Nhiều doanh nghiệp dệt may đã có đơn hàng đến quý III May 10 đẩy mạnh phát triển thương hiệu tại thị trường nội địa Chiếu sáng xanh giúp tăng tính cạnh tranh cho sản phẩm dệt may |
Tháng 4/2024, xuất khẩu dệt may tăng 2,8%. |
Sức mua hàng may mặc có xu hướng tăng
Từ đầu năm đến nay, sức mua hàng may mặc trên thị trường thế giới đã có nhiều cải thiện. Đến thời điểm này, phần lớn doanh nghiệp dệt may đã ký được đơn hàng đến hết quý II, thậm chí một số đơn vị đã có đơn hàng đến quý III/2024. Với kết quả này, tổng kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may Việt Nam trong quý I ước đạt 9,5 tỷ USD, tăng 9,62% so với cùng kỳ năm ngoái.
“Nếu tình hình không có những biến động lớn thì ngành dệt may sẽ đạt được mục tiêu xuất khẩu 44 tỷ USD (tương đương với năm 2022 đạt mức cao nhất)”, ông Trương Văn Cẩm, Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS) kỳ vọng.
Về phía doanh nghiệp, ông Thân Đức Việt, Tổng Giám đốc Tổng công ty May 10 cho biết, nhờ sự phục hồi nhất định của kinh tế thế giới, nhất là sự phục hồi của kinh tế châu Âu, Mỹ và Nhật Bản, nhiều đơn hàng đã trở lại ngay trong những tháng đầu năm 2024. Theo đó, tổng doanh thu quý I/2024 của doanh nghiệp đạt 1.128 tỷ đồng, tăng 24,2% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, doanh thu xuất khẩu đạt 1.020 tỷ đồng, tăng 28,27%. May 10 đã có nhiều đơn đặt hàng đến quý II, một số chủng loại có đơn đến quý III/2024. “Trong bối cảnh kinh tế thế giới và trong nước vẫn còn nhiều khó khăn, doanh nghiệp đã chủ động tập trung vào công tác tìm kiếm thị trường cả trong nước và xuất khẩu nhằm đa dạng khách hàng và sản phẩm”, ông Thân Đức Việt cho biết.
Là doanh nghiệp xuất khẩu vào nhiều quốc gia, nhưng Cty May mặc Dony (TPHCM) cũng chật vật để đáp ứng các tiêu chí theo yêu cầu của đối tác ngoại. “Trước đây chúng tôi có xuất khẩu vào châu Âu nhưng hiện nay thị trường này có nhiều quy định, tiêu chí khắt khe về nguồn gốc sản phẩm như truy xuất nguồn cung ứng nguyên phụ liệu, quy trình sản xuất xanh, sản xuất bền vững... Chúng tôi gặp không ít khó khăn khi phải xoay vốn để “xanh hóa”. Doanh nghiệp có quy mô vừa và nhỏ nên càng thêm chật vật”, ông Phạm Quang Anh, Giám đốc Cty May mặc Dony, nói.
Ông Phạm Văn Việt, Tổng Giám đốc Cty TNHH Việt Thắng Jean (TPHCM), nhìn nhận, xu hướng mua hàng của các nhà nhập khẩu may mặc lớn trên thế giới đang thay đổi. Họ ưu tiên lựa chọn chuỗi cung ứng có khả năng sản xuất nhiều công đoạn, tập trung tại một địa điểm, đồng thời minh bạch toàn bộ quá trình sản xuất từ nguyên liệu đến thành phẩm. Trong khi đó, dệt may Việt Nam đang thiếu tính liên kết theo chuỗi cung ứng, phụ thuộc nguyên liệu ngoại.
Tập đoàn Dệt may Việt Nam cho biết, tháng 4/2024, kim ngạch xuất khẩu dệt may Việt Nam đạt 3,15 tỷ USD, tăng 2,8% so với cùng kỳ năm ngoái. Lũy kế 4 tháng năm 2024, xuất khẩu dệt may Việt Nam đạt 12,5 tỷ USD, tăng 7,5% so với cùng kỳ. “Tháng 4/2024, kim ngạch xuất khẩu dệt may Việt Nam tiếp nối đà tăng, đánh dấu tháng thứ 5 liên tiếp tăng trưởng kể từ tháng 12/2023”, Tập đoàn Dệt may thông tin.
