Mâm cúng đi chùa đầu năm cần những gì? Ảnh Tuấn Sơn - An Khánh |
Mùa xuân - mùa của sự khởi đầu, của đất trời giao hòa, cũng là thời điểm lý tưởng để con người tìm đến giá trị tâm linh. Trong văn hóa người Việt, đi lễ chùa đầu năm đã trở thành nét đẹp truyền thống, mang ý nghĩa cầu mong một năm mới bình an, hạnh phúc và may mắn.
Vào những ngày đầu xuân, không khí lễ chùa tràn ngập khắp nơi, từ miền quê yên bình, đến thành phố tấp nập. Những ngôi chùa cổ kính, mái ngói rêu phong hay những công trình mới xây đều thu hút dòng người tới thắp hương và bày tỏ lòng thành kính.
Dưới ánh nắng dịu dàng của mùa xuân, những cành đào, cành mai khoe sắc, tiếng chuông chùa ngân vang như dẫn lối cho tâm hồn mỗi người trở nên thanh thản, an yên.
Đi lễ chùa đầu năm còn là dịp để gia đình và bạn bè gắn kết. Sau khi thắp hương, mọi người thường trò chuyện, chúc tụng nhau những lời tốt đẹp đầu năm. Không khí lễ hội đầu xuân, tại các ngôi chùa lớn cũng rất đặc sắc với những hoạt động như phát lộc, xin chữ, múa lân và hát quan họ.
Theo phong tục, người Việt thường chuẩn bị lễ vật chu đáo để dâng lên Đức Phật và các vị thần linh trong chùa. Lễ vật có thể gồm hương, hoa, trái cây, bánh kẹo hoặc mâm cỗ đơn giản. Đặc biệt, trong lễ chùa, tấm lòng thành kính luôn được coi trọng hơn giá trị vật chất của lễ vật.
Khi đến chùa, mọi người thường mặc trang phục trang nhã, thái độ trang nghiêm khi chắp tay dâng hương, khấn nguyện và cúi lạy trước bàn thờ Phật, bày tỏ lòng biết ơn và những ước nguyện trong năm mới.
Ngoài ra, một số người còn xin chữ, xin lộc chùa như cành lộc, nước thánh hay những lá bùa bình an để mang về nhà với hy vọng mang lại may mắn cho gia đình.
Sắm lễ đi chùa
Trong cuốn sách “Văn khấn cổ truyền Việt Nam” do Nhà xuất bản Văn hoá Thông tin phát hành thông tin, việc sửa soạn đi lễ chùa, sắm lễ vật đi chùa đều có những quy định mà mọi người cần tuân thủ:
Đến dâng hương tại các chùa chỉ được sắm lễ chay: Hương, hoa tươi, quả chín, xôi chè, oản phẩm… Chú ý, không được chuẩn bị cỗ mặn, cỗ tam sinh (trâu, dê, lợn), thịt mồi, gà, giò, chả…
Việc sắm sửa lễ mặn chỉ được chấp nhận khi ở chùa có thờ các vị Thánh, Mẫu. Đặc biệt, lễ mặn chỉ dâng ở những khu vực tương ứng, không được đặt ở chính điện, nơi thờ tự chính trong chùa. Trên hương án của chính điện chỉ được đặt lễ chay, tịnh. Phần lễ mặn thường được đặt ở ban thờ, điện thờ của Đức Ông - thần cai quản công việc trong chùa.
Không nên sắm sửa vàng mã, tiền âm phủ để dâng cúng, lễ Phật tại chùa. Nếu có lễ này, có thể đặt ở bàn thờ Thần Linh, Thánh Mẫu và Đức Ông. Tiền giấy âm phủ hay hàng mã kiêng đặt ở ban thờ Phật, Bồ Tát. Tiền thật cũng không nên đặt lên hương án của chính điện mà nên để vào hòm công đức ở Chùa.
Hoa tươi lễ Phật nên chọn hoa sen, hoa huệ, hoa mẫu đơn, hoa ngâu... và không dùng các loại hoa tạp, hoa dại.
Trước ngày dâng hương lễ Phật ở chùa cần chay tịnh trong đời sống sinh hoạt ngày thường như ăn chay, kiêng giới, làm việc thiện...
Cách hành lễ khi đi chùa
Đến chùa hành lễ theo thứ tự, đặt lễ vật: thắp hương và làm lễ tại ban thờ Đức Ông trước. |
Đặt lễ vật: thắp hương và làm lễ tại ban thờ Đức Ông trước.
Sau khi đặt lễ ở ban Đức Ông (Đức Chúa) xong, đặt lễ lên hương án của chính điện, thắp đèn nhang, thỉnh 3 hồi chuông rồi làm lễ chư phật, bồ tát.
Sau khi đặt lễ ở chính điện xong thì đi thắp hương ở tất cả các ban thờ khác của nhà bái đường. Khi thắp hương lên đều có 3 lễ hay 5 lễ. Nếu chùa nào có điện thờ Mẫu, Tứ Phủ thì đến đó đặt lễ, dâng hương cầu theo ý nguyện.
Cuối cùng thì lễ ở nhà thờ tổ (nhà hậu).
Cuối buổi lễ, sau khi đã lễ tạ để hạ lễ thì nên đến nhà trai giới hay phòng tiếp khách để thăm hỏi các vị sư, tăng trụ trì và có thể tùy tâm công đức.