Mỹ phẩm trôi nổi: Dùng hàng giả, lãnh hậu quả thật Triệt phá cơ sở sản xuất mỹ phẩm giả với quy mô lớn tại Hải Dương TP. HCM: Đồng loạt kiểm tra, thu giữ lô hàng mỹ phẩm trị giá gần 2 tỷ đồng |
Mỹ phẩm giả, nhái tràn lan trên chợ mạng
Mỹ phẩm bùng nổ trên sàng thương mại điện tử |
Cùng với sự phát triển của khoa học-công nghệ và những ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 đã thúc đẩy xu hướng mua bán hàng hóa trên các sàn thương mại điện tử, mạng xã hội phát triển mạnh mẽ, trong đó có mỹ phẩm.
Các báo cáo do Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) chia sẻ cho biết, các sản phẩm mỹ phẩm và chăm sóc da giả là mặt hàng bán chạy thứ 5 trong số các mặt hàng lưu hành hiện nay.
Trong nhóm những người sử dụng mỹ phẩm thường xuyên, mức chi tiêu cho mỹ phẩm làm đẹp đã tăng thêm 10%, với hơn 73% giao dịch mua bán diễn ra trên các sàn thương mại điện tử (TMĐT). Chỉ tính riêng 10 tháng đầu năm 2023 doanh số ngành hàng mỹ phẩm, làm đẹp trên các sàn thương mại điện tử tại Việt Nam đã cán mốc 22.2 nghìn tỉ đồng, tăng 74% so với cùng kỳ 2022. Đây là số liệu trong báo cáo vừa được nền tảng phân tích số liệu thị trường Metric công bố. Theo đó, bất chấp khó khăn kinh tế, ngành hàng mỹ phẩm vẫn chứng tỏ tiềm năng với sức mua lớn theo phương thức trực tuyến.
Theo đại diện của Công ty cổ phần mỹ phẩm quốc tế OME cho biết: “GDP của Việt Nam cũng như sức tiêu dùng, sức mua của Việt Nam đang tăng theo thời gian. Trong các thập niên gần đây, sức mua của người Việt Nam đã tăng đến khoảng mấy chục lần, đặc biệt là ở lĩnh vực thời trang và mỹ phẩm. Thu nhập cao hơn thì việc người Việt Nam, những phụ nữ Việt Nam, họ yêu cầu, mong muốn một sản phẩm nước ngoài chất lượng cao càng nhiều hơn. Thế nên, thị trường Việt Nam không chỉ hút các thương hiệu mỹ phẩm Hàn Quốc, Nhật Bản mà còn cả những thương hiệu của châu Âu, châu Mỹ”.
Đi kèm theo đó, tình trạng gian lận thương mại, hàng giả, hàng nhái trên môi trường mạng xã hội, thương mại điện tử đã lên đến đỉnh cao chưa từng thấy. Mỹ phẩm làm giả tràn vào các chợ trực tuyến để bán các sản phẩm giả cho người tiêu dùng. Điều này đã tạo ra những vấn đề nghiêm trọng cho các thương hiệu và người tiêu dùng cuối, làm ảnh hưởng xấu môi trường kinh doanh và niềm tin và sức khỏe của người tiêu dùng.
Hầu hết các mặt hàng mỹ phẩm giả, nhái đều không có thông tin đơn vị nhập khẩu, chịu trách nhiệm kiểm định, công bố chất lượng, hướng dẫn sử dụng bằng tiếng Việt. Các sản phẩm làm đẹp và mỹ phẩm giả thường chứa các thành phần chất lượng thấp hơn, có hại và rẻ tiền.
Mặc dù mỹ phẩm giả, nhái ảnh hưởng rất nhiều tới sức khoẻ người dùng nhưng vì lợi nhuận khổng lồ mà mặt hàng này mang lại nên rất nhiều người kinh doanh nhắm mắt làm liều.
Cập nhật thông tin từ Quản lý thị trường các tỉnh thành phố, trong các ngày 28/9, 05/10 và 02/11/2023, Đội Quản lý thị trường (QLTT) số 2 đã kiểm tra đột xuất tại 03 hộ kinh doanh mỹ phẩm trên địa bàn thị xã Gò Công, tỉnh Tiền Giang. Các trường hợp này được kiểm tra sau khi theo dõi, thẩm tra, xác minh thông tin về việc các cá nhân sử dụng tài khoản zalo, facebook để livestream bán hàng có dấu hiệu vi phạm.
Đoàn kiểm tra tiến hành kiểm tra thực tế hàng hóa đang kinh doanh tại các cơ sở thì hơn 110 đơn vị sản phẩm mỹ phẩm như sữa tắm, xà phòng, son môi, nước hoa, kem ủ trắng da, kem dưỡng da mặt, nước dưỡng da mặt… không rõ nguồn gốc xuất xứ.
Ngày 25/12/2023, các cơ quan quản lý đã kiểm tra kho hàng của một "hot girl" livestream bán hàng với số lượng hàng hóa rất lớn nhưng hầu hết chưa rõ nguồn gốc xuất xứ. Kho hàng là một căn biệt thự 5 tầng, mỗi tầng rộng trên 100 m2 tại Q.Hà Đông (TP.Hà Nội).
