, lá hẹ và có thể cho 1 - 2 hạt dổi vào cho thơm cùng với muối, mì chính,... tùy theo khẩu vị của từng gia đình mà người ta có thể thêm nhiều gia vị khác nhau và sau khi trộn xong gói lá, rồi đem nướng trên bếp than hồng.
Rêu nướng không chỉ là món ăn được nhiều đồng bào dân tộc ưa thích mà còn có khả năng chữa nhiều bệnh, giúp lưu thông khí huyết, giải độc, giải nhiệt, ổn định huyết áp và tăng cường sức đề kháng. Bởi vậy đây là một món ăn cực ngon lại bổ, giá cũng rất phải chăng, bạn nhất định không nên bỏ lỡ khi đến du lịch ở Hà Giang.
Giá tham khảo: 20.000 đồng - 50.000 đồng/đĩa.
Nếu muốn nếm thử món Rêu nướng này bạn hãy tới Làng người Tày - Xuân Giang - Hà Giang
4. Thắng dền
![]() |
Thắng dền gần giống như món bánh trôi nước của người Hà Nội |
Thắng dền là món bánh ăn vào mùa đông, nên phải khi có gió lạnh tràn về thì người ta mới bắt đầu làm bánh. Thắng dền thoạt nhìn sẽ thấy bánh trôi tàu ở Hà Nội, bánh cống phù ở Lạng Sơn, nhưng lại có cách chế biến và hương vị khác biệt, khiến du khách ăn thử một lần sẽ thấy ấm áp khó quên.
Bánh cũng được làm từ bột gạo nếp, có thể làm chay hoặc bọc nhân đỗ, nhưng món ăn trên vùng cao này sẽ mang đến một hương vị hoàn toàn khác biệt, đặc biệt ở bát nước dùng. Mỗi viên bột nặn không quá to, chỉ tầm hơn đầu ngón tay cái chút xíu, cho vào nồi nước dùng luộc, đến khi nổi lên thì sẽ dùng muôi vớt ra.
Bát thắng dền hấp dẫn với nước dùng được pha hỗn hợp của gừng, đường, nước cốt dừa và bên trên bát là chút hạt vừng, hạt lạc điểm xuyết tạo nên vị bùi và đẹp mắt cho bát thắng dền ngon tuyệt ngon.
![]() |
Bánh thắng dền được chan nước đường và cho thêm lạc rang |
Giữa cái giá rét căm căm của núi rừng miền núi, món thằng dền lại có sức hút rất lớn đối với du khách, nó khiến cho mọi người như gần nhau hơn, chủ quán cứ nặn từng viên thắng dền, rồi dần dần hàng chục rồi hàng trăm bát thắng dền đã hết từ bao giờ. Nhẩn nha ăn bát thắng dền nóng hôi hổi, cùng trò chuyện với nhau biết bao thứ chuyện, từ đó thắng dền dần trở thành món ăn mà người dân thường gọi đó là "món gọi bạn".
Giá tham khảo: 10.000 đồng - 15.000 đồng/bát.
Để thưởng thức món Thắng dề này bạn hãy đến số 154 Trần Hưng Đạo, thành phố Hà Giang.
5. Mật ong bạc hà
![]() |
Mật ong hoa bạc hà có màu xanh nhạt khác hoàn toàn các loại mật thông thường có màu vàng cam. Ảnh: matongtaynguyen |
Mật ong bạc hà Đồng Văn có vị ngọt đậm đà khác hẳn với những loại mật ong ở những nơi khác, chúng êm dịu, thơm ngon, bổ dưỡng và nhất là có mùi hương rất đặc biệt. Sản phẩm do chính tay người nông dân làm ra, họ cất công chăm sóc ong rồi thu hoạch lấy mật, làm nên những giọt mật ong tinh túy, đặc trưng của vùng núi đá, mang lại giá trị kinh tế đến đồng bào dân tộc giúp cuộc sống của người dân ở đây ổn định hơn.
