Hà Nam: Đặc sắc màu son gốm Quế Những điểm vui chơi hút khách ngay tại Hà Nội Sản phẩm làng nghề truyền thống Hà Nội vươn xa trong kỷ nguyên mới |
Làng gốm Thanh Hà là địa điểm du lịch hấp dẫn du khách khi đến Hội An |
Đến làng gốm Thanh Hà, du khách như lạc vào một miền quê yên bình, mải mê ngắm nhìn những tác phẩm nghệ thuật được thổi hồn bởi người nghệ nhân tài hoa. Với những điều thú vị kể trên, nơi này đã trở thành điểm đến hấp dẫn cho khách du lịch thập phương.
Đôi nét về làng gốm Thanh Hà
Làng gốm Thanh Hà là làng nghề truyền thống lâu đời ở Hội An |
Làng gốm Thanh Hà là làng nghề truyền thống lâu đời ở Hội An, hình thành từ thế kỷ XVI. Nơi phát xuất của nghề gốm làng Thanh Hà là làng Thanh Chiêm, sau chuyển về phường Thanh Hà, thành phố Hội An như hiện nay. Thời kỳ huy hoàng nhất của làng gốm là vào thế kỷ XVI – XVII, sản phẩm của làng được mệnh danh là “thổ sản quốc gia”, dùng để tiến vua.
Trải qua bao biến động, thăng trầm của lịch sử, nghề truyền thống nơi đây có lúc tưởng như bị lãng quên. Thế nhưng, nhờ vào cái tâm và lòng yêu nghề của những người nghệ nhân mà làng nghề vẫn còn tồn tại cho đến ngày hôm nay, một lần nữa làm sống lại cái đẹp, cái hồn của một làng nghề truyền thống Việt.
Ngày nay, làng gốm Thanh Hà là một trong những điểm đến hấp dẫn trong các chuyến du lịch Hội An. Không chỉ được ngắm nhìn quy trình làm gốm truyền thống, du khách còn có thể tự tay nhào nặn ra các sản phẩm gốm độc đáo cho riêng mình. Bên cạnh đó, khung cảnh làng quê yên bình, mộc mạc cũng là điểm nhấn thú vị trong hành trình khám phá này.
Cách di chuyển đến làng gốm Thanh Hà
Làng gốm nằm dọc theo dòng sông Thu Bồn hiền hòa và cách trung tâm thành phố Hội An tầm 3 km về phía tây. Để đến được tọa độ du lịch nổi tiếng này, bạn cần di chuyển đến Hội An hoặc thành phố Đà Nẵng theo hướng dẫn dưới đây:
Cách di chuyển đến Hội An
Là thành phố du lịch nổi tiếng, Hội An là điểm hẹn của rất nhiều tín đồ thích xê dịch. Muốn đến Hội An, trước hết du khách phải đến Đà Nẵng bằng một trong các loại phương tiện sau đây:
Có nhiều loại phương tiện di chuyển đến làng gốm Thanh Hà |
Xe khách
Thời gian di chuyển bằng xe khách từ Hà Nội hoặc Sài Gòn đến Đà Nẵng là 15 tiếng. Giá vé từ 300.000 đồng cho loại xe giường nằm cao cấp. Một số hãng xe phổ biến bạn có thể mua vé là Phương Trang, Thuận Thảo và Hải Vân.
Máy bay
Bạn có thể đến Đà Nẵng bằng các chuyến bay nội địa được khai thác bởi các hãng bay như Vietnam Airlines, Vietjet Air hay Bamboo Airways.
Bên cạnh việc đặt vé sớm, bạn cũng có thể chọn tính năng Thông báo giá vé để nhận thông tin hàng tuần qua email về các chặng bay phù hợp với yêu cầu nhất.
Xe máy
Sau khi đến Đà Nẵng, bạn có thể thuê xe máy hoặc ô tô tự lái đến Hội An. Từ trung tâm, bạn chạy theo con đường Võ Nguyên Giáp dọc biển Mỹ Khê đến biển Cửa Đại. Ở đây, bạn sẽ thấy một ngã tư, rẽ phải là đến Phố cổ Hội An.
Tàu hoả
Tàu hoả cũng là phương tiện được nhiều du khách lựa chọn để đến Đà Nẵng và Hội An. Đi tàu từ Hà Nội và Sài Gòn đến Đà Nẵng thường mất khoảng 16 – 18 tiếng với giá vé từ 450.000 đồng/ người. Nếu bạn muốn ngắm cảnh sắc thiên nhiên dọc theo đường đi thì đây là tùy chọn hợp lí nhất.
