Khuyến nghị tăng thuế suất đối với mặt hàng thuốc lá |
Dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) dự kiến được trình Quốc hội cho ý kiến lần đầu tại Kỳ họp thứ 8, trong đó, cơ quan soạn thảo đề nghị tăng thuế suất với mặt hàng thuốc lá để góp phần điều tiết tiêu dùng và thực hiện cam kết quốc tế. Cụ thể, đối với mặt hàng thuốc lá sẽ giữ nguyên thuế suất 75% và bổ sung mức thuế tuyệt đối theo lộ trình từng năm trong giai đoạn từ 2026 - 2030 với 2 phương án. Phương án 1: bổ sung 2.000 đồng/bao thuốc ở năm đầu tiên và tăng tịnh tiến 2.000đồng/bao trong các năm kế tiếp để đạt mức 10.000 đồng vào năm 2030. Phương án 2: Áp dụng mức tăng 5.000 đồng/bao ngay từ năm 2026 và tăng tịnh tiến 1.000 đồng/bao trong 3 năm kế tiếp và 2.000 đồng/bao năm 2030 để đạt mức 10.000 đồng/bao năm 2030.
Chia sẻ tại Tọa đàm “Phương án thuế tiêu thụ đặc biệt hướng tới mục tiêu Chiến lược quốc gia về phòng chống tác hại của thuốc lá đến năm 2030” do Truyền hình Quốc hội vừa tổ chức, các chuyên gia, nhà khoa học đã phân tích, khuyến nghị một số chính sách để giảm thiểu tác hại thuốc lá trong giai đoạn tới.
Bà Hoàng Thị Thu Hương, Vụ Pháp chế, Bộ Y tế cho biết, Việt Nam lần đầu tiên áp dụng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với thuốc lá là vào năm 1999 với mức thuế 45%. Trong giai đoạn 2006-2007 tăng lên là 55%. Từ năm 2008 đến 2019, Việt Nam đã thực hiện 3 lần tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với thuốc lá: Năm 2008, tăng mức thuế suất từ 55% lên 65%; năm 2016, tăng từ 65% lên 70%; và năm 2019, tăng từ 70% lên 75%.
Các mức tăng thuế thuốc lá giai đoạn 2006-2008 và 2016-2019 là rất thấp. Bên cạnh đó khoảng cách thời gian giữa các lần tăng thuế khá dài nên không tạo ra tác động đủ để giảm sức mua và giảm tiêu dùng, do thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam vẫn tăng đều đặn hàng năm nên giá thuốc lá ngày càng rẻ và dễ tiếp cận, bà Hoàng Thị Thu Hương nêu quan điểm.
Bà Hoàng Thị Thu Hương, Vụ Pháp chế, Bộ Y tế |
Chia sẻ về thực trạng sử dụng thuốc lá ở Việt Nam, Thạc sỹ Lê Thị Thu, chuyên gia Tổ chức Chiến dịch vì trẻ em không thuốc lá tại Việt Nam cho biết, Việt Nam nằm trong 10 nước có số người sử dụng thuốc lá cao nhất thế giới. Trong đó, tỷ lệ sử dụng thuốc lá ở người trên 15 tuổi tại Việt Nam cao thứ tư trong khu vực ASEAN; tỷ lệ sử dụng thuốc lá điện tử ở người từ 15 tuổi trở lên gia tăng ở Việt Nam. Trẻ em không có khả năng bảo vệ mình khỏi phơi nhiễm với khói thuốc thụ động đặc biệt là ở trẻ nhỏ nên cần những giải pháp chính sách để bảo vệ.
Thạc sỹ Lê Thị Thu, cho rằng, thuế thuốc lá là giải pháp quan trọng trong giảm tiêu dùng thuốc lá, 2 phương án trong dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) dù được đánh giá là bước đi đúng hướng, tuy nhiên, để đạt được mục tiêu giảm tỷ lệ hút thuốc của Chiến lược quốc gia về phòng, chống tác hại của thuốc lá đến năm 2030 cần phải có thêm những giải pháp mạnh mẽ hơn nữa.