Cứ tới độ tháng 9 - tháng 12 âm lịch, khi mà những bông hoa bạc hà nở rộ một màu khắp nương đồi, sườn núi, cao nguyên đá là lúc bầy ong đua nhau đi lấy mật về tổ. Vì cây bạc hà là cây hoa dại, mọc rất nhiều trên cao nguyên, lại thêm hoa của chúng có màu tím hồng, đã thu hút những bầy ong đến lấy mật để rồi bay về tổ cho ra những giọt mật ngọt ngào.
![]() |
Rừng hoa bạc hà ở Hà Giang |
Chính bởi ong đua lấy mật của hoa bạc hà mà loại mật ong bạc hà đã được gọi tên như vậy từ lâu đời và cũng rất nổi tiếng. Mật ong bạc hà Đồng Văn có rất nhiều lợi ích với con người, chúng được xem như một vị thuốc có dược tính đặc biệt. Đó là khả năng bồi bổ sức khỏe, công dụng chữa các bệnh về hô hấp, đường tiêu hóa, vị thơm, ngọt dịu hiếm có của loại mật ong.
Giá tham khảo: 350.000 - 500.000 đồng/lít.
Địa điểm bạn có thể tham khảo để mua, thưởng thức Mật ong bạc hà: Tổ 2 thị trấn Mèo Vạc, huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang.
6. Chè Shan Tuyết cổ thụ
![]() |
Bà con hái chè trên cây chè Shan Tuyết cổ thụ |
Không chỉ đa dạng về các món ăn mà Hà Giang còn được biết tới với những thức uống đặc sắc, một trong số đó là trà Shan Tuyết. Cây chè Shan Tuyết sống cheo leo ở độ cao hàng nghìn mét trên dãy núi Phìn Hồ có khí hậu quanh năm mát mẻ.
Phìn Hồ trà được chế biến từ búp chè 1 tôm và 2 lá non hái ở những cây chè Shan tuyết cổ thụ trên 200 tuổi tại vùng núi cao thôn Phìn Hồ, xã Thông Nguyên, Hoàng Su Phì. Quá trình canh tác và chế biến không sử dụng chất hóa học. Hương vị chè tại đây có vị thơm ngon, tinh khiết đặc biệt do thiên nhiên ban tặng bởi khí hậu thổ nhưỡng ở độ cao trên 1300m.
![]() |
Chè Shan Tuyết đã uống thì rất khó quên |
Chè Shan tuyết đã uống thì rất khó quên - đó là cảm nhận chung của nhiều người khi dùng chè Shan Tuyết. Nói cách khác, trà Shan tuyết phù hợp với phong vị trà đạo bởi nó đòi hỏi sự thong thả (khi pha đến nước thứ 4, thứ 5 trở đi mới cho ra hương vị ngon nhất và có thể pha đến 8 nước). Chính vì vậy mà người ta gọi trà Shan Tuyết là loại trà “đãi chủ không đãi khách” vì khách thường chỉ đến nhà chơi trong giây lát, không kịp uống đến nước ngon nhất. Mặt khác, trà Shan Tuyết không đắng, chỉ hơi chát và có dư âm ngọt hậu. Cái ngọt ấy lại là cái ngọt từ bên trong cuống họng ngọt ra, và chỉ ngọt nhẹ chứ không gắt.
Giá tham khảo: 800.00 - 1.400.00 đồng/kg.
Địa điểm bạn có thể tham khảo: Thôn Phìn Hồ, xã Thông Nguyên, huyện Hoàng Su Phì.
7. Cam sành Bắc Quang
![]() |
Người dân thôn Vĩnh Sơn, xã Vĩnh Phúc (Bắc Quang) thu hoạch Cam Sành. |
Đã từ lâu, cam sành trở thành một đặc sản nức tiếng mỗi khi người đi xa về gần nhắc đến đất Bắc Quang. Huyện Bắc Quang là cửa ngõ của tỉnh Hà Giang, được thiên nhiên ưu đãi về khí hậu, thổ nhưỡng, thuận lợi cho phát triển nông nghiệp. Và cũng chỉ có nơi đây mới cho ra được những trái cam có hương vị đặc trưng như vậy.
