Ông Then hát những lời khẩn cầu mời gọi các thần linh xuống trần, ban phát sức khỏe, chữa bệnh cho bà con bản mường. |
Lễ Kin Pang - một hình thức tâm linh diễn xướng, là nghi lễ thỉnh (cầu) các đấng thần linh về chữa bệnh, xin con nuôi, ban phát tài lộc, sức khỏe cho bà con bản mường... Đồng thời qua lễ, bà con mong cầu một năm mùa màng bội thu, vạn vật tốt tươi...
Lễ hội Kin Pang gồm 2 phần lễ và hội. Phần lễ thực hiện các nghi lễ cúng Then như: Nghi Lễ “Thỉnh đoàn quân mo”, “Thỉnh thần linh bản mường”, “Điểm mâm”, “Dâng rượu cần”, “Điểm con nuôi”, “Hạ sặng pang”, nhằm cầu mong thần Then phù hộ cho dân bản khỏe mạnh, mùa màng tốt tươi, bản làng no ấm.
Phần hội gồm nội dung: Điệu múa “tăng pẳng” và các trò diễn: “Thuồng luồng uống nước”, “Voi uống nước”, “Người Xá hút thuốc”, “Chữa bệnh mắt mù”, “Chữa bệnh điếc tai”, “Trâu cày ruộng”, múa “Sinh thực khí”...
Trong Lễ hội Kin Pang, các điệu múa, trò diễn tạo nên tính hấp dẫn, vui nhộn như điệu múa "Tăng bẳng". |
Mở đầu lễ Kin Pang là điệu múa “tăng pẳng”, các con nuôi mỗi người một ống tre đứng thành hai hàng, mặt đối mặt, cùng nhau nện ống tre xuống đất hoạc sàn gỗ, tạo thanh vang vọng giữa đại ngàn. Âm thanh ấy được người Thái coi là tiếng sấm, gọi mưa về tưới mát nhân gian, cho cây cối tốt tươi, nhà nhà no đủ.
Sau phần lễ, đồng bào dân tộc Thái đen đã cùng nhau vui chơi bên không gian hội với điệu múa “tăng pẳng”, trò diễn “ma cang cói”, “Thuồng luồng uống nước”, “Voi uống nước”, “Người Xá hút thuốc”, “Ma cà rồng ăn ếch”...
Nghệ nhân Tòng Văn Chức, ở xã Tà Hừa, huyện Than Uyên, tỉnh Lai Châu chia sẻ: "Lễ hội Kin Pang là phong tục tập quán từ lâu đời. Hàng năm các thầy cúng, thầy mo phải làm lễ cúng. Lễ cúng rất đơn giản, bà con chuẩn bị con gà, con lợn với lại Co tao của người Thái và gạo, xôi trắng, xôi đỏ mang đi cúng. Cúng cho bản làng, người thân được an lành, hạnh phúc, có nhiều sức khỏe và làm ăn phát đạt".
Lễ hội Kin Pang không chỉ mang giá trị về mặt tâm linh, tín ngưỡng mà còn ẩn chứa nhiều giá trị nghệ thuật đặc sắc của dân tộc Thái đen như: nghệ thuật diễn xướng, ngôn từ, trang trí, sân khấu dân gian, văn hóa nghệ thuật cổ truyền. Riêng văn hóa nghệ thuật cổ truyền có các điệu múa, trò diễn phồn thực, trò chơi dân gian truyền thống…
Buộc chỉ cổ tay mang lại điều may mắn, hạnh phúc trong một năm. |
Ông Lò Văn Hương - Chủ tịch UBND huyện Than Uyên (Lai Châu) cho biết: Việc phục dựng Lễ hội Kin Pang nhằm bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa tốt đẹp của người Thái đen, giúp đồng bào lưu giữ các nghi thức thiêng liêng trong các nghi lễ cúng Then; thông qua đó giúp bà con giữ gìn, bảo tồn các điệu múa, trò chơi dân gian. Đây là việc làm cụ thể thực hiện Nghị quyết của Ban Chấp hành Đảng bộ huyện về “Phát huy bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp các dân tộc gắn với du lịch cộng đồng giai đoạn 2020 - 2025”.
Ông Hương chia sẻ: "Việc bảo tồn bản sắc văn hóa là một trong những nội dung quan trọng đã được Đại hội Đảng bộ huyện ban hành thành nghị quyết và UBND huyện chúng tôi đã triển khai rất nhiều nội dung và nhiều nhiệm vụ. Một trong những nhiệm vụ trọng tâm là chúng tôi xác định sẽ triển khai các hoạt động bảo tồn văn hóa ở các thôn, bản, trong đó lấy người dân làm nòng cốt.
Trong năm 2022 là chúng tôi sẽ thành lập câu lạc bộ bảo tồn văn hóa dân gian dân tộc Mông và dân tộc Thái. Thành phần tham gia những câu lạc bộ này nòng cốt là những người có uy tín, những người hiểu biết văn hóa ở các thôn, bản".
Lễ hội Kin Pang phản ánh quan niệm tín ngưỡng, tư duy sáng tạo của người Thái đen. Ảnh: Khắc Kiên |
Để làm tốt và khai thác hiệu quả Lễ hội Kin Pang của dân tộc Thái Đen và các di sản văn hóa khác của các dân tộc, huyện Than Uyên sẽ tăng cường tuyên truyền để nâng cao nhận thức của người dân trong việc bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa của các dân tộc.
Huyện cũng sẽ ưu tiên bảo tồn văn hóa gắn với phát triển du lịch; đổi mới nâng cao chất lượng tổ chức các sự kiện văn hóa, du lịch; phát huy bản sắc văn hóa tốt đẹp, bài trừ hủ tục lạc hậu ở các điểm du lịch cộng đồng. Trong đó, huyện sẽ tổ chức tốt các hoạt động, giới thiệu, quảng bá các giá trị văn hóa, tiềm năng, thế mạnh của địa phương, sản phẩm du lịch văn hóa.