Cách di chuyển đến làng gốm Thanh Hà
Sau khi dừng chân tại Hội An, bạn có thể đi theo tuyến đường Hùng Vương đến đường Duy Tân. Từ Duy Tân, bạn tiếp tục di chuyển thêm khoảng 500m sẽ đến một ngã tư, rẽ trái là đến làng gốm.
Với khoảng cách không quá xa, bạn có thể chọn xe máy, xe đạp hoặc ô tô để đến làng gốm từ trung tâm phố cổ nhé. Giá thuê xe máy từ 120.000 đồng/ chiếc/ ngày và giá thuê xe ô tô 4 chỗ từ 200.000 đồng/chiếc/ngày.
Giờ mở cửa và giá vé cập nhật tham quan làng gốm
Giá vé tham quan làng gốm Thanh Hà |
Làng nghề gốm Thanh Hà mở cửa cho du khách vào tham quan, trải nghiệm từ 8h – 17h30 hàng ngày. Giá vé là 15.000 đồng/trẻ em và 35.000 đồng/người lớn, vé có giá trị trong vòng 24 giờ.
Bạn lưu ý rằng trong giá vé đã bao gồm các dịch vụ như tham quan di tích Đình Xuân Mỹ, di tích tổ nghề gốm Miếu Nam Diêu, xem nghệ nhân chuốt hình gốm, trải nghiệm chuốt gốm, nặn con thổi và một sản phẩm gốm tặng kèm.
Thời điểm lý tưởng nhất để ghé thăm làng gốm Thanh Hà Hội An
Du khách trải nghiệm làm gốm |
Thời tiết ở Hội An được phân hoá thành 2 mùa rõ rệt là mùa khô và mùa mưa. Mùa khô kéo dài từ tháng 2 – tháng 8, tiết trời khô ráo nhưng cũng khá oi bức. Mùa mưa bắt đầu từ tháng 9 và kết thúc vào tháng 1 năm sau, mưa nhiều nên không khí có phần ẩm ướt. Từ tháng 10 – tháng 12 là mùa mưa bão, có thể có lũ lụt.
Du khách muốn đến làng Gốm Thanh Hà Hội An thì nên đi vào khoảng thời gian từ tháng 2 – tháng 4 hàng năm. Lúc này, thời tiết rất đẹp, tiết trời trong xanh, không khí mát mẻ và dễ chịu. Đây là điều kiện rất thuận lợi để bạn khám phá làng gốm và tham gia các hoạt động ngoài trời.
Địa điểm lưu trú gần làng gốm Thanh Hà Hội An
Một góc homestay gần khu vực làng gốm |
Để thuận tiện cho việc tham quan và đi lại, các tín đồ du lịch khi đến làng gốm nên lưu trú tại các khách sạn ở phường Thanh Hà, Hội An. Hình thức lưu trú ở đây cực kỳ đa dạng, bao gồm khách sạn, nhà nghỉ, homestay và các căn villa.
Trước khi chọn nơi lưu trú, bạn hãy tìm hiểu kỹ vị trí khách sạn để tiết kiệm thời gian di chuyển đến làng gốm cũng như các điểm du lịch lân cận khác ở Hội An nhé. Dưới đây là một vài gợi ý khách sạn gần làng gốm Thanh Hà để bạn tham khảo:
Terra Cotta Homestay
Art Loft
Riverside Pottery Village
Meo’ s Homestay
The Son Villa Hoi An
Các hoạt động trải nghiệm thú vị chỉ có tại làng gốm Thanh Hà
Tự tay sáng tạo tác phẩm gốm cho riêng mình |
Điểm khác biệt lớn nhất của làng gốm Thanh Hà so với các làng gốm khác Việt Nam là quy trình sản xuất thủ công 100%. Đến với nơi đây, du khách sẽ có dịp trải nghiệm các hoạt động thú vị sau.
Tìm hiểu kỹ thuật chuốt gốm điêu luyện của các nghệ nhân làng gốm
Nguyên liệu chính để tạo nên các sản phẩm gốm ở làng Thanh Hà là đất sét. Từ khối đất sét thô sơ, nghệ nhân sẽ dùng kỹ thuật và bàn tay tài hoa của mình để biến chúng trở thành những tác phẩm đầy tính nghệ thuật. Du khách đến đây sẽ được chiêm ngưỡng toàn bộ quy trình tạo hình gốm đó.
