Trải qua nhiều gian nan, cuối cùng chị Cảnh đã khởi nghiệp thành công |
Trở về quê hương Hà Tĩnh sau biến cố, mẹ đơn thân này đã trải qua hành trình khởi nghiệp gian nan, cuối cùng nhận được “trái ngọt” từ mô hình chế biến và sản xuất xúc xích sinh học.
Với ý chí sắt đá quyết tâm không ngừng nghỉ trong hành trình kéo dài suốt 8 năm và trải qua ba mô hình khởi nghiệp, đến nay, chị Trần Thị Quang Cảnh (34 tuổi), ngụ tại thị trấn Phố Châu, H.Hương Sơn (tỉnh Hà Tĩnh) cảm thấy hài lòng trước thành quả hiện tại.
Biến cố ập đến
Tốt nghiệp hai bằng đại học tại Trường ĐH Kinh tế - Luật TP.HCM và Trường ĐH Kinh tế TP.HCM. Sau khi ra trường, chị Quang Cảnh có công việc khá ổn định trong lĩnh vực chứng khoán, tiếp theo đó là một ngân hàng tại Hà Nội. Nhưng biến cố ập đến, khiến cho chị Cảnh không thể ở lại thành phố được nữa.
“Tôi quyết định trở thành mẹ đơn thân và trở về Hà Tĩnh với hai bàn tay trắng vào năm 2014, phải mất hơn một năm tôi mới thoát khỏi những áp lực gia đình, xã hội và giai đoạn tài chính khó khăn trước mắt”, chị Cảnh kể lại.
Thời gian đầu, chị Cảnh mở một cửa hàng đan móc len thủ công tại thị trấn với thu nhập tầm 4,5 triệu đồng/tháng. "Lúc đó, hầu như không có vốn để khởi nghiệp và ở quê muốn xin làm các công việc như trước đây thì lại quá bất cập nên tôi đành chọn công việc “lấy công làm lãi” này để trang trải cuộc sống trước mắt. Nhưng sau một năm thì chủ đòi lại căn nhà thuê nên tôi đành dừng việc và chuyển đi", chi Cảnh kể.
Rồi chị kể tiếp: “Năm 2016, tôi chuyển sang kinh doanh đồ gia dụng thông minh, thu nhập cũng phát triển hơn trước nhưng làm được 2 năm thì thị trường đã bắt đầu bão hòa nên tôi chuyển việc tiếp. Tôi lấy số vốn tích góp được gần 50 triệu đồng mở một cửa hàng bán đồ ăn vặt”.
Trong quá trình kinh doanh, chị Cảnh nhận ra món xúc xích được nhiều người ưa thích nhưng thời điểm đó lại ít nơi có và chưa có ai tự làm sản phẩm này bán ra thị trường nên chị quyết định học và mày mò khởi nghiệp với loại thực phẩm này từ thịt heo sinh học. Nhưng bắt đầu làm một sản phẩm mới đâu dễ dàng, không máy móc hay thiết bị hiện đại mà chủ yếu làm thủ công và kinh nghiệm còn ít khiến cho chị Cảnh gặp thất bại liên tục.
“Thời điểm tôi tập làm, giá thịt heo đang trong giai đoạn tăng cao mà mỗi mẻ làm xúc xích ít nhất phải hơn 10 kg thịt. Ngày nào tôi cũng làm hỏng khiến tôi rất nản vì kinh phí mình bỏ ra cũng đã tiêu tốn gần 100 triệu đồng rồi nhưng sản phẩm làm ra cứ thất bại hoài như thế”, chị Cảnh nhớ lại.
Nhưng với bản tính không làm được thì sẽ rất khó chịu nên chị Cảnh quyết vẫn kiên trì mày mò, rút kinh nghiệm từ những lần thất bại và đi học thêm kiến thức tại các trung tâm dạy nghề. Suốt hơn một năm cố gắng, cuối cùng chị đã thành công có được công thức riêng cho sản phẩm xúc xích sinh học và tự thành lập công ty do mình làm chủ.
