Lễ hội Gióng đền Sóc năm 2024 sẽ được tổ chức với nhiều điểm mới Ninh Bình: Lễ hội truyền thống động Hoa Lư thu hút du khách Hội Lim: Lễ hội truyền thống mang nét văn hóa đặc sắc vùng Kinh Bắc |
Tái hiện nhiều nghi lễ truyền thống
Đoàn rước xuất phát từ đền Trần. |
Lễ rước kiệu Ngọc Lộ là một trong những nghi lễ quan trọng trong Lễ hội Khai ấn đền Trần. Bên cạnh ý nghĩa tâm linh là rước hương linh Đức Phật Hoàng Trần Nhân Tông về bái yết tiên tổ triều Trần và chứng kiến nghi lễ thờ thủy tổ dòng họ, nghi lễ rước kiệu Ngọc Lộ còn mang ý nghĩa tri ân công đức các bậc tổ tiên, dung hòa các tôn giáo, tín ngưỡng và giáo dục truyền thống cho thế hệ con cháu.
Các cụ cao niên làng Tức Mặc (phường Lộc Vượng) thực hiện nghi lễ xin chân nhang tại ban thờ Phật hoàng Trần Nhân Tông ở chùa Phổ Minh |
Đúng 7 giờ 30 phút, Nghi lễ rước kiệu Ngọc Lộ bắt đầu với sự tham gia của đoàn rước khoảng 300 người gồm đội lân, rồng, đội cờ ngũ sắc, nghi trượng, dàn bát âm, đoàn tế nam quan, đoàn tế nữ quan, kiệu sứ giả, kiệu Ngọc Lộ, theo sau là các phật tử xuất phát từ đền Thiên Trường sang chùa Phổ Minh (Chùa Tháp). Tại đây, các cụ cao niên thực hiện các nghi lễ xin chân nhang tại ban thờ Phật Hoàng Trần Nhân Tông – là vị vua thứ ba của nhà Trần, cũng là người sáng lập ra thiền phái Trúc Lâm. Sau đó, siêu hương được đặt trên kiệu Ngọc Lộ và rước về đền Thiên Trường.
Các cụ cao niên làng Tức mặc (phường Lộc Vượng) rước siêu hương từ chùa Phổ Minh ra kiệu Ngọc Lộ |
Nghi lễ rước kiệu Ngọc Lộ tại Đền Trần đã có từ rất lâu đời, sau này dần bị mai một và thất truyền đầu thế kỷ 20. Để tái hiện lại đầy đủ các nghi lễ chính trong lễ hội Khai ấn đền Trần với đầy đủ bản sắc, năm 2015, tỉnh Nam Định đã phục dựng lại nghi lễ rước kiệu Ngọc Lộ vào ngày 11 tháng Giêng âm lịch hàng năm để hoàn thiện các nghi lễ cốt lõi trong các hoạt động lễ hội khai Ấn đền Trần (phường Lộc Vượng, thành phố Nam Định).
Theo ông Trần Huy Chiến - tổ trưởng tổ từ đền Trần: Sau một thời gian bị mai một, lễ “rước Nước, tế Cá” được phục dựng từ năm 2014 với các nghi thức trang trọng, ý nghĩa được dựa trên việc nghiên cứu các thư tịch cổ, tìm hiểu trong dân gian và qua những ý kiến đóng góp của các bô lão địa phương về những nghi lễ có trong lễ hội Khai ấn đền Trần trước đây. Đây là một lễ nghi quan trọng, truyền thống được thực hiện từ xa xưa tại đền Trần nhằm tri ân nguồn cội sông nước chài lưới của nhà Trần, cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt.
Siêu hương được đặt vào kiệu Ngọc Lộ và rước về đền Trần. |
Theo đó, vào ngày 12 tháng Giêng, trong nghi lễ “rước Nước, tế Cá” diễn ra các nghi thức dâng sớ, thỉnh chân nhang đức Thánh Trần tại Đền Cố Trạch; sau đó tổ chức rước kiệu ra giếng Rồng, tiến hành nghi thức lấy Nước.
