Từ livestream bán vải
Phiên livestream bán đặc sản Bắc Giang trên TikTok diễn ra hôm 24/6. Ảnh: Facebook/Tỉnh Đoàn Bắc Giang |
Tháng 6 vừa qua, thông qua hình thức livestream (phát trực tiếp) trên các nền tảng mạng, nông dân, doanh nghiệp (DN) tỉnh Bắc Giang đã bán được số lượng lớn vải thiều cùng nhiều loại đặc sản khác của Bắc Giang. Có khoảng 40 nhà sáng tạo nội dung trên TikTok có mặt tại Bắc Giang, cùng các nhà sản xuất, kinh doanh tỉnh này giới thiệu bán hàng online.
Điều thú vị, đây không phải là lần đầu tiên nông dân Bắc Giang livestream bán hàng trên các nền tảng xã hội thành công. Trước đó, từ năm 2021, nhiều đợt hàng vải thiều đã được bán đi khắp nơi qua phương thức bán hàng trực tuyến này.
Đại diện Sở Công Thương tỉnh Bắc Giang cho hay năm nay, bắt "trend" livestream bán hàng trên TikTok, Facebook và cả trên một số sàn thương mại điện tử đang nở rộ, một số hợp tác xã, hộ dân trồng vải đã tổ chức livestream ngay tại vườn, phát trực tiếp quy trình sản xuất, thu hoạch, đóng gói vải thiều, nhờ đó thu hút rất nhiều khách hàng "chốt đơn". Các hộ dân đã tiêu thụ được sản lượng lớn vải thiều qua kênh bán hàng trực tuyến này.
Để hỗ trợ quảng bá nông sản đặc sản gắn với du lịch nông thôn, tỉnh Bắc Giang đã hợp tác cùng TikTok tổ chức chuỗi hoạt động, trong đó bao gồm chương trình livestream Chợ phiên OCOP (Mỗi xã 1 sản phẩm). Kết quả, chỉ sau 4 giờ, các TikToker đã bán được gần 50 tấn vải thiều cùng nhiều loại sản phẩm OCOP địa phương.
Đến các mặt hàng nông sản khác
Anh Phan Thanh Nhân bên vườn bơ ông Tĩnh của Avocado Farm. Ảnh: Diệp Quỳnh |
Không chỉ ở Bắc Giang, việc livestream bán hàng gần đây đã trở nên quen thuộc với một bộ phận nông dân.
Đơn cử, từ Tết 2021, một số HTX sản xuất thanh long tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP đã được hướng dẫn và thử nghiệm ứng dụng livestream trên nền tảng Facebook để thí điểm bán thanh long. Còn tại các tỉnh, thành phía Nam, nhiều HTX, hộ nông dân cũng nhanh nhạy ứng dụng livestream vào khâu quảng bá, bán các loại trái cây, khô, bánh đặc sản miền Nam và nhận được lượng tương tác lớn. Sản lượng lẫn doanh thu bán hàng đều tăng so với việc chỉ chụp hình, rao bán trên mạng như trước.
Hay như trường hợp anh Phan Thanh Nhân, người con của đất Quảng Lợi, huyện Đơn Dương (tỉnh Lâm Đồng). Sau 15 năm làm việc ở TP Hồ Chí Minh, anh “về vườn”, quyết tâm theo đuổi một nông trại bơ kèm theo làm du lịch trên mảnh đất cha ông. Và giống “bơ ông Tĩnh” được anh chọn để trồng trên mảnh đất gia đình.
Trên mảnh đất 2 ha, anh Phan Thanh Nhân trồng 600 gốc bơ. Với mục tiêu trồng bơ vừa đạt sản lượng, vừa phục vụ du lịch nên anh Nhân áp dụng kỹ thuật ép ngọn từ rất sớm, cây bơ ra gốc to nhưng cây thấp, cành ngang phát triển nhiều. Chính từ những cành ngang, hàng trăm trái bơ được neo lủng lẳng trên cây, mang lại một khung cảnh đẹp mắt.
Anh Nhân chia sẻ: “Cây bơ ông Tĩnh cũng như các giống bơ khác, không đòi hỏi việc chăm sóc quá đặc biệt. Tôi chú trọng tới trồng bơ theo hướng hữu cơ do vườn là vườn du lịch sinh thái, gia đình cũng sống ngay trong vườn. Vì vậy, vườn bơ được canh tác hoàn toàn thuần tự nhiên, đảm bảo môi trường an toàn nhất. Và cũng vì vậy, tôi xây dựng sản phẩm OCOP 3 sao cho trái bơ tươi với mục tiêu giới thiệu đến người tiêu dùng một dòng bơ chất lượng cao, canh tác sạch”.
Và, trái bơ ông Tĩnh của Avocado Farm chọn lựa một con đường tiêu thụ mới: tiêu thụ trên các sàn thương mai điện tử. Ngay trong kỳ livestream bán hàng nông sản Lâm Đồng vừa qua trên mạng xã hội tiktok, trái bơ ông Tĩnh đã được bán với giá rất tốt.
Anh Phan Thanh Nhân cho biết, dù giá bơ trên thị trường khá là thấp, trái bơ trong farm của anh vẫn bán được với giá trung bình 60 - 70 ngàn đồng/kg do đảm bảo được chất lượng. Người tiêu dùng có thể nhìn thấy vườn bơ với thảm cỏ sạch, với cây bơ được chăm sóc chu đáo, trái bơ trực tiếp cắt từ trên cây xuống, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm và họ sẵn sàng trả giá xứng đáng để có được sản phẩm ngon, tốt.