Thuế thuốc lá là biện pháp hiệu quả nhất trong gói chính sách MPOWER của Tổ chức Y tế thế giới. Theo đó, nếu giá thuốc lá tăng 10%, sẽ giảm tiêu thụ: 4% ở các nước thu nhập cao; 5% ở các nước thu nhập thấp hoặc trung bình; Khoảng một nửa hiệu quả là giảm lượng thuốc hút và một nửa là bỏ hoặc không bắt đầu hút thuốc. Thanh niên và người nghèo là đối tượng đáp ứng tốt nhất đối với thay đổi về giá. Vì vậy, chú trọng giải pháp tăng thuế thuốc lá – giải pháp hiệu quả nhất trong các nhóm giải pháp theo hướng áp thuế hỗn hợp, mức thuế tăng để đạt khuyến cáo 75% giá bán lẻ, và tăng thường xuyên để theo kịp với mức tăng lạm phát và tăng thu nhập.
Bà Hoàng Thị Thu Hương, Vụ Pháp chế, Bộ Y tế |
Theo thống kê của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại Việt Nam, trên thế giới khoảng 60 quốc gia, với tổng dân số hơn 1,6 tỷ người, hiện đang áp thuế từ 70% trở lên trong giá bán lẻ, phù hợp hoặc rất gần với thông lệ tốt nhất được WHO khuyến nghị là thuế chiếm ít nhất 75% giá bán lẻ.
Những quốc gia này đã làm cho giá thuốc lá ngày càng đắt đỏ, khó mua hơn – qua đó đã dẫn đến những cải thiện lớn về giảm tỷ lệ hút thuốc trong một thời gian tương đối ngắn. Tuy nhiên, tăng thuế và giá thuốc lá chính là biện pháp nhanh và hiệu quả nhất để giảm tỷ lệ hút thuốc. Đây cũng là biện pháp được đề xuất trong Công ước khung của WHO về kiểm soát thuốc lá, một hiệp ước quốc tế về kiểm soát thuốc lá mà Việt Nam đã phê chuẩn năm 2004.
Tại Philippines, trong giai đoạn 2012 - 2022 việc tăng thuế thuốc lá đã giúp giảm 30% tỷ lệ hút thuốc; đồng thời thu thuế thuốc lá của Chính phủ nước này đã tăng đáng kể, đóng góp vào ngân sách nhà nước.
Bà Angela Pratt, Trưởng đại diện Tổ chức Y tế thế giới tại Việt Nam |
Bà Angela Pratt, Trưởng đại diện Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại Việt Nam đánh giá cao cơ quan soạn thảo dự án Luật thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) đã có các phương án tăng thuế đối với mặt hàng thuốc lá. Đây là bước đi đúng hướng, nhưng cần tăng thuế cao hơn nữa để đạt được các mục tiêu giảm hút thuốc của quốc gia và bảo vệ sự phát triển kinh tế của đất nước trong dài hạn.
Bà Angela Pratt khuyến nghị việc áp thuế tuyệt đối với lộ trình để đạt 15.000 đồng mỗi gói vào năm 2030, cộng với mức thuế theo tỷ lệ hiện hành, sẽ giảm tỷ lệ hút thuốc của nam giới xuống còn 35,8% (vào năm 2030). Điều này cũng sẽ làm tăng đáng kể nguồn thu thuế hàng năm, và mang lại thêm 29,3 nghìn tỷ đồng cho ngân sách mỗi năm vào năm 2030, so với năm 2020. Giảm tỷ lệ hút thuốc xuống mức này sẽ làm giảm chi phí kinh tế đáng kể do tỷ lệ sử dụng thuốc lá gây ra. Hiện tại ước tính mỗi năm, thuốc lá gây ra tổn thất lên tới - khoảng 108 nghìn tỷ đồng hoặc 1,14% GDP hàng năm.
“Điều đáng chú ý là những người trẻ tuổi nhạy cảm nhất với việc tăng giá. Tăng thuế thuốc lá có thể ngăn họ bắt đầu hút thuốc, và việc này giống như tiêm vắc-xin để bảo vệ họ suốt đời- bởi vì mọi người ít có khả năng bắt đầu sử dụng thuốc lá khi họ đã trưởng thành”, bà Angela Pratt nhấn mạnh.
Mỗi năm tiêu tốn 108 nghìn tỷ cho chi phí khám chữa bệnh liên quan đến thuốc lá |
WHO đề xuất liệu pháp cai thuốc lá hiệu quả |
Nguy cơ từ thuốc lá điện tử đối với thanh thiếu niên |