Đoàn rước hàng trăm người gồm: kiệu rước Nước, kiệu rước Cá, đội đánh bắt cá với các vật dụng vó, giậm, nơm… sau khi lấy được nước, tổ chức đánh bắt hai loại cá “Triều đẩu” (cá quả) và “Long ngư” (cá chép) tại ao thả cá cạnh giếng Rồng. Cá được đựng trong những chiếc thúng sơn đỏ để chuyển lên kiệu Rồng rước trở về Đền Thiên Trường, thực hiện nghi lễ dâng Nước và tế Cá. Tế lễ xong, cá được đưa đi phóng sinh ở sông Hồng, tại khu vực phà Hữu Bị, xã Mỹ Trung (Mỹ Lộc).
Đảm bảo Lễ khai ấn an toàn, văn minh
Đoàn rước trở về đền Trần. |
Lễ Khai ấn đền Trần Xuân Giáp Thìn 2024 tổ chức đêm 14, rạng sáng 15 tháng Giêng - vào dịp cuối tuần nên dự báo lưu lượng du khách về tham dự sẽ cao.
Để Lễ hội Khai ấn đền Trần năm nay đảm bảo an toàn, lành mạnh, tiết kiệm, vui tươi theo kế hoạch đề ra, công an phường Lộc Vượng (Nam Định) phối hợp với các đơn vị nghiệp vụ huy động hơn 2.500 cán bộ, chiến sĩ, dân quân tự vệ, bảo vệ tổ dân phố, quản lý trật tự đô thị, thanh tra giao thông đảm bảo công tác an ninh trong đêm Khai ấn, an toàn cho người dân và du khách trong thời gian diễn ra lễ hội.
Các lực lượng sẽ tập trung ngăn chặn, xử lý nghiêm các hành vi, hiện tượng phản cảm, không đảm bảo nếp sống văn minh lễ hội như đổi tiền lẻ, thu phí dịch vụ trông giữ phương tiện không đúng quy định; tăng cường kiểm soát khu vực nội tự, yêu cầu người dân sau khi vào đền lễ thì rời khỏi khu vực nội tự đền Trần trong đêm Khai ấn để đảm bảo việc tổ chức nghi lễ Khai ấn trang nghiêm, an toàn.
Các cụ cao niên phường Lộc Vượng rước siêu hương vào đền Thiên Trường. |
Mặt khác, không gian tổ chức Lễ hội Khai ấn đền Trần năm nay được mở rộng. Chính quyền thành phố đã có phương án di chuyển toàn bộ các ki-ốt trưng bày, triển lãm, dịch vụ sang sân Quảng trường Đông A khu trung tâm lễ hội Trần, làm thông thoáng khu vực khuôn viên đền Trần.
Nét mới của Lễ hội Khai ấn đền Trần năm nay, tại khu vực sân quảng trường Đông A, Ban tổ chức lễ hội dự kiến sẽ tổ chức nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao sôi nổi, hấp dẫn phục vụ du khách về dự lễ như: Chương trình “Mùa Xuân thượng võ”, triển lãm “Hành cung Thiên trường - Dấu ấn vàng son”, triển lãm “Ảnh đẹp du lịch Nam Định”...
Ngày 20/2 (tức ngày 11 tháng Giêng) tổ chức Lễ rước kiệu Ngọc Lộ. Ngày 21/2 (tức ngày 12 tháng Giêng) tổ chức Lễ "rước Nước, tế Cá". Ngày 23/2 (tức ngày 14 tháng Giêng): trong khoảng từ 22 giờ 15 phút đến 22 giờ 40 phút thực hiện nghi lễ dâng hương; trong khoảng từ 22 giờ 40 phút đến 23 giờ 10 phút tổ chức nghi lễ rước Kiệu ấn; trong khoảng từ 23 giờ 15 phút thực hiện nghi lễ Khai ấn. Ngày 24/2 (tức ngày 15 tháng Giêng): từ 2 giờ 00 phút thực hiện nghi lễ hồi Kiệu ấn; từ 5 giờ 00 tổ chức phát ấn cho người dân và du khách ở 4 địa điểm gồm nhà Giải Vũ tại Cung Thiên Trường, Đền Cố Trạch và nhà trưng bày tại Cung Trùng Hoa. Ngày 25/2 (tức ngày 16 tháng Giêng) tổ chức tế, lễ Tết Thượng nguyên tại Đền Cố Trạch và làm lễ dâng Chúc văn hoàn cung. |