Trong khi đó, tiêu dùng xã hội đóng vai trò là một trong những trụ cột quan trọng trong sự phát triển kinh tế - xã hội của mọi quốc gia. Sản xuất ra nhiều sản phẩm nhưng sức tiêu thụ yếu quả là một bài toán nan giải.
Phát triển kênh bán lẻ là việc làm cần thiết
Hiện nay, kênh siêu thị, Trung tâm thương mại chỉ chiếm 25% thị phần bán lẻ; thị trường nông thôn còn trống vắng, kênh truyền thống bao gồm chợ, cửa hàng lẻ tuy chiếm đến 75% thị phần bán lẻ nội địa song doanh số một số năm gần đây bị suy giảm từ 20-30%. Hạ tầng của kênh thương mại truyền thống chưa được quan tâm đúng mức, trong lúc lại phải cạnh tranh một cách quyết liệt với kênh thương mại hiện đại của các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài.
Sản xuất và phân phối nhất thiết phải thiết lập được các chuỗi hoạt động một cách hiệu quả.
Chính vì thế, việc phát triển thị trường nội địa sẽ là vô cùng cần thiết và cần thấy đó như một thuận lợi, bởi nguồn cung dồi dào phong phú, cung cấp tại chỗ cho thị trường bán lẻ. Chủ trương “Lấy cung là chủ đạo” của Chính phủ sẽ hiệu quả hơn khi “cung” được gắn kết với “cầu” để sức mua xã hội ngày càng được tăng lên.
Theo chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú, đi đôi với việc đẩy mạnh sức mua xã hội, việc phát triển sản xuất hàng hóa, nhất là nhóm hàng nông sản thực phẩm có chất lượng, có giá cả cạnh tranh, mẫu mã hàng hóa phải đa dạng phong phú, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng cần phải được coi trọng. Muốn vậy, sản xuất và phân phối nhất thiết phải thiết lập được các chuỗi hoạt động một cách hiệu quả, lợi nhuận của từng khâu trong chuỗi phải được xác định hợp lí nhằm kích thích chuỗi phát triển ngày càng bền vững. Đây là quy luật khách quan của việc sản xuất kinh doanh mang tính bền vững, đó là làm ăn có đạo đức, biết chia sẻ trong thời đại mà nền kinh tế Việt Nam đã hội nhập sâu với nền kinh tế khu vực và thế giới.
“Hàng hóa sản xuất ra nhìn chung phải đi thẳng từ sản xuất đến bán lẻ, vừa giảm khâu trung gian, giảm chi phí, hạ giá thành và nâng cao năng lực cạnh tranh của hàng hóa Việt ở thị trường nội địa. Những hành vi trục lợi nhằm thu lợi nhuận ở khâu trung gian và khâu bán lẻ hưởng một cách quá mức là không thể chấp nhận được”, ông Phú cho biết.
Cần xây dựng tốt hệ thống phân phối quốc gia
Cũng theo ông Phú, muốn phục vụ việc kích cầu thị trường nội địa cần phải xây dựng quy hoạch phát triển sản xuất và hệ thống phân phối quốc gia. Quy hoạch này bao gồm các vùng sản xuất tập trung theo thế mạnh, đi đôi với các trung tâm dự trữ hàng hóa, nhà máy chế biến, hạ tầng giao thông, các dịch vụ logistics.
“Cần sớm thiết lập hệ thống các chợ đầu mối nhằm đảm bảo cho hàng hóa sản xuất ra được giao dịch một cách công khai, minh bạch trên thị trường, đảm bảo chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm. Những thủ tục khi thành lập các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh, các chuỗi bán lẻ cần phải thông thoáng, tốn ít chi phí và thời gian, cần tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tiếp cận đất đai, vốn phục vụ cho sản xuất kinh doanh”, ông Phú nêu giải pháp.
Ngoài ra, ông Phú cũng cho rằng, Nhà nước cần làm tốt công tác kiểm soát thị trường, tạo môi trường kinh doanh bình đẳng, cạnh tranh lành mạnh giữa các thành phần kinh tế. Kiểm soát chống buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất và kinh doanh hàng giả, khuyến khích các đơn vị làm ăn nghiêm túc đồng thời xử lí nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm.
Khi có sự hỗ trợ về mọi mặt của nhà nước và các Bộ, ngành, các địa phương, các doanh nghiệp bao gồm cả bán hàng trực tiếp và bán hàng online đều phải làm tốt các công tác xây dựng thương hiệu của hàng hóa, thương hiệu bán lẻ, tạo niềm tin cho người tiêu dùng. Việc liên kết hợp tác sản xuất kinh doanh giữa các doanh nghiệp sẽ là cơ hội tốt để hình thành các tập đoàn sản xuất kinh doanh lớn, đủ sức dẫn dắt thị trường và nâng cao năng lực cạnh tranh với các doanh nghiệp nước ngoài ngay ở thị trường nội địa.
Gia An