Nhiều doanh nghiệp dệt may đã có đơn hàng đến quý III |
Đơn đặt hàng đã có đến quý II và III
Ở thời điểm hiện tại, phần lớn doanh nghiệp ngành may đã có đơn hàng sản xuất đến tháng 5/2024, thậm chí nhiều doanh nghiệp có đến quý III; ngành sợi cũng được nhiều khách hàng đàm phán, giao dịch cho những tháng tiếp theo. Đây là những tín hiệu khởi sắc, góp phần giúp các doanh nghiệp đầu tư thiết bị, gia tăng quy mô sản xuất, kinh doanh.
Tại Tổng Công ty May 10, từ sau Tết đến nay, việc làm của người lao động ổn định khi đủ đơn hàng trong quý I và đơn hàng chính vụ đến tháng 8.
Ông Thân Đức Việt, Tổng giám đốc Tổng Công ty May 10 chia sẻ, xác định thị trường xuất khẩu còn nhiều khó khăn, trong năm 2024, May 10 đã tận dụng những cơ hội dù là nhỏ nhất từ thị trường, mở rộng tệp khách hàng để duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh, bảo đảm việc làm và giữ chân lao động.
Với những diễn biến từ thị trường, May 10 quyết tâm đạt mục tiêu doanh thu năm 2024 đạt 4.500 tỷ đồng, vượt 6,6% so với năm 2023. Lợi nhuận đạt 130 tỷ đồng, vượt 5,7% so với năm 2023.
Đại diện Công ty cổ phần may Sài Gòn 3 cho biết xuất khẩu dệt may đang có dấu hiệu phục hồi, công ty đã có đơn hàng đến tháng 6.
"Người mua tại thị trường Mỹ đã quay trở lại nên quý I doanh số của công ty tăng trưởng dương so với cùng kỳ 2023", đại diện may Sài Gòn 3 nói.
Một doanh nghiệp khác là Công ty Dệt may, Đầu tư, Thương mại Thành Công cũng đang có hoạt động sản xuất kinh doanh nhiều khả quan khi đơn hàng quý I/2024 đã vượt kế hoạch và đơn hàng quý II/2024 đạt 80% kế hoạch. Năm 2024, công ty đặt mục tiêu lãi ròng tăng 20% so với năm trước, lên đến 161 tỷ đồng, trên cơ sở thị trường dệt may dần ấm lại.
Đây là 2 minh chứng cho thấy xuất khẩu dệt may đang có nhiều dấu hiệu khởi sắc, khả quan. Theo số liệu của Bộ Công thương, sau năm 2023 gặp rất nhiều khó khăn, quý I/2024, xuất khẩu hàng dệt và may mặc tăng 7,9%. Dệt may cũng là một trong 16 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD trong quý I.
Ông Vũ Đức Giang - Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS) - cũng nhìn nhận thị trường đã có tín hiệu tích cực, đơn hàng tăng trở lại so với cùng kỳ đang giúp doanh nghiệp dệt may dần phục hồi. Kế hoạch tăng kim ngạch xuất khẩu ngành này đạt 44 tỷ USD năm nay là hoàn toàn có khả năng.
Số liệu mới nhất từ Hải quan cho thấy quý I, kim ngạch xuất toàn ngành dệt may đạt trên 9,53 tỷ USD, tăng 9,62% so với cùng kỳ 2023.
Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS) cho hay từ đầu năm đến nay, các nhà sản xuất, chuỗi cung ứng hàng dệt may toàn cầu tiếp tục chọn Việt Nam là nơi sản xuất và đặt hàng.
Vẫn còn nhiều thách thức
Tỷ giá neo ở mức cao là thách thức không nhỏ cho doanh nghiệp dệt may |
Nhiều tín hiệu vui đối với ngành dệt may, song các chuyên gia vẫn khuyến cáo, bài học kinh nghiệm từ năm 2023 cho thấy, thị trường thế giới hiện nay biến động rất khó lường. Đặc biệt, những căng thẳng ở Biển Đỏ, hay tỷ giá neo ở mức cao là thách thức không nhỏ cho doanh nghiệp dệt may.