Mọi công đoạn trong quy trình làm gốm đều được nghệ nhân thực hiện và giải thích tỉ mỉ, từ khâu tạo hình đất sét bằng bàn xoay, vẽ trang trí, hong khô cho đến đưa vào lò nung. Không chỉ khiến du khách trầm trồ bởi các động tác thuần thục, nghệ nhân làng gốm Thanh Hà còn gây ấn tượng bởi sự sáng tạo và khéo léo. Qua một loạt công đoạn, khối đất sét như được thổi hồn, biến thành những sản phẩm nghệ thuật độc đáo và đẹp mắt.
Chiêm ngưỡng không gian cổ kính của làng nghề truyền thống hơn 500 tuổi
Làng nghề gốm Thanh Hà là một trong những làng gốm lâu đời nhất tại Việt Nam. Tuổi đời của làng nghề truyền thống này đã lên đến 500 năm. Theo ghi chép, người dân sinh sống tại đây có gốc gác từ các vùng Nam Định, Hải Dương và Thanh Hoá, di cư đến sinh sống rồi làm nghề từ thế kỷ XV.
Nếu có dịp đến làng gốm Thanh Hà Hội An vào dịp mùng 10 tháng giêng hàng năm, du khách sẽ được tham dự lễ cúng tổ nghề. Đây là dịp để người dân tri ân tổ nghề gốm và cầu cho một năm mới bình an, phát triển. Bên cạnh hoạt động rước kiệu tổ, trong lễ giỗ tổ còn có rất nhiều trò chơi dân gian vui nhộn như nấu cơm niêu, chuốt gỗ…
Tự tay sáng tạo tác phẩm gốm cho riêng mình
Trải nghiệm thú vị nhất tại làng nghề gốm Thanh Hà là du khách sẽ được tự tay tạo ra các tác phẩm gốm của riêng mình. Thông qua sự hướng dẫn của nghệ nhân, bạn có thể tạo hình các món đồ thông dụng hay bất cứ thứ gì mà mình thích. Sau khi hoàn thành, bạn còn được mang sản phẩm của mình về nhà nữa đấy!
Ghé thăm thế giới gốm Việt thu nhỏ - Công viên đất nung Thanh Hà
Công viên đất nung tại làng gốm Thanh Hà có diện tích lên đến 6.000 m2, là công viên gốm lớn nhất Việt Nam hiện nay. Đây là nơi bảo tồn và lưu giữ các sản phẩm gốm của làng Thanh Hà, đồng thời quảng bá gốm Việt đến với bạn bè quốc tế.
Công viên đất nung có 2 khu riêng biệt là tòa nhà úp và toà nhà ngửa. Toà nhà úp là khu vực bảo tồn các hiện vật gốm có từ thời xa xưa. Toà nhà ngửa là khu triển lãm và giới thiệu các tác phẩm gốm mới. Đặc biệt, nơi đây còn có các sản phẩm bằng gốm mô phỏng những công trình kiến trúc nổi tiếng như: Nhà Trắng, Tháp nghiêng Pisa, Kim Tự Tháp, Nhà thờ Đức Bà Paris, Chùa Một Cột…
Thưởng thức ẩm thực địa phương
Cao lầu- đặc sản Hội An |
Trong khu vực làng gốm sẽ không có nhiều hàng quán ẩm thực để bạn lựa chọn. Tuy nhiên, bạn có thể di chuyển đến phố cổ để thưởng thức ẩm thực đậm chất Hội An với giá trung bình 25,000 đồng/món. Dưới đây là gợi ý một số món ăn bạn nhất định phải thử:
Bánh bao - bánh vạc: quán Bông Hồng Trắng
Mì quảng: quán Ông Hai, quán Ông Sinh, quán Hội An Quảng Bích
Cao lầu: quán Không gian Xanh, Cao lầu Thanh, Cao lầu Liên, quán Hội An Dì Hát
Cơm gà Hội An: quán bà Linh
Bánh mì Hội An: bánh mì Phượng hoặc Madam Khánh.
Hà Nam: Đặc sắc màu son gốm Quế |
Dấu ấn Việt trong gốm Phù Lãng |
Những điểm vui chơi hút khách ngay tại Hà Nội |