Trong tháng 4/2024 kim ngạch xuất khẩu dệt may Việt Nam sang Mỹ đạt 1,16 tỷ USD, tăng 0,1% so với cùng kỳ, đi Nhật Bản đạt 319 triệu USD tăng 9,6% so với cùng kỳ, đi Hàn Quốc đạt 262 triệu USD tăng 10,6% so với cùng kỳ.
Tuy nhiên xuất khẩu đi thị trường EU và Trung Quốc giảm trong tháng 4 với con số lần lượt là 339 triệu USD, giảm 2,64%; 253 triệu USD, giảm 3,6% so cùng kỳ.
Dù vậy, lũy kế 4 tháng năm 2024, tất cả các thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam đều tăng trưởng tốt so với cùng kỳ: Kim ngạch xuất khẩu sang Mỹ đạt 4,58 tỷ USD, tăng 6,3%; EU đạt 1,2 tỷ USD tăng 1,5%; Nhật Bản đạt 1,34 tỷ USD tăng 10%; Hàn Quốc đạt 1,22 tỷ USD tăng 3,7%; Trung Quốc đạt 1,07 tỷ USD tăng 13,1%.
Chuyển dần trọng tâm từ phát triển nhanh sang phát triển bền vững
Các doanh nghiệp dệt may đang tiếp tục chuyển dần trọng tâm từ phát triển nhanh sang phát triển bền vững. |
Theo ông Nguyễn Ngọc Hòa, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TPHCM (HUBA), phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn là con đường đi bắt buộc, là sự sống còn không chỉ riêng doanh nghiệp mà cho cả nền kinh tế quốc gia.
Để bắt nhịp thế giới, Cty TNHH Việt Thắng Jean buộc phải đầu tư máy móc, chuyển đổi sản xuất xanh và đầu tư công nghệ để giảm chi phí, nâng cao sức cạnh tranh. Doanh nghiệp này sử dụng công nghệ 3D để thiết kế , rút ngắn 1/4 thời gian so với trước, dùng laser để in, cắt, phun màu cho vải... Nhờ vậy, công suất tăng gấp 3 lần so với trước. Ngoài ra, Cty còn lắp đặt hệ thống xử lý nước thải tuần hoàn Eco, sản xuất theo tiêu chuẩn xanh của châu Âu.
Ông Lê Tiến Trường, Chủ tịch Tập đoàn dệt may Việt Nam (Vinatex) nhấn mạnh, để tìm cơ hội trong thách thức, các doanh nghiệp dệt may đang tiếp tục chuyển dần trọng tâm từ phát triển nhanh sang phát triển bền vững, kinh doanh tuần hoàn. Trong đó, các giải pháp tối ưu được doanh nghiệp đưa ra là: Tập trung đầu tư phát triển khoa học - công nghệ và nguồn nhân lực; đa dạng hóa thị trường, mặt hàng và khách hàng; thường xuyên cập nhật tình hình thị trường và thông tin về các nguồn nguyên liệu đầu vào như bông, xơ cho các đơn vị với chu kỳ mỗi tháng một lần để các đơn vị có thể định hướng hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Ngoài ra, khó khăn nhất đối với ngành dệt may là sản xuất nguyên liệu, nên các cơ quan, ban, ngành hữu quan cần có chính sách đặc thù để doanh nghiệp vượt qua năm 2024. Quan trọng nhất là chính sách tiếp cận vốn, làm sao để vẫn bảo đảm được nguồn vốn lưu động cho các doanh nghiệp, đủ để họ tiếp nhận được các đơn hàng mới trong giai đoạn phục hồi.
Chia sẻ tại hội thảo liên quan đến công nghệ gần đây, bà Nguyễn Thị Tuyết Mai – Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam Bà Mai nhận định, giải pháp cho những thách thức trên bên cạnh việc buộc phải tuân thủ quy định về sinh thái, tiêu chuẩn xanh của các nhãn hàng và quốc gia nhập khẩu, doanh nghiệp cần nhanh chóng chuyển đổi số trong sản xuất. “Phương thức chuyển đổi đi dần từ sản xuất truyền thống sang tự động hóa, tiến dần tới sản xuất thông minh. Điều này sẽ giúp doanh nghiệp nâng cao năng lực sản xuất, tăng chất lượng và giá trị hàng hóa”, đại diện Hiệp hội Dệt may Việt Nam nhấn mạnh.
Ngoài ra, việc bám sát diễn biến thị trường thế giới để có điều chỉnh khách hàng, điều đơn hàng là cần thiết. Cùng đó là tăng cường xúc tiến thương mại, mở rộng tệp khách hàng, phân tán rủi ro có thể gặp phải.