Chùa Bái Đính ở đâu?
Khuôn viên Chùa Bái Đính rộng lớn |
Chùa Bái Đính là một quần thể chùa chiền nằm trên núi Bái Đính ở xã Gia Sinh, huyện Gia Viễn, cách cố đô Hoa Lư 5km về phía Tây Bắc, cách thành phố Ninh Bình 12km.
Chùa Bái Đính có khuôn viên rộng 53ha bao gồm 27 ha khu chùa Bái Đính cổ, 80ha khu chùa Bái Đính mới. Nơi đây hàng năm vinh dự chào đón hàng vạn phật tử về hành hương. Khu di sản Bái Đính và Hà Nội cách nhau 95km là nơi phù hợp trong những lễ tết đáng để đến khi có dịp.
Được khởi công xây dựng từ năm 2003, sát cạnh Bái Đính Cổ Tự - Ngôi chùa linh thiêng bậc nhất Cố đô Hoa Lư xưa, Chùa Bái Đính được xây dựng mới với quy mô vô cùng rộng lớn, đồ sộ và hoành tráng, kiến trúc mang đậm dấu ấn truyền thống hòa hợp với cảnh quan thiên nhiên, hồ nước núi đá. Khiến ngôi chùa không chỉ là điểm đến tâm linh mà còn là một địa điểm tham quan được nhiều người yêu thích.
Chùa Bái Đính là một trong hai ngôi chùa lớn nhất Đông Nam Á và là một trong ba ngôi chùa cùng với chùa Hương - Hà Nội và chùa Tam Chúc - Hà Nam, kết nối lại thành “con đường tâm linh” xuyên suốt những điểm đến linh thiêng nổi tiếng giữa đồng bằng Bắc Bộ.
Với kiến trúc độc đáo và lịch sử lâu đời, Chùa Bái Đính đã trở thành điểm du lịch sinh thái, tâm linh nổi tiếng ở miền Bắc nói chung và Ninh Bình nói riêng.
Đã có 8 kỉ lục Việt Nam cũng như Châu Á được ghi nhận ở chùa Bái Đính như: Chuông đồng lớn nhất Việt Nam, tượng Phật Thích Ca cao nhất nặng nhất châu Á, bộ tượng Tam thế bằng đồng dát vàng lớn nhất Việt Nam, tượng Phật Di Lặc bằng đồng lớn nhất Đông Nam Á, chùa có hành lang La Hán lớn nhất Việt Nam, chùa có nhiều cây bồ đề nhất Việt Nam…
Khuôn viên chùa Bái Đính rất rộng. Nếu hạn chế về thời gian có thể đi xe điện lên chùa. Vé xe điện ở khu chùa Bái Đính 30.000/ chiều.
Nhiều khu Chùa khác nhau nằm trên khuôn viên rộng lớn |
Những địa điểm tham quan quanh Chùa Bái Đính
Đến chùa Bái Đính du khách có thể ưu tiên tham quan một số điểm nổi bật với nhiều câu chuyện truyền thuyết kỳ bí.
Hang sáng, động tối
Vượt qua 300 bậc đá lên tới cổng tam quan, chưa rẽ vào cổng vội nhìn sang bên cạnh dốc có một ngã ba là lối dẫn hang sáng và động tối.
Hang sáng là nơi thờ Thần và Phật, đúng như tên gọi hang có đủ ánh sáng tự nhiên, ngay ngoài cửa đặt tượng hai vị thần uy nghiêm vẻ mặt dữ dằn, sâu bên trong là nơi đặt tượng thờ Phật. Hang sâu khoảng 25 mét, rộng 15 mét, cao khoảng hơn 2 mét, đi hết đến cuối hang bạn sẽ sang bên đền thờ thần Cao Sơn linh thiêng.
Giếng Ngọc
Nơi đây tương truyền thiền sư Nguyễn Minh Không lấy nước sắc thuốc chữa bệnh cho nhà vua và người dân. Xung quanh lan can đá tạo thành một vòng rộng lớn, đứng từ trên đại điện nhìn xuống giếng Ngọc nổi bật giữa khuôn viên rộng lớn cây xanh bao phủ, màu nước xanh ngọc bích là điểm nhấn trong tổng thể chùa Bái Đính. Đây còn là giếng chùa được ghi nhận kỉ lục lớn nhất Việt Nam.
