Hương vị của rau bò khai rất đặc biệt, không hề bị lẫn với các loại rau rừng khác. Nó là sự hoà quyện của hương đất, hương rừng và sự tinh khiết của khí trời vùng núi cao.
Hình ảnh của loại rau bò khai
Rau bò khai- Đặc sản của người dân vùng núi phía Bắc
Rau bò khai còn có các tên gọi khác như dây dương, hồng trục, rau ngót leo, rau nghiến, dã hiến, khau hương, hạ hòa, long châu sói,…Rau bò khai không chỉ là một món ăn ngon, hương vị đặc trưng mà còn là một vị thuốc tốt được sử dụng nhiều trong các bài thuốc Đông Y. Với những đặc điểm đó, rau bò khai đã trở thành đặc sản, được nhiều người lựa chọn làm thuốc, chế biến thành các món ăn phục vụ thực khách tại các quán ăn, nhà hàng.
Điểm đặc biệt nhất của loại rau này chính là mùi hơi... khai. Vì vậy, khi chế biến món ăn, người nấu sẽ phải vò qua lá rau cho bớt mùi khai. Mặc dù vậy, rau bò khai vẫn là thứ đặc sản được nhiều người tìm mua.
Đây là một loại rau phổ biến ở nhiều tỉnh miền núi phía Bắc, điển hình là ở tỉnh Lạng Sơn. Bò khai phát triển quanh năm, tuy nhiên vào mùa xuân rau trổ ngọn xanh và non nhất. Đây cũng là thời điểm tốt để thu hoạch.
Theo đó, hiện nay toàn huyện Chi Lăng hiện có hơn 40ha rau bò khai được trồng chủ yếu ở khu vực núi đá như: thị trấn Đồng Mỏ, các xã Gia Lộc, Thượng Cường, Bằng Hữu, Hòa Bình… theo quy mô hộ gia đình.
Với nhiều ưu điểm như: Chu kỳ thu hoạch nhanh, thời gian thu hoạch kéo dài, chi phí đầu tư thấp, thị trường ổn định… rau bò khai đang có nhiều tiềm năng để trở thành cây trồng mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân huyện Chi Lăng.
Hiện tại Lạng Sơn đang bước vào mùa thu hoạch rau bò khai
Tại sao rau bò khai được người dân “truy lùng”
Rau bò khai được coi như hòa quyện giữa hương tiết trời và rừng núi, giá trị và thành phần dinh dưỡng của rau bò khai có tác dụng rất tốt đối với sức khỏe của con người.
Làm tan sỏi thận.
Theo y học khổ truyền, ở miền núi người ta sử dụng toàn thân cây từ cảnh, lá, ngọn còn tươi hoặc khô để nấu nước uống. Theo cách này để chữa viêm gan do siêu vi ở phụ nữ và trẻ em. Hoặc có thể dùng nước sắc từ rau bò khai để làm tan sỏi ở bệnh nhân bị sỏi thận.
Dùng để chữa bệnh tiểu vàng, tiểu dắt, phù thận
Nếu có điều kiện thu hái phần lá non và ngọn sẽ chế biến ngon hơn. Ngoài ra còn chữa các chứng như: đái vàng, đái dắt, phù thận…
Giúp hạ sốt và chữa tê thấp
Thân cành tươi rau bò khia sau khi hát lá và ngọn làm rau ăn, phần cành còn lại có thể băm nhỏ thành từng đoạn dài khoảng 2-3 cm và phơi khô để dùng dần. Có tác dụng chữa tê thấp và sốt. Nếu người dùng là phụ nữ và trẻ nhỏ thì có thể đem cây bò khai đun sôi với nước để uống có tác dụng hạ sốt trong mùa hè hoặc điều trị chứng bệnh tê thấp trong mùa lạnh. Đối với người sử dụng là nam giới thì có thể ngâm rượu và dùng khi cần thiết.
Tốt cho người chán ăn, mệt mỏi
Những người chán ăn, mệt mỏi do làm việc quá sức, ăn không ngon miệng thì dùng canh rau bò khai rất tốt hoặc dùng thân cây rồi phơi khô sắc nước uống thường xuyên nếu không có điều kiện dùng rau tươi.
Theo kinh nhiệm dân gian, rau bò khai dùng tốt nhất là khi còn mùi đặc trưng của nó, tức là còn tươi. Tuy nhiên, đôi khi mùi của nó quá nồng sẽ khiến nhiều người không ăn được. Để làm giảm bớt mùi thì nên vò kĩ với chút muối hạt rồi rửa sạch với nước.
Chính vì tác dụng hữu ích loại rau này hiện đang được nhân giống trên mọi miền Tổ Quốc. Đặc biệt, nhằm tiếp tục và phát huy giá trị của những đặc sản của địa phương. Sở khoa học và Công nghệ Lạng Sơn đã tiến hành hỗ trợ huyện Chi Lăng – Lạng Sơn thực hiện dự án xây dựng nhãn hiệu tập thể cho sản phẩm rau bò khai của huyện Chi Lăng.
Lê Thoa (Theo HHTH)