Cam Hà Giang có đặc điểm riêng dễ nhận biết là quả to và tròn, vỏ sần sùi, khi chín có màu vàng ươm, lõi cam vàng, có hạt, ăn có vị ngọt khé, đậm đà, có mùi thơm đặc trưng. Quả cam có cùi dày nên có thể để đến 20 ngày vẫn không bị hỏng…
Với vị không quá chua, nhưng cũng không ngọt cam sành Hà Giang khiến ai thưởng thức cũng mê. Đặc biệt, trong những ngày lễ tết cam sành Hà Giang trở nên đắt hàng hơn bao giờ hết. Tầm tháng 11 âm lịch hàng năm là thời điểm những vườn cam tại nhiều huyện ở Hà Giang vào vụ thu hoạch
![]() |
Cam Bắc Quang vỏ sần sần nhưng đều màu, nhìn đã thấy thích (Ảnh internet). |
Giữa màu xanh của lá, màu vàng tươi của những trái cam như tô thắm thêm sắc trời mảnh đất biên cương của tổ quốc. Rộn ràng tươi vui hơn nữa chính là nét mặt rạng rỡ của bà con nông dân và không khí thu mua, vận chuyển cam tấp nập. Trên mảnh đất cao nguyên đá này, cam chính là tinh hoa của trời đất và cũng là kết tinh của mồ hôi, nước mắt của người dân nơi đây.
Giá tham khảo: 15.000-25.000 đồng/kg
Địa chỉ để du khách tham khảo: Xã Đồng Yên, huyện Bắc Quang.
8. Rượu ngô mén lá Quản Bạ
![]() |
Rượu ngô mén lá Quản Bạ - đặc sản của Hà Giang |
Đã nhắc tới trà Shan Tuyết tại Phìn Hồ thì không thể không nhắc tới rượu ngô men lá tại Quản Bạ - thứ men cay được ví như "cực phẩm" miền cao nguyên đá.
Ngô là loại lương thực chủ yếu của Hà Giang chỉ sau thóc gạo. Có 3 sản phẩm được tạo ra từ ngô đó là mèn mén, bánh ngô và rượu ngô. Trong đó, rượu ngô là đặc sản của Hà Giang, uống rượu ngô như một nét văn hóa truyền thống của người dân Hà Giang.
![]() |
Uống rượu ngô như một nét văn hóa truyền thống của người dân Hà Giang. |
Địa hình rừng núi Hà Giang với đá tai mèo không ủng hộ canh tác trồng trọt nhưng miền đất này lại sinh ra những con người có tinh thần cứng cáp hơn cả đá. Khi mùa xuân về đất được đổ vào các hốc đá, hạt giống được ươm mầm và kì diệu thay những cây ngô mọc lên tốt tươi. Ngô thu hoạch về được nấu chín, ủ men lá và đem chưng cất khoảng 6 giờ để có được rượu thơm nồng và ngọt dịu.
![]() |
Người dân địa phương đang chế biến món rượu ngô |
Rượu ngô Hà Giang đặc biệt so với rượu ngô ở nơi khác là ở men lá. Men được tạo thành từ 30 loại lá. Có những loại lá phải leo rất cao trên núi mới lấy được. Công sức của người nấu rượu được đến đáp bằng những hũ rượu thơm ngon!
Giá tham khảo: 40.000 đồng - 50.000 đồng/lít
Để có thể thưởng thức trọn hương vị của rượu ngô và tham quan khu vực chế biến cũng như nghe các câu chuyện về món "cực phẩm" miền cao nguyên đá du khách có thể tới xã Thanh Vân, huyện Quản Bạ.
9. Thịt trâu, lợn gác bếp
![]() |
Thịt trâu, lợn gác bếp |
Hà Giang là một tỉnh miền núi phía Bắc với nhiều dân tộc anh em sinh sống với nhau nên tục gác thịt lên bếp đã trở thành thói quen, phong tục thông lệ trong mỗi gia đình. Từ bao đời, thịt trâu, lợn gác bếp đã trở thành món ăn không thể thiếu và là đặc sản Hà Giang mà du khách không thể bỏ qua khi đến đây.
