Hội thảo công bố đề án khuyến khích phát triển dược liệu gắn với chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) và xúc tiến đầu tư sản xuất, chế biến dược liệu trên địa bàn |
Đề án này được Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Quảng Trị phối hợp với Dự án Quản lý rừng bền vững và Bảo tồn đa dạng sinh học (VFBC) tổ chức hội thảo công bố.
Theo đó, Đề án khuyến khích phát triển dược liệu gắn với chương trình OCOP tỉnh Quảng Trị giai đoạn 2022-2026, tầm nhìn đến 2030 (được UBND tỉnh phê duyệt vào tháng 4/2022) được xây dựng dựa trên nhu cầu, tiềm năng phát triển của tỉnh Quảng Trị và phù hợp với mục tiêu thúc đẩy sự tham gia của các doanh nghiệp thân thiện với bảo tồn tại các cộng đồng sống phụ thuộc vào rừng.
Tổng kinh phí thực hiện đề án giai đoạn 2022 – 2026 là 52,928 tỷ đồng. Trong đó, ngân sách nhà nước là 30,5 tỷ đồng, cá nhân, tổ chức đối ứng 22,428 tỷ đồng.
Mô hình trồng dược liệu tại Quảng Trị |
Với tiềm năng và thế mạnh sẵn có tại địa phương, các ban ngành lãnh đạo tỉnh Quảng Trị đã xác định trồng cây dược liệu là 1 trong 6 cây trồng chủ lực. Hiện tỉnh đã có nhiều chính sách phát triển, hình thành nhiều mô hình trồng, sản xuất và chế biến dược liệu thành công.
Theo Đề án, từ nay đến 2026, Quảng Trị phấn đấu tăng diện tích cây dược liệu đạt 4.500 ha, trồng mới ít nhất 1.000 ha; có thêm 15 - 20 sản phẩm OCOP có nguồn gốc từ cây dược liệu, trong đó có ít nhất 1 sản phẩm được công nhận sản phẩm OCOP đạt tiêu chuẩn 5 sao...
Ngoài ra, Quảng Trị cũng phấn đấu đến năm 2030, diện tích cây dược liệu trên địa bàn tỉnh lên trên 7.000ha. Trong đó trồng mới thêm ít nhất 2.500ha, gồm trồng mới với quy mô sản xuất tập trung 1.000ha, trồng dưới tán rừng 1.500ha. Nâng cấp và đầu tư mở rộng ít nhất 10 cơ sở ươm cây giống dược liệu. Xây dựng, nâng cấp thêm 10 cơ sở sơ chế, chế biến, bảo quản sản phẩm có nguồn gốc từ cây dược liệu. Có thêm 30 - 35 sản phẩm OCOP có nguồn gốc từ cây dược liệu, trong đó có ít nhất 2 sản phẩm được công nhận sản phẩm OCOP đạt tiêu chuẩn 5 sao.
Ông Hà Sỹ Đồng, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh chia sẻ: Quảng Trị là tỉnh thuần nông, với gần 70% dân số sống bằng nông nghiệp. Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ 17 xác định nông nghiệp là một trong 3 trụ cột, bệ đỡ của nền kinh tế địa phương. Hiện nay, Quảng Trị đã phát triển nhiều sản phẩm có thương hiệu, giá trị cao trên thị trường như: Gạo hữu cơ Quảng Trị, cà phê Arabica Khe Sanh, hồ tiêu Quảng Trị, các sản phẩm OCOP từ dược liệu...
"Quan điểm của tỉnh là phát triển dược liệu phải gắn với khai thác hợp lý và bền vững nguồn dược liệu tự nhiên, quý hiếm, nhằm giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho cộng đồng sống phụ thuộc vào rừng, bảo tồn đa dạng sinh học và cảnh quan rừng. Quảng Trị đang chuyển hướng từ sản xuất dược liệu sang kinh tế thảo dược dựa trên lợi thế cạnh tranh, lợi thế so sánh, thị trường, giá trị gia tăng và nâng cao hiệu quả, hợp tác kinh tế", ông Hà Sỹ Đồng nói.
Đây là hướng đi mới của tỉnh Quảng Trị, chuyển hướng từ sản xuất dược liệu sang kinh tế thảo dược gắn với OCOP, góp phần nâng cao hiệu quả hợp tác kinh tế và nâng cao thu nhập cho cộng đồng./.