Cụ thể, tỷ giá USD/VND đang dao động ở mức 25.000 đồng/USD khiến các doanh nghiệp xuất nhập khẩu gặp nhiều khó khăn. Ông Phan Văn Việt, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Việt Thắng Jean cho biết, đối với các đơn hàng xuất khẩu đi châu Âu, Mỹ hay Hàn Quốc, doanh nghiệp phải nhập khẩu 40-60% nguyên liệu. Tỷ giá ở mức cao khiến chi phí sản xuất tăng cao. Dù chênh lệch tỷ giá được bù đắp phần nào khi có ngoại tệ thu về từ xuất khẩu, song tỷ giá tăng nhanh khiến phần lợi thu về nhờ tỷ giá ngày càng giảm.
Đặc biệt, doanh nghiệp dệt may vẫn còn phải đối diện với những khó khăn hiện hữu từ việc áp dụng cơ chế EPR (trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất) và CBAM (cơ chế điều chỉnh biên giới carbon) cũng như Chiến lược "thời trang bền vững" thay cho "thời trang nhanh", Chỉ thị tra soát chuỗi cung ứng của OECD của EU; Luật thẩm định chuỗi cung ứng của Đức...
Ông Thân Đức Việt - CEO May 10, cho rằng biến động thế giới khiến hầu hết doanh nghiệp không dám kỳ vọng cao. Đặc biệt "nút thắt" biển đỏ đang làm cho chi phí vận chuyển tăng cao khiến lợi nhuận doanh nghiệp bị teo tóp. Ngoài ra, doanh nghiệp bị áp lực khi phải tăng cường đầu tư để đáp ứng yêu cầu của các nhãn hàng về xanh hóa, trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất, ESG (môi trường - xã hội - quản trị doanh nghiệp), chuyển đổi số...
Đồng quan điểm, theo ông Vũ Đức Giang, EU là thị trường xuất khẩu lớn hàng dệt may của Việt Nam. Cho nên, dệt may nguy cơ bị ảnh hưởng bởi thỏa thuận xanh EU. Do đó, các doanh nghiệp Việt Nam cần chủ động đón đầu làn sóng chuyển đổi xanh, điều chỉnh quy trình sản xuất và đầu tư vào công nghệ mới để duy trì tính cạnh tranh, đáp ứng theo nhu cầu của chuỗi cung ứng toàn cầu.
Năm ngoái, xuất khẩu dệt may đạt 40,3 tỷ USD, giảm 8,4% so với cùng kỳ 2022, tồn kho lớn do tác động của tình hình kinh tế thế giới và trong nước. Lạm phát ở các thị trường chủ lực như Mỹ, EU khiến sức mua giảm, lãi suất tăng cao, chênh lệch tỷ giá đè nặng lợi nhuận doanh nghiệp.
Bà Nguyễn Thị Hoàng Thúy, Tham tán thương mại, Thương vụ Việt Nam tại Thụy Điển cho biết, EU là thị trường xuất khẩu lớn hàng dệt may của Việt Nam. Song, dệt may cũng là ngành hàng có thể bị ảnh hưởng bởi Thỏa thuận Xanh EU. Theo đó, kế hoạch hành động nền kinh tế tuần hoàn sẽ yêu cầu các sản phẩm dệt may phải được sản xuất bằng các vật liệu và quy trình thân thiện với môi trường, đồng thời đáp ứng các tiêu chuẩn bền vững và dán nhãn sinh thái nghiêm ngặt. Vì vậy, đã đến lúc các doanh nghiệp Việt Nam cần chủ động đón đầu làn sóng chuyển đổi xanh, điều chỉnh quy trình sản xuất và đầu tư vào công nghệ mới để duy trì tính cạnh tranh, đồng thời tiến xa hơn trên chuỗi cung ứng toàn cầu.
Thách thức là vậy, nhưng nếu tuân thủ và thực hiện nghiêm túc các tiêu chuẩn xanh hóa trong ngành sản xuất sẽ giúp việc chuyển đổi sang sản xuất xanh được thực hiện một cách chủ động, đồng bộ và toàn diện.
Xanh hoá là xu thế tất yếu của ngành dệt may |
Doanh nghiệp dệt may đầu tư đi vào chiều sâu để vượt khó |
Giải pháp nào tháo gỡ khó khăn cho ngành sợi? |