Thịt trâu, lợn gác bếp thường là những thớ thái dọc dài, từng miếng thịt trâu hay thịt lợn được xiên vào nhưng que to rồi treo lên gác bếp. Trước khi mang lên gác bếp, người dân đã tẩm các gia vị vào thịt như ướp thịt với các gia vị như ớt, gừng, đặc biệt là mắc khén.
Sau một thời gian, những miếng thịt sẽ khô lại nhưng vẫn giữ được gia vị quệt lên đó và có hương vị đặc trưng rất ngọt và thơm. Cũng giống như thịt bò khô ở ngoài cửa hàng hay siêu thị nhưng thịt bò khô đã được thống kê là có rất nhiều chất bảo quản, nguồn thịt cũng không đảm bảo.
![]() |
Sau một thời gian, những miếng thịt sẽ khô lại |
Ngược lại, thịt gác bếp ăn ngon mà lại không có chất bảo quản, là món ăn khoái khẩu của du khách mỗi khi đến Hà Giang. Nhiều người đến đây không quên mua một ít về làm quà cho gia đình, người thân. Chính những du khách đã trở thành cầu nối mang thịt trâu, lợn gác bếp đến nhiều người hơn, trở thành món ăn vừa ngon vừa lạ với những người dân miền xuôi.
Giá tham khảo: 800.000 đồng - 1.000.000 đồng/kg
Một số địa điểm cho du khách tham khảo: Tập thể bộ đội biên phòng, Tổ 3, Phường Nguyễn Trãi, TP Hà Giang; Tổ 2, Thị Trấn Tam Sơn, huyện Quản Bạ.
10. Phở chua Hà Giang
![]() |
Phở chua Hà Giang |
Những buổi sớm trong các phiên chợ, đặc sản mà không thể không nhắc tới đó chính là phở chua - món điểm tâm mỗi sáng của người dân ở Hà Giang. Phở tuy không phải đặc sản có một không hai ở Hà Giang nhưng lại mang một nét khác biệt của ẩm thực Hà Giang.
Phở chua thực chất có nguồn gốc từ Trung Quốc rồi lan sang các tỉnh biên giới phía Bắc: Hà Giang, Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn,... vào sau đời Mãn Thanh cách đây khoảng 300 năm. Tên Trung Quốc của phở chua là "Lường pàn" nghĩa là "phở mát". Gọi là phở mát, phở chua nên thường được dùng và được bán vào mùa hè. Trước đây, món này được dùng trong thực đơn món cỗ. Hiện nay, món được dùng làm món điểm tâm trong các buổi chợ phiên.
![]() |
Phở chua Hà Giang |
Nguyên liệu quan trọng nhất của món ăn này chính là bánh phở tươi ngon được người dân lựa chọn kĩ lưỡng từ gạo dẻo thơm xay và được tráng thật mền cùng nước dùng - nước chua ngọt. Nước chua ngọt này được tạo nên nhờ một loại dấm chua hòa với đường, cùng với bột sắn quấy sệt thêm một chút gia vị - tất cả được đun sôi lên và quấy đều tay.
Tiếp theo đó là những lát thịt lợn rán, lạp xưởng rang cháy cạnh, vài miếng thịt vịt quay vàng rụm cùng tỏi tươi đu đủ hoặc dưa chuột nạo và rưới nước dùng lên.
Để món ăn thêm hoàn thiện, bên trên những chiếc bàn gỗ chủ quán đã đặt sẵn những đĩa rau thơm, đu đủ, tỏi và ớt tươi để ăn kèm. Uống thêm chén rượu ngô cay nồng hương vị miền núi càng khiến cho những vị khách phương xa thêm cuốn hút với nơi này.
Giá tham khảo: 25.00-35.000 đồng.
![]() |
![]() |
![]() |