![]() |
HongKong đã phải đối phó với sự bùng phát khó hiểu của các ca bệnh Whitmore từ tháng 8/2022, với những ca bệnh đầu tiên tại quận Sham Shui Po. Đây là một bệnh truyền nhiễm do vi khuẩn Burkholderia pseudomallei gây ra. Vi khuẩn này có nhiều trong đất, đặc biệt là đất sét ẩm và nước bùn.
Ngày 7/11, Hồng Kông báo cáo về trường hợp tử vong thứ 9 liên quan đến bệnh Whitmore, từ một người đàn ông 89 tuổi mắc nhiều bệnh mãn tính bao gồm tiểu đường và huyết áp cao.
Bệnh nhân nam đã qua đời ngày 6/11, theo một tuyên bố chính thức từ phía chính quyền. Ngoài bệnh tiểu đường và cao huyết áp, ông còn bị thiếu máu cơ tim, bệnh thận và ung thư đại trực tràng. Ông bị khó thở vào ngày 8 tháng 10 và đến Khoa Tai nạn và Cấp cứu của Trung tâm Y tế Caritas, HongKong. Ông đã nhập viện cùng ngày và được chẩn đoán mắc hội chứng mạch vành cấp, suy tim và viêm khớp sinh mủ.
Tính đến ngày 7/11, 34 trường hợp nhiễm Whitmore ở người đã được ghi nhận ở Hồng Kông trong năm nay, với 23 trường hợp được tìm thấy ở quận Sham Shui Po.
Trong số 34 người nhiễm nói trên, 23 người đã được xuất viện. Hai bệnh nhân vẫn đang được điều trị và 9 bệnh nhân - gồm 6 nam và 3 nữ từ 54 đến 93 tuổi - đã qua đời. Các bệnh nhân đã qua đời được ghi nhận sống ở Sham Shui Po, bao gồm cả người đàn ông 89 tuổi nói trên.
Thành phố này cũng đã ghi nhận 17 trường hợp nhiễm bệnh vào năm ngoái. Theo thống kê chính thức, trung bình có 10 trường hợp nhiễm Whitmore được phát hiện mỗi năm trong vòng 5 năm qua tại HongKong.
![]() |
Khuẩn gây bệnh Whitmore sống trên bề mặt nước và trong đất, đặc biệt là bùn đất. Khuẩn lây sang người qua vết trầy xước trên da, hoặc qua đường hô hấp khi hít phải các hạt bụi đất, hoặc giọt nước li ti trong không khí có chứa vi khuẩn, nhất là vào mùa mưa (từ tháng 7 đến tháng 11). Vi khuẩn này có thể làm hoại tử và chết các mô, gây viêm loét hay áp-xe trên da, viêm phổi, nhiễm trùng máu…
Hiện ở Việt Nam ghi nhận 3 ca nhiễm Whitmore, 2 ca 10 và 15 tuổi tại Thanh Hóa, và 1 ca nữ 40 tuổi tại Đắk Lắk. Ca bệnh 15 tuổi ở Thanh Hóa đã tử vong vào ngày 11/11 vừa qua.
Trước tình hình trên, Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) đã có Công văn khẩn gửi Sở Y tế tỉnh Thanh Hóa và Sở Y tế tỉnh Đắk Lắk đề nghị tăng cường giám sát chặt chẽ tình hình bệnh Whitmore (bệnh Melioidosis) để phát hiện sớm các trường hợp mắc và xử lý điều trị.