Đại dịch Covid-19 - Cơ hội phát triển 'vũ bảo' cho lĩnh vực thương mại điện tử
Thương mại điện tử tuy là hình thức kinh doanh mới mẻ nhưng đã phát triển một cách ồ ạt nhờ sự tiện lợi của nó, giúp kết nối giữa người mua và người bán nhanh chóng.
Theo Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, Bộ Công Thương, năm 2020 Việt Nam có khoảng 53% dân số tham gia mua sắm trực tuyến. Doanh thu thương mại điện tử (TMĐT) Việt Nam tăng trưởng 18%, đạt 11,8 tỷ USD, ước tính chiếm 5,5% tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng cả nước.
Dịch Covid-19 kéo dài đã gây nên rất nhiều hệ lụy cho các doanh nghiệp khi phải đối mặt với quá nhiều khó khăn và thách thức trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Tuy nhiên, trong dịp này các doanh nghiệp lại có cơ hội kinh doanh online, tham gia sâu vào các sàn giao dịch TMĐT để phát triển.
Hàng hóa tiêu dùng kể cả thực phẩm giờ đây sẽ đến tận cửa nhà bạn chỉ cần một cú nhấp chuột và dĩ nhiên có trả phí. |
Theo ông Nguyễn Chí Thọ, TMĐT đang phát triển với tốc độ rất nhanh chóng không chỉ ở Việt Nam mà còn ở khắp nơi trên thế giới. Việt Nam theo nghiên cứu và thống kê của Google – Temasek-Bain là một trong hai quốc gia có tốc độ tăng trưởng của thị trường TMĐT lớn nhất Đông Nam Á (sau Philippines).
“Nếu như năm 2019 tỉ trọng tăng trưởng TMĐT của Việt Nam đạt quy mô 5.5B USD (chiếm 4,5% thị trường bán lẻ) thì dự báo vào năm 2025 quy mô trên sẽ tăng lên mức 22.8B (chiếm 10,5% thị trường bán lẻ tại Việt Nam). Đây rõ ràng là cơ hội rất lớn cho các doanh nghiệp kinh doanh online”, ông Thọ nói.
Thực tế, trong những năm gần đây, với sự ra đời của hàng loạt các website TMĐT như: Lazada, Tiki, Shopee, Sendo… việc mua sắm online đã không còn xa lạ với người tiêu dùng Việt Nam. Năm 2020, Việt Nam đã có khoảng 50% dân số tham gia mua sắm online, đạt doanh số 350 USD/người.
Đặc biệt, ở lĩnh vực bán lẻ hàng hoá trực tuyến, theo khảo sát của VECOM, sản lượng bưu gửi qua dịch vụ chuyển phát năm 2020 tăng 47%. Những doanh nghiệp chuyển phát hàng đầu có mức tăng trưởng bưu gửi từ 30% tới 60%.
Số liệu từ Hội thẻ Ngân hàng Việt Nam cho thấy, các ngân hàng đã phát hành mới tới 10,3 triệu thẻ các loại trong 6 tháng đầu năm 2020, nâng tổng số thẻ ở Việt Nam lên 103,4 triệu. |
Trong đó, lĩnh vực thanh toán trực tuyến tiếp tục tăng trưởng mạnh. Vecom dẫn số liệu từ Hội thẻ Ngân hàng Việt Nam cho thấy, các ngân hàng đã phát hành mới tới 10,3 triệu thẻ các loại trong 6 tháng đầu năm 2020, nâng tổng số thẻ ở Việt Nam lên 103,4 triệu.
Doanh số thanh toán chi tiêu thẻ nội địa theo kênh TMĐT tăng tới 81%. Đây rõ ràng là những tín hiệu vô cùng tích cực để Việt Nam thúc đẩy và khai thác thật tốt nền kinh tế số.
Bên cạnh đó, hành vi gian lận, bán hàng giả, hàng kém chất lượng luôn diễn ra thường xuyên đã gây không ít thiệt hại cho người tiêu dùng thông qua hình thức mua bán này.
Hãy kiểm hàng trước khi thanh toán, mọi thắc mắc khiếu nại về các hành vi gian lận khi giao dịch TMĐT xin gọi ngay hotline tổng đài tư vấn miễn phí 1800.6838 - Cục Cạnh tranh và bảo vệ người tiêu dùng |
Đắng lòng khi mua một đằng, nhận một nẻo
Đơn cử là vào ngày 14/12/2020, Công ty Best Express - đơn vị vận chuyển, giao hàng trong vụ khách hàng ở Đồng Tháp mua iPhone 12 nhưng lại nhận được cục gạch cho biết đã mời cơ quan chức năng vào cuộc để điều tra làm rõ vụ việc.
