Cách cầu tài lộc tại Đền Bà Chúa Kho Khai hội chùa Hương năm 2025: “Điểm đến du lịch, văn hóa, truyền thống Việt” Ngôi chùa nổi tiếng với câu truyền miệng “Khi đi lẻ bóng, khi về có đôi” |
Lễ Khai ấn đền Trần được tổ chức vào đầu mỗi năm, nhằm tôn vinh truyền thống dựng nước, giữ nước của dân tộc, đồng thời thể hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”. Lễ hội cũng góp phần bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa, đồng thời thúc đẩy việc quảng bá tiềm năng và thế mạnh phát triển du lịch văn hóa tâm linh của tỉnh Nam Định.
Lễ Khai ấn đền Trần được tổ chức vào đầu mỗi năm. |
Địa điểm
Lễ Khai ấn tổ chức đêm 14 rạng sáng 15 tháng Giêng hàng năm tại đền Trần, phường Lộc Vượng (thành phố Nam Định).
Nguồn gốc lịch sử
Phủ Thiên Trường xưa (nay thuộc tỉnh Nam Định) là nơi khởi nguồn của Vương triều nhà Trần và được xem là kinh đô thứ hai của Đại Việt sau Thăng Long.
Năm 1258, khi quân Nguyên Mông xâm lược nước ta lần thứ nhất, vua Trần Thái Tông ra lệnh thực hiện chính sách “vườn không nhà trống” tại kinh thành Thăng Long và rút về phủ Thiên Trường, nơi ông huy động toàn dân để chuẩn bị đối phó với kẻ thù.
Sau khi đánh bại quân Nguyên Mông, vào ngày 14 tháng Giêng, tại phủ Thiên Trường, vua Trần Thái Tông tổ chức tiệc chiêu đãi, thưởng công và phong tước cho các quan, quân có công trong chiến đấu.
Kể từ đó, vào ngày này, các vua Trần duy trì nghi thức “Khai ấn” để tế lễ trời đất, tổ tiên, phong tước cho những người có công, đồng thời đánh dấu sự khởi đầu của một năm làm việc mới trong bộ máy chính quyền nhà Trần.
Sau này, tại nền phủ Thiên Trường, nhân dân Nam Định đã xây dựng Khu di tích đền Trần, bao gồm ba công trình chính: đền Thiên Trường (hay đền Thượng) thờ 14 vị vua Trần, đền Cố Trạch (hay đền Hạ) thờ Trần Hưng Đạo và đền Trùng Hoa thờ các vua Trần cùng các quan văn, võ. Nghi thức Khai ấn được duy trì để tưởng nhớ công đức các vua Trần, giáo dục con cháu truyền thống yêu nước, bảo vệ đất nước trước kẻ thù xâm lược.
Lễ hội tâm linh này hiện nay đã trở thành một phần không thể thiếu trong văn hóa truyền thống của người Việt, đặc biệt vào dịp xuân về, khi nhiều lễ hội đình chùa đón khách thập phương. Đền Trần TP. Nam Định, mảnh đất "Địa linh nhân kiệt", với nhiều di tích lịch sử và lễ hội gắn liền với truyền thống văn hóa, luôn là điểm đến không thể thiếu trong những chuyến hành hương.
Ý nghĩa lễ hội
Lễ hội Khai ấn đền Trần Nam Định, được tổ chức vào dịp đầu xuân hàng năm, nhằm bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa, giáo dục truyền thống yêu nước chống giặc ngoại xâm, cũng như tưởng nhớ công đức của các bậc tiền nhân. Lễ hội ghi nhớ công lao to lớn của Vương triều nhà Trần trong việc dựng nước, khai sông, lấn biển, mở mang bờ cõi, với hào khí Đông A sáng ngời và ba lần đánh thắng giặc Nguyên - Mông.
Nghi lễ Khai ấn đền Trần mang ý nghĩa nhân văn, cầu mong cho đất nước thái bình, thịnh vượng. |
Nghi lễ Khai ấn đền Trần mang ý nghĩa nhân văn, cầu mong cho đất nước thái bình, thịnh vượng. Ấn của nhà Trần khắc hai câu chữ: "Trần triều điển cố" và "Tích phúc vô cương". Câu “Tích phúc vô cương” thể hiện ý nghĩa sâu sắc rằng con cháu phải gìn giữ phẩm hạnh, tích phúc, vì phúc đức càng dày, càng mang lại lộc lâu bền.