Tham quan chuông đồng lớn nhất Việt Nam
Chùa Bái Đính mới còn nổi tiếng với nhiều hạng mục công trình có tầm vóc lớn trong khu vực Đông Nam Á. Chuông bằng đồng lớn nhất Việt Nam có chiều cao 5,5 mét, đường kính rộng 3,5 mét và có khối lượng đến 36 tấn. Chuông đồng được chạm khác nhiều mảng cổ tự bằng chữ Hán và trang trí các hình rồng nổi vô cùng sinh động.
Đến Chùa Bái Đính ăn gì?
Du khách đến du lịch Ninh Bình nên thưởng thức mắm tép Gia Viễn, để thấy hết được nét tinh túy trong ẩm thực Ninh Bình. Loại mắm này được chế biến rất công phu từ những con tép riu đem rửa sạch. Trộn với thính gạo rang và muối, sau đó thêm chút nước sôi và đổ vào hũ ủ trong 6 tháng để được loại mắm tép thơm ngon, có mùi vị đặc trưng, màu đỏ tươi đẹp mắt, có vị ngọt, vị mặn vừa ăn, có thể dùng mắm tép để lấy nước chấm hoặc nấu với thịt ba chỉ cũng rất ngon.
Nem dê Ninh Bình
Đây là món ăn nổi tiếng Ninh Bình, được chế biến từ thịt dê núi. Dê núi quanh năm ăn lá cây trên đồi trên rừng nên thịt chắc, ít mỡ, vị ngọt đậm mà thơm và bổ dưỡng.
Nem dê được chế biến rất cẩn trọng, để tạo ra món ăn ngon, đảm bảo thơm ngon, sạch và món ăn hấp dẫn này bạn có thể mua về làm quà cho những người thân yêu.
Món nem dê ăn cùng với các trái như sung, chuối xanh, khế cùng các loại rau thơm, lá mơ, lá sung và chấm với nước tương ớt gừng thì sẽ thấy được tất cả các vị cay, thơm, mặn ngọt hòa quyện với nhau.
Miến lươn Ninh Bình
Đây không còn là món ăn xa lạ với những ai sành về ẩm thực Ninh Bình, bởi ngoài những món ăn đặc sản như trên bạn có thể được thưởng thức món ăn đặc sản Ninh Bình này ở cố đô Hoa Lư nơi nổi tiếng với món miến lươn gia truyền.
Nước dùng được chế biến theo công thức độc đáo riêng, bát nước dùng đặc sánh, đậm vị và ngọt thanh.
Lươn được chọn lọc rất kĩ, lươn mang nấu phải là lươn đồng, béo và tươi nguyên. Lươn được làm sạch nhớt, moi sạch ruột rồi mang ướp với gia vị bí truyền. Bát miến lươn được kèm cùng nộm hoa chuối mới đúng điệu, đầy đủ các vị ngon thấm quyện vào nhau.
Một số điều lưu ý khi đi chùa Bái Đính
Nên mang theo những đôi giày thể thao thoải mái thay vì đi giày cao gót hoặc giày búp bê để bảo vệ đôi chân của bạn cũng như tiện cho việc di chuyển bởi sẽ phải leo núi, leo chùa khá nhiều.
Nên chọn những bộ đồ lịch sự khi vào chùa, quần áo thoải mái không nên mặc đồ bó sát, không thấm mồ hôi.
Tại chùa Bái Đính có rất nhiều các gian hàng bán đồ lưu niệm và đặc sản hấp dẫn. Tuy nhiên giá trên núi thường cao hơn bên ngoài rất nhiều. Vì thế nếu mua đặc sản về làm quà nên xuống chân núi tìm mua giá sẽ rẻ hơn.
Dịp đầu xuân thường có mưa phùn lất phất, do đó nên mang theo một chiếc ô gấp nhỏ dự phòng.
Hãy mang theo tiền lẻ khi đi lễ chùa và quyên góp. Tránh bỏ tiền lên các tượng phật làm mất mỹ quan khu chùa mà thay vào đó bạn nên để đúng vào các hòm công đức nơi đây.