Ngộ độc thực phẩm là một vấn đề đáng báo động "đỏ" hiện nay. Mầm bệnh xâm nhập vào thức ăn hoặc nước uống qua nhiều con đường, bao gồm chế biến thực phẩm không an toàn, bảo quản thực phẩm sai cách, sử dụng nguồn nước ô nhiễm,...
Nên ăn gì sau khi bị ngộ độc
Sau khi bị ngộ độc thực phẩm, bạn nên ăn những thực phẩm sau để bổ sung dinh dưỡng, đẩy nhanh quá trình hồi phục.
Bổ sung nước
Lượng chất lỏng rất quan trọng để giúp cơ thể chống lại các tác động của ngộ độc thực phẩm. Nôn mửa và tiêu chảy có thể gây ra tình trạng mất nước, do đó, ngậm đá bào hoặc uống từng ngụm nước nhỏ là khởi đầu tốt.
Chú ý dùng các loại nước sạch, hợp vệ sinh như nước đun sôi, nước đóng chai. Tránh sử dụng các loại thức uống có chứa chất kích thích như bia rượu, cà phê…
Thực phẩm nhạt
Sau khi bị ngộ độc thực phẩm, đường ruột trở nên nhạy cảm hơn. Do đó, bạn nên ăn những món ăn nhẹ nhàng để xoa dịu đường ruột. Lựa chọn tốt nhất là các thực phẩm ít chất béo và chất xơ. Ví dụ như khoai tây, mật ong, chuối, cháo yến mạch, ngũ cốc, lòng trắng trứng, bơ đậu phộng, cơm, nước muối, bánh mì nướng,...
Trà
Sau khi bị ngộ độc thực phẩm, bạn nên sử dụng các loại trà như gừng, hoa cúc, bạc hà,... để giảm viêm, xoa dịu dạ dày, bù nước và hạn chế các cơn buồn nôn.
Sữa chua
Sữa chua chứa men vi sinh và các loại lợi khuẩn có lợi cho đường ruột. Bổ sung sữa chua vào chế độ ăn uống giúp cung cấp lợi khuẩn, tăng cường sức đề kháng và hỗ trợ hệ tiêu hóa hoạt động hiệu quả.
Nên kiêng gì sau khi bị ngộ độc thực phẩm
Ngoài việc bổ sung những thực phẩm có lợi, bạn cũng nên kiêng những thực phẩm không tốt tránh ảnh hưởng đến quá trình hồi phục sức khỏe.
Thực phẩm giàu tính axit
Một số thực phẩm có thể làm tăng các triệu chứng ợ chua, ợ nóng, gây khó chịu cho người bệnh. Do đó, sau khi bị ngộ độc thực phẩm, bạn nên hạn chế ăn cà chua, cam, quýt, bưởi, dưa chua,...
Món ăn giàu đạm
Do quá trình tiêu hóa protein tốn nhiều thời gian và năng lượng hơn so với carbohydrate, người bệnh mới ngộ độc thực phẩm với dạ dày yếu nên hạn chế bổ sung các thực phẩm giàu protein như trứng, thịt bò, cá béo,...
Chất béo
Do chất béo khó tiêu hóa hơn protein, người bệnh nên hạn chế ăn các thực phẩm giàu chất béo trong quá trình hồi phục sức khỏe. Ví dụ như socola, bánh kẹo, đồ ăn chiên rán, nhiều dầu mỡ,...
Chất xơ
Mặc dù chất xơ thông thường rất tốt cho hệ tiêu hóa, giúp kích thích hoạt động tiêu hóa và hạn chế táo bón, nhưng sau khi ngộ độc thực phẩm, bạn nên hạn chế bổ sung nhiều chất xơ vì có thể gây đầy hơi, chướng bụng, chuột rút,...
Đồ cay nóng
Để tránh ảnh hưởng đến quá trình hồi phục sau khi bị ngộ độc do đường ruột trở nên nhạy cảm hơn, bạn nên hạn chế tiêu thụ đồ ăn cay.
Không uống bia, rượu
Dù sau ngộ độc, việc bổ sung nước là cần thiết nhưng bia, rượu, cà phê, nước ngọt, nước tăng lực, nước ép trái cây là những thức uống bạn cần tránh sau khi bị ngộ độc thực phẩm.