Theo đánh giá của các tổ chức quốc tế, Việt Nam là một trong năm nước bị ảnh hưởng nặng nề bởi biến đổi khí hậu làm gia tăng các hiện tượng thiên tai, thảm họa. Đây cũng là một nguyên nhân dẫn đến nguy cơ tử vong và thương tích đối với người dân. Các hoạt động sơ cấp cứu của ngành Y tế sau khi xảy ra tai nạn gặp nhiều khó khăn do thiếu nhân lực được huấn luyện kỹ năng sơ cấp cứu cơ bản, thiếu trang thiết bị tối thiểu phục vụ hoạt động sơ cấp cứu đặc biệt ở các vùng sâu vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn.
Theo báo cáo của Bộ Y tế, năm 2023 tại 61 tỉnh, thành phố có 1.106.643 trường hợp tai nạn thương tích ghi nhận tại các cơ sở y tế với tỷ suất là 1.144,8/100.000 người, trong đó có 9.815 trường hợp tử vong chiếm tỷ lệ 0,89%. Tỷ suất tử vong do tai nạn, thương tích ghi nhận tại các cơ sở y tế là 10,15/100.000 người. Nếu ai cũng được học và thực hành kỹ năng sơ cấp cứu thì sẽ giảm thiểu được số ca tử vong do tai nạn.
Từ thực tế này, có thể thấy việc nâng cao năng lực của người dân về hoạt động sơ cấp cứu và triển khai hoạt động sơ cấp cứu dựa vào cộng đồng là vô cùng cần thiết, góp phần bảo vệ tính mạng của người dân khi bị tai nạn, thương tích, xây dựng cộng đồng an toàn.
Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn |
Từ các nguyên nhân trên, Bộ Y tế và Trung ương Hội Chữ thập đỏ đã xây dựng, đề ra Đề án “Nâng cao năng lực của người dân và cộng đồng về sơ cấp cứu đến năm 2030”. Đề án hiện đang trong quá trình nhận đánh giá, góp ý dự thảo.
Đề án nêu rõ, tai nạn, thương tích có thể xảy ra mọi lúc, mọi nơi và chắc chắn không một quốc gia nào trên thế giới có đủ nhân viên y tế tại chỗ để xử lý kịp thời. Khi tai nạn xảy ra, việc sơ cấp cứu ban đầu là vô cùng quan trọng, vì có thể cứu được mạng người nếu nạn nhân ngừng thở, ngừng tim, hoặc vết thương chảy máu quá nhiều, bất tỉnh, hôn mê, say nắng, gãy xương lớn, gãy xương cột sống… hoặc giúp nạn nhân giảm bớt lo sợ, giảm chấn thương tâm lý, giảm mất máu, giảm đau đớn và giảm những biến chứng sau này do được sơ cấp cứu kịp thời và đúng cách.
Do vậy, việc triển khai Đề án “Nâng cao năng lực của người dân và cộng đồng về sơ cấp cứu đến năm 2030” có thể khắc phục căn bản những khó khăn, hạn chế trong quá trình sơ cấp cứu, đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của người dân về kiến thức, kỹ năng sơ cấp cứu tại cộng đồng.
Việc nâng cao năng lực của người dân và cộng đồng về sơ cấp cứu là cần thiết. |
Đề án được xây dựng với ba mục tiêu căn bản tập trung vào việc nâng cao nhận thức của người dân về hoạt động sơ cấp cứu; đào tạo đội ngũ hướng dẫn viên chữ thập đỏ đạt chuẩn, đủ khả năng tổ chức các khóa tập huấn kỹ năng sơ cấp cứu cho người dân và cộng đồng; phát triển hệ thống các trạm, điểm sơ cấp cứu chữ thập đỏ theo chuẩn của Bộ Y tế và thành lập các đội tình nguyên viên sơ cấp ứng cứu kịp thời khi có tai nạn, thương tích xảy ra. Đề án dự kiến sẽ triển khai tại 15 tỉnh với 60 điểm sơ cấp cứu và tổng kinh phí dự kiến là 60 tỷ đồng.
Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn cho biết Bộ Y tế ủng hộ về mặt chủ trương đối với Đề án “Nâng cao năng lực của người dân và cộng đồng về sơ cấp cứu đến năm 2030” và đề nghị Trung ương Hội Chữ thập đỏ tiếp thu các ý kiến của các đại biểu từ các Vụ, Cục và Văn phòng Bộ Y tế và một số đơn vị liên quan nhằm hoàn thiện dự thảo đề án.