Ở Hà Nam, có lẽ làng Quyết Thành là nơi duy nhất làm gốm. Tuy nhiên, ở đây không ai gọi là gốm Quyết Thành mà gọi là gốm Quế. Quế chính là tên thị trấn nhỏ ven hai dòng sông lớn là Đáy và Nhuệ, còn Quyết Thành chỉ là một ngôi làng nhỏ bé thuộc thị trấn Quế.
Làng nghề gốm Quyết Thành thuộc thị trấn Quế (huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam) có vào khoảng thế kỉ XVI, tính đến nay đã gần 500 năm
Thế mới biết, để sản phẩm mang thương hiệu của cả thị trấn phải độc đáo đến mức nào. Cho nên, khi gốm Quyết Thành được gọi là gốm Quế, không chỉ người Quyết Thành tự hào, mà người khắp thị trấn Quế đều lấy làm hãnh diện cho một thứ hàng cổ truyền dài 5 thế kỷ.
Hơn 200 hộ dân với gần 1.000 nhân khẩu đều khẳng định nghề gốm của họ đã tồn tại trên 5 thế kỷ. Tuy nhiên, không ai biết tại sao làng Quyết Thành lại không có tổ nghề làm gốm, dù các cao niên đã nhiều lần lật giở gia phả lẫn cất công đi khắp nơi sưu tầm tư liệu minh chứng cho gốm làng mình.
Gốm Quyết Thành đến nay đã tạo được thương hiệu, giữ vững vị thế là một làng nghề truyền thống với hàng nghìn sản phẩm khác nhau
Một số cao niên trong làng nói rằng, nghe các cụ đời trước kể lại, vào thời vua Lê Hiến Tông, nghề gốm có mặt ở Quyết Thành. Không biết ai là người đem nghề về làng, nhưng nhiều người phỏng đoán có thể do nhu cầu địa phương mà người dân mày mò chế tác ra các bình vại đựng nước, đựng rượu… rồi dần dần hình thành nghề làm gốm.
Ông Nguyễn Đức Phú - Chủ nhiệm HTX gốm Quyết Thành, cho biết: “Quế từng là nơi sản xuất gốm quy mô lớn nhất nước. Nhất là thời bao cấp, gốm Quế không chỉ để bán trong nước mà còn xuất khẩu sang nước ngoài. Gốm Quế chủ yếu dùng vào 3 việc: Đựng thóc, tích nước và ngâm ủ rượu”.
Theo ông Phú, thời bao cấp ở làng Quyết Thành chẳng ai không biết nghề. Từ đứa trẻ mới ê a con chữ đến cụ già móm mém thều thào không ra tiếng vẫn hì hụi làm gốm. Nhà nào cũng làm và nhà nào cũng đỏ lửa trong lò. Cánh buôn bè trên sông Đáy chỉ ước qua vùng Quế để ngửi được mùi thơm của gốm chín.
Ông Nguyễn Đức Phú, Chủ nhiệm HTX Hợp gốm Quyết Thành chia sẻ một sản phẩm gốm son tinh xảo
từng đạt nhiều giải tại các cuộc thi, triển lãm
Trải qua bao giai đoạn thăng trầm cùng đất nước, làng nghề gốm Quyết Thành tưởng chừng có lúc lâm vào cơn bĩ cực mai một, khi trong làng chỉ còn phát triển thưa thớt vài nhà làm nghề, lò nung dần bị nguội lửa. Thế rồi luồng gió mới đã tạo cho làng nghề một luồng sinh khí mới khi năm 2004, làng nghề đã được UBND tỉnh Hà Nam công nhận là làng nghề truyền thống. Rồi kể từ năm 2015 đến nay, do thị trường phát triển, nhu cầu mua gốm Quế về ngâm ủ rượu tăng nên nhiều lò gốm được mở lại. Khắp hai bên đường làng, và cả trong các sân xưởng đầy ắp gốm. Có những ngày, xe tải về lấy hàng chật kín đường đi.
Với quy mô của một làng nghề, các sản phẩm gốm mỹ nghệ tinh xảo truyền thống được quảng bá rộng rãi, được nhiều người biết hơn. Những người vốn là thợ giỏi được công nhận vì đã có công lao đóng góp cho phát triển làng nghề. Làng gốm Quyết Thành dần được khôi phục lại, còn sớm tạo được thương hiệu, giữ vững vị thế là một làng nghề truyền thống với hàng nghìn sản phẩm khác nhau.
Trải qua bao khó khăn, ngày nay làng nghề gốm Quyết Thành dần xây dựng được thương hiệu trong và ngoài nước với đa dạng sản phẩm độc đáo. Sau khi được công nhận là làng nghề truyền thống năm 2004, năm 2010, sản phẩm hàng son của làng nghề gốm truyền thống Quyết Thành tiếp tục được Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Hà Nam công nhận thương hiệu “Gốm son mỹ nghệ Quyết Thành”.
Nhờ nhiệt huyết của những người con yêu nghề gốm, hiện nay mỗi năm làng nghề đã cho ra được 6 triệu sản phẩm, chủ yếu là bình rượu, ấm trà, chum lọ,... và một số vật dụng cần thiết khác trong cuộc sống. Sau khi cho ra lò, những sản phẩm được phân phối ở các tỉnh: Hà Nội, Hà Giang, Thái Bình, Thanh Hóa,... cùng một số tỉnh miền Nam.
Khánh Hòa