Nuôi con đặc sản đen sì, cho ăn ngô hạt, mỗi lứa bán kiếm bộn tiền |
Sinh ra và lớn lên ở bản Chiềng Đi II (xã Vân Hồ, huyện Vân Hồ, tỉnh Sơn La), anh Sồng A Tơ, người dân tộc Mông - là một trong số những người ít ỏi ở bản miền núi này hoàn thành chương trình học đại học. Thế nhưng cầm trên tay tấm bằng đại học sau 4 năm “dùi mài kinh sử", anh Tơ lại quyết định về quê chọn cách làm giàu bằng việc nuôi loài gà đặc sản của đồng bào Mông - loài gà đen.
Giống gà này không còn xa lạ với những người sành ăn, chúng được nuôi nhiều nhất ở vùng Lào Cai, Sơn La, Mù Cang Chải - Yên Bái và Hà Giang. Đến nay, gà đen đã được nhân giống và nuôi nhiều ở khắp các tỉnh thành trong cả nước. Đồng thời nhiều món ăn từ thịt gà đen cũng xuất hiện nhiều trong những dịp lễ Tết, thực đơn của nhiều quán ăn, nhà hàng đặc sản ở các tỉnh phát triển du lịch, thậm chí là các thành phố lớn trong nước.
Loại gà này có đặc điểm là cả thịt và xương đều có màu đen. Do điều kiện nuôi tự nhiên, được hưởng nắng – gió – lạnh và môi trường sạch nên thịt gà đen có vị ngọt đậm, da dai giòn và xương mềm khác hẳn với mùi vị của các giống gà khác. Được vậy là nhờ giống gà này còn khá hoang dã nên chúng rất thích leo, bay lên các cành cây để "nghịch ngợm, thư giãn"... nên chắc thịt, ăn các nguồn thức ăn có sẵn trong tự nhiên nên giàu dinh dưỡng và được mệnh danh là “thịt sạch".
Theo anh Tơ, nuôi gà đen có kỹ thuật khá đơn giản. Chuồng trại của chúng giống với chuồng trại nuôi gà bình thường, nên nuôi thả đồi ở khu vườn có diện tích rộng để đàn gà tha hồ bay nhảy. Thức ăn của chúng chủ yếu ngô hạt, mỗi ngày cho chúng ăn 3 bữa, sáng, trưa và chiều tối. Giống gà này ưa sạch sẽ nên cần thường xuyên quét dọn chuồng trại. Đặc biệt khi trời lạnh phải quây bạt kín chuồng giữ ấm cho gà, trời nắng ấm cho gà ra vườn chạy bay nhảy, bới giun, ăn rau cỏ để chúng khỏe hơn, có sức đề kháng tốt hơn. Đặc biệt phải thường xuyên kiểm tra sức khỏe đàn gà, nếu xuất hiện dấu hiệu gà bị rối loạn tiêu hóa, phân đổi màu hoặc ho, phải dùng thuốc xử lý ngay để tránh lây bệnh dịch.
Theo anh Tơ, một con gà đen nuôi để lấy thịt phải mất từ 5 tháng trở lên mới đạt trọng lượng 1,2-1,8kg. Một con gà đen thịt chuẩn có cân nặng dao động từ 1,8-3,5kg mới có thể cho xuất chuồng.
Gà đen được bán đặc sản với giá từ 120.000 - 140.000 đồng/kg. Chủ yếu đầu ra của anh Tơ là ở các nhà hàng và một số điểm du lịch trên địa bàn huyện Vân Hồ. Trừ đi chi phí, mỗi lứa gà anh Tơ xuất bán lời được hơn 60 triệu đồng. Anh Tơ đang có ý định nâng quy mô lên 1.000 con để đủ nguồn cung xuất bán ra thị trường.
Trang trại nuôi gà của anh Pâng |
Anh Lò Văn Pâng, bản Tở, xã É Tòng (huyện Thuận Châu) cũng là một trong số những hộ gia đình chăn nuôi thành công mô hình gà đen này tại tỉnh Sơn La. Theo anh Pâng, tháng 11/2021, gia đình anh được Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện Thuận Châu hỗ trợ 1.000 con gà đen giống, được 3 ngày tuổi, để nuôi, chiếm khoảng 70% kinh phí mua con giống. Cán bộ Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện Thuận Châu còn tận tình tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc, phòng bệnh cho đàn gà, nên đàn gà lớn nhanh và phát triển tốt.
Nhờ áp dụng đúng kỹ thuật, sau hơn 4 tháng nuôi, 1.000 con gà đen của gia đình anh Pâng đạt trọng lượng từ 1,2 – 1,5 kg/con. Xuất bán đều đặn, gia đình anh Pâng không chỉ thoát nghèo mà còn có “của ăn, của để".
Về kỹ thuật nuôi gà đen, anh Pâng cho biết để đàn gà đen lớn nhanh, to, khỏe chỉ sau 4 tháng nuôi, thì giai đoạn úm gà con phải điều chỉnh nhiệt độ sao cho phù hợp, không để thừa hoặc thiếu nhiệt độ. Đồng thời, để nhận biết nhiệt độ khi úm, nếu như gà túm tụm vào nhau thì thiếu, còn thừa nhiệt thì đàn gà con sẽ tán ra xa bóng úm, sã cánh, há mồm...
“Mặc dù nuôi gà đen khá vất vả, song thấy đàn gà lớn lên từng ngày tôi rất mừng. Thời gian tới, tôi mong muốn được các cấp, các ngành quan tâm hỗ trợ tìm đầu ra ổn định và hỗ trợ thành lập hợp tác xã, liên kết các hộ dân cùng nuôi, chia sẻ kinh nghiệm, nhân rộng mô hình nuôi gà đen”, anh Pâng chỉ sẻ.
Mỗi dịp Tết đến, gia đình anh Bắc lại “cháy hàng” giống gà đen |
Xuôi về Thái Nguyên, anh Nguyễn Xuân Bắc (tổ 7, TP. Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên), chủ trang trại gà đen gần 1.500 con cho biết, anh đam mê và gắn bó với gà đen đã được 10 năm nay. Nuôi giống gà này quanh năm nhàn nhã, không cần chăm sóc nhiều lại khỏe mạnh, dễ nuôi nhưng lại rất đắt khách. Cứ đến dịp Tết Nguyên đán, lượng khách hàng đặt mua gà đen rất nhiều.
“Có người đặt mua gà thịt, cũng có người đặt mua làm quà hoặc làm giống. Gần Tết Nguyên đán, gà đen thịt được bán với giá khá chát là 250.000 đồng/kg, nhưng tại trang trại của tôi và một số trang trại khác vẫn bị cảnh “cháy gà”, không có hàng để bán”, anh Bắc chia sẻ.
Được biết, thời gian này, mỗi ngày, trang trại của anh Bắc bán ra khoảng 20-30 con gà đen thịt, loại từ 2-3kg và từ 15-30 con gà đen giống. Theo anh, cứ đến giai đoạn tết dương lịch là gia đình anh lại tập trung lo bán gà đen cho dịp Ttết Nguyên đán. Còn lại số gà nhỏ đang nuôi, anh để gối sang năm bán gà lớn. Trung bình mỗi dịp Tết, trang trại gà đen của anh thu về lợi nhuận vài trăm triệu đồng.