Ngày nay, Lễ Khai ấn đền Trần còn mang một ý nghĩa giáo dục sâu sắc về truyền thống "uống nước nhớ nguồn" của dân tộc. Lễ hội cũng là dịp để người dân bày tỏ lòng thành kính và tri ân đối với Vương triều Trần, đồng thời khơi dậy niềm tự hào về hào khí Đông A, chiến thắng ba lần của quân dân Đại Việt trước quân Nguyên - Mông.
Ngoài ra, nghi thức Khai ấn còn mang ý nghĩa cầu mong một năm mới bình an, hạnh phúc và thịnh vượng. Với những giá trị to lớn đó, lễ Khai ấn đền Trần đã trở thành một tập quán văn hóa tín ngưỡng đặc sắc, thu hút đông đảo người dân địa phương và Phật tử từ khắp nơi tham gia.
Nội dung, chương trình tổ chức Lễ hội Khai ấn đền Trần Xuân ẤT Tỵ 2025
Theo kế hoạch của Ủy ban nhân dân thành phố Nam Định, Lễ hội Khai ấn Đền Trần Xuân Ất Tỵ năm nay được khởi động từ ngày 29/1-27/2 (tức từ mùng 1 đến ngày 30 tháng Giêng); thời gian tổ chức lễ hội từ ngày 8-13/2 (tức từ ngày 11 đến 16 tháng Giêng).Nội dung, chương trình tổ chức lễ hội: Ngày 11 tháng Giêng (8/2) tổ chức Lễ rước kiệu Ngọc Lộ; ngày 12 tháng Giêng (9/2) tổ chức Lễ rước Nước, tế Cá.
Ngày 14 tháng Giêng (11/2), UBND thành phố Nam Định sẽ chủ trì các hoạt động dâng hương tại Đền Thiên Trường.
Trong thời gian diễn ra Lễ Khai ấn (đêm 14 tháng Giêng). |
Trong thời gian diễn ra Lễ Khai ấn (đêm 14 tháng Giêng), Ban tổ chức lễ hội sẽ đóng cửa Đền Thiên Trường thực hiện nghi lễ truyền thống tôn nghiêm.
Từ 22h15 đến 22h40 thực hiện nghi lễ dâng hương; từ 22h40 đến 23h10 tổ chức nghi lễ rước Kiệu Ấn.
Ngày 15 tháng Giêng (12/2), từ 2h sáng thực hiện lễ hồi Kiệu Ấn; từ 5h sáng tổ chức phát tờ ấn cho nhân dân và du khách tại 3 địa điểm: Nhà Giải vũ, Nhà Trưng bày và đền Trùng Hoa.
Ngày 16 tháng Giêng (13/2) thực hiện các nghi thức tế, lễ tiết Thượng nguyên, tế tiên tổ Triều Trần, dâng Chúc văn hoàn cung.
Trong các ngày diễn ra lễ hội, tại các địa điểm trong khuôn viên Khu di tích đền Trần, Quảng trường Đông A, nhiều hoạt động văn hóa, nghệ thuật, trò chơi dân gian, trưng bày, triển lãm sẽ được tổ chức như: múa lân - sư - rồng, thi đấu cờ người, chọi gà, trưng bày sinh vật cảnh, triển lãm ảnh “Thành Nam những mốc son lịch sử”, trưng bày ảnh đẹp du lịch Nam Định…
UBND thành phố Nam Định và Ban tổ chức Lễ hội Khai ấn đền Trần đã thành lập các Tiểu ban và phân công nhiệm vụ cụ thể đảm bảo an ninh trật tự, an toàn giao thông, vệ sinh môi trường, phòng, chống cháy nổ… trước, trong và sau lễ hội.
Trong đó, chú trọng đảm bảo an ninh, an toàn trong thời gian diễn ra Lễ Khai ấn (đêm 14 tháng Giêng) và thời điểm phát tờ ấn cho khách thập phương.