Hiện nay, chị Cảnh đã làm chủ một doanh nghiệp của riêng mình |
Canh bạc cuộc đời
Theo chị Cảnh, mọi định hướng nghề nghiệp đều do một tay mình làm, không kể hay chia sẻ hành trình cho bất kỳ ai, kể cả gia đình vì muốn mình “tự làm, tự chịu”. "Cho nên, quyết định khởi nghiệp với xúc xích sinh học của tôi là một canh bạc đầy rủi ro và động lực duy nhất chính là quyết tâm của bản thân", chị Cảnh nói.
Để tìm nguồn nguyên liệu chất lượng cho sản phẩm, chị Cảnh tự mình tìm đến các trang trại nuôi heo sinh học đạt tiêu chuẩn VietGAP, phải tìm hơn 4-5 trang trại khác nhau thì chị mới có được nguồn nguyên liệu ưng ý. Nói về lý do lựa chọn thịt heo sinh học làm xúc xích, chị bày tỏ: “Là một người rất chuộng các sản phẩm sạch nên tôi muốn tạo ra sản phẩm xúc xích khác biệt với các sản phẩm đang có trên thị trường, heo được nuôi theo mô hình sinh học thì thịt sẽ thơm, đảm bảo an toàn và có sự khác biệt về chất lượng hơn”.
Đến nay, các sản phẩm xúc xích sinh học do chị Cảnh chế biến được rất nhiều người ưa chuộng, bên cạnh đó, chị còn phát triển thêm một số sản phẩm khác như giò lụa, dồi sụn, chả cốm, nem chua rán… mỗi tháng doanh thu đạt từ 400 - 700 triệu đồng. Và phân bổ nhiều đại lý không chỉ ở tỉnh Hà Tĩnh mà còn tại các tỉnh Quảng Bình, Nghệ An cũng như TP.Hà Nội.
Anh Đào Quang Dương (33 tuổi), đồng nghiệp của chị Cảnh nhận xét: “Chị Cảnh là người rất tình cảm, nhiệt tình giúp đỡ người khác trong mọi điều kiện có thể. Trong công việc, chị là người phụ nữ bản lĩnh, có chí tiến thủ, làm việc khoa học và có kế hoạch rõ ràng”.
Anh Dương còn cho biết thêm, những ngày đầu về làm việc, lúc đó công ty cũng mới thành lập và nhân sự chưa ổn định. Lần đầu tiên, anh thấy có một người giám đốc mà vào phòng sản xuất để làm việc như một công nhân. “Thời gian đó, chị làm quần quật từ 3-4 giờ sáng đến tận khuya mới nghỉ, lúc đó tôi thấy thực sự cảm phục”, anh Dương bày tỏ.
Là đại lý thân thiết của chị Cảnh, chị Vũ Thị Hồng Cẩm (34 tuổi), ngụ tại thị trấn Đồng Lộc, H.Can Lộc (tỉnh Hà Tĩnh) chia sẻ: “Hơn một năm dùng sản phẩm sạch của chị Cảnh, tôi thấy rất tốt, ăn rất ngon nên càng tin tưởng vào chất lượng nên thường xuyên nhập sản phẩm của chị. Chị Cảnh là người phụ nữ mạnh mẽ, vượt khó đi lên khiến tôi học hỏi từ chị rất nhiều”.
Khi được hỏi về những lời khuyên dành cho người trẻ, chị Cảnh cho hay: “Quan điểm của tôi là trước khi các bạn trẻ nghĩ đến việc khởi nghiệp kiếm tiền thì hãy làm cho mình đáng tiền và sự nghiệp ta ở đâu thì tâm ta ở đấy. Nếu ra trường vẫn chưa có định hướng thì các bạn nên đi học, đi làm bất cứ điều gì mình có thể ít nhất 3 năm để khẳng định giá trị của mình mới có thể đặt giá trị đó vào sự nghiệp của mình và đã làm thì phải toàn tâm toàn ý, kiên trì cho con đường mình đã hoạch định”.