“Khi có kết quả cuối cùng, dù nguyên nhân phát sinh từ phía nào, chúng tôi đều sẽ có biện pháp xử lý triệt để và có câu trả lời thỏa đáng cho khách hàng”, Best Express phản hồi.
Trước đó, ông Wu Di - tổng giám đốc Best Express - đã gửi thư xin lỗi đến khách hàng và “xin nhận toàn bộ trách nhiệm về sự việc này”. Trong thư, ông Wu Di cho biết Best Express sẽ gửi lại khách hàng toàn bộ số tiền trị giá với đơn hàng mà công ty ông nhận vận chuyển.
Trước đó, có hai khách hàng (một ở Đồng Tháp, một ở Hà Tĩnh) đã đặt mua iPhone 12 qua website của hệ thống bán lẻ Di động Việt. Trong đó, khách hàng ở Đồng Tháp đã thanh toán trước 32 triệu đồng tiền mua điện thoại nhưng lại nhận được... cục gạch, còn khách hàng ở Hà Tĩnh lại nhận được... hộp tô màu.
Ông Nguyễn Ngọc Đạt, CEO Di động Việt, cho biết quy trình giao hàng cho đối tác vận chuyển của công ty đều có quay video, có ký nhận và có hệ thống camera của cửa hàng giám sát.
“Rất may mắn sau khi xảy ra trường hợp khách hàng ở Đồng Tháp, chúng tôi đã kịp thời phát đi cảnh báo vụ việc nên khách hàng ở Hà Tĩnh đã khui hàng ra tận tay trước mặt người giao hàng, phát hiện hộp tô màu và đã không nhận hàng”, ông Đạt kể.
Chế tài và xử lý nghiêm
Hiện chính phủ đã ban hành Nghị định số 98/2020/NĐ-CP ngày 26/8/2020 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Nghị định có hiệu lực thi hành kể tự ngày 15/10/2020.
Mức tiền phạt quy định tại Nghị định này là áp dụng đối với hành vi vi phạm hành chính do cá nhân thực hiện. Trường hợp hành vi vi phạm hành chính do tổ chức thực hiện thì phạt tiền gấp hai lần mức tiền phạt quy định đối với cá nhân. Ngoài việc bị phạt tiền, thì tùy nội dung từng hành vi có thể áp dụng tình tiết tăng nặng hoặc áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả như buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm; buộc thu hồi tên miền ".vn" hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn trong trường hợp vi phạm nhiều lần hoặc tái phạm.
Nghị định số 98/2020/NĐ-CP của Chính phủ ban hành là khuôn khổ pháp lý quan trọng để xử lý hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực thương mại điện tử. Qua đó, chấn chỉnh để hoạt động kinh doanh thương mại điện tử luôn tuân thủ đúng quy định của pháp luật, mang lại lợi ích thiết thực trong hoạt động kinh doanh thương mại, góp phần phục vụ nhu cầu mua bán hàng hóa, dịch vụ của tổ chức, cá nhân.
Trao đổi với báo chí, đại diện Cục Cạnh tranh và bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công thương) cho hay vi phạm đối với người tiêu dùng có thể do tổ chức, cá nhân kinh doanh của bất kỳ khâu nào trong hoạt động thương mại điện tử chứ không chỉ riêng người bán hàng. Liên quan thông tin báo chí phản ánh về mua iPhone nhưng lại được giao cục gạch hay hộp bút màu, đại diện cục này cho hay đến thời điểm hiện tại vẫn chưa xác định được chính xác lỗi thuộc về khâu nào dù các bên có liên quan đều nhận lỗi và cam kết đổi hàng, hoàn tiền. Lãnh đạo cục này cũng dẫn chứng chỉ trong 9 tháng đầu năm đã tiếp nhận 155 đơn thư phản ánh, khiếu nại liên quan. Nội dung khiếu nại chủ yếu liên quan đến việc “giao hàng không đúng” hoặc “bị lừa mua hàng”. Để hỗ trợ người tiêu dùng, cục này cũng tiến hành rà soát các hành vi vi phạm quyền lợi người tiêu dùng hoặc có khả năng gây bất lợi cho người tiêu dùng trong các chính sách, điều kiện, điều khoản mà các sàn đặt ra, điều chỉnh theo hướng có lợi cho người tiêu dùng. Nếu cần sự tư vấn từ cơ quan, tổ chức bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, người tiêu dùng có thể liên hệ với sở công thương, hội bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng các tỉnh, thành phố hoặc liên hệ trực tiếp với Cục Cạnh tranh và bảo vệ người tiêu dùng theo số điện thoại tổng đài tư vấn miễn phí 1800.6838. |