Hệ luỵ của mỹ phẩm giả, nhái đối với sức khoẻ
Từng không may mua phải mỹ phẩm giả và chịu hậu quả nặng sau khi sử dụng, Huyền Anh tại Bắc Từ Liêm, Hà Nội chia sẻ, cô mua sản phẩm làm đẹp trên Tiktok trong ngày hội giảm giá. Khi đó, Huyền Anh thấy giá hời và đọc đánh giá bình luận về sản phẩm rất tốt nên đã mua về thử sử dụng.
“Sản phẩm được đóng hộp khá bắt mắt, sử dụng hình ảnh, logo của công ty được in ấn sắc nét với tem nhãn chống hàng giả. Đặc biệt, sản phẩm được bày bán ở cửa hàng mỹ phẩm nổi tiếng và giá bán cũng rất cao, không chênh lệch với giá hàng thật là mấy nên rất khó nhận biết. Bản thân tôi cảm thấy hối hận khi mua mỹ phẩm online bởi cái giá đánh đổi quá đắt. Cho đến hiện tại, tôi vẫn còn bị ám ảnh vì làn da sưng đỏ dị ứng” - Huyền Anh nói.
Thu Hiền tại Cầu Giấy, Hà Nội chua xót khi trở thành nạn nhân của mỹ phẩm giả. Dù đã trải qua thời gian dài điều trị theo đơn thuốc của bác sĩ da liễu, kết hợp kiêng cữ khổ sở, hai bên gò má, phần môi trên của Thu Hiền vẫn sưng tấy. Đặc biệt, vết sưng đang có dấu hiệu chuyển dần sang thâm sạm.
"Lần đầu sử dụng kem dưỡng trắng mua trên mạng, tôi cảm thấy da có phản ứng ngứa ngáy. Tuy nhiên, theo thông tin hướng dẫn sử dụng, đó chỉ là phản ứng thông thường nên tiếp tục dùng.
Đến lần sử dụng sau, da mặt tôi bỏng rát, vùng da bôi kem trở nên ửng đỏ, sưng tấy. Tôi vội vàng rửa mặt nhưng gương mặt chỉ sau 15 phút bôi thứ sản phẩm ấy đã sưng nề và nổi mẩn. Kết quả khám tại bệnh viện cho thấy, tôi bị viêm da dị ứng" - Thu Hiền kể.
Trong tình huống “tiền mất, tật mang”, khi đã lãnh chịu hậu quả do mỹ phẩm giả, kém chất lượng để lại, nhiều người chỉ còn cách tìm đến các cơ sở y tế, phòng khám chuyên khoa da liễu để chữa trị.
BSCK II Phạm Thị Thảo - Phó Trưởng khoa Khám bệnh, Bệnh viện Đa khoa Đức Giang - cho biết, trong quá trình hành nghề khám da liễu, chị đã gặp rất nhiều trường hợp bệnh nhân đến khám vì tác dụng phụ không mong muốn của mỹ phẩm, hoá chất không rõ nguồn gốc.
Bác sĩ Đỗ Thiện Trung - Khoa Laser và Săn sóc da, Bệnh viện Da liễu Trung ương cảnh báo: Để có lợi nhuận, tác dụng nhanh, dễ đánh lừa người tiêu dùng, các cơ sở sản xuất và kinh doanh mỹ phẩm giả đã đưa vào sản phẩm mỹ phẩm những thành phần độc hại, bị cấm như corticoid, parabens, formaldehyde, propylen glycol, chì, thuỷ ngân, kẽm, cyanua. Nguy hiểm hơn là những chất đó gây biến đổi thành phần lý hóa trên bề mặt da và mô phía dưới.
Theo Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Ngọc Oanh - Khoa Da liễu, Bệnh viện Bạch Mai, có rất nhiều tác hại ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe con người, đặc biệt là da khi sử dụng mỹ phẩm không rõ nguồn gốc.
"Một số người sẽ bị tác dụng tức thì ngay sau khi dùng như mẩn đỏ, nổi ban, dị ứng trực tiếp trên da. Có những trường hợp bị muộn hơn, sau khi dùng sản phẩm được một thời gian thì da mặt mỏng hơn, giãn mạch nhiều hơn.
Đối với những loại mỹ phẩm bị làm giả, đa số sẽ có thành phần là những kim loại nặng trong mỹ phẩm. Khi sử dụng những loại mỹ phẩm này lâu sẽ gây biến đổi gen và các tế bào, phát sinh các bệnh về gan, nội tiết... thậm chí còn ảnh hưởng đến chức năng sinh sản, gây vô sinh" - bác sĩ Oanh nói.
Bắc Giang: Xử phạt gần 196 triệu đồng doanh nghiệp kinh doanh mỹ phẩm nhập lậu |
Hà Nội: Thu giữ lượng lớn mỹ phẩm, thực phẩm chức năng giả |
TP.HCM: Phát hiện gần 800 sản phẩm mỹ phẩm giả mạo |