Chuyển đổi số là hướng đi tất yếu cho ngành y tế
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Tri Thức khẳng định, tại Việt Nam nhiệm vụ chuyển đổi số y tế không chỉ là nhiệm vụ cấp thiết mà còn là chiến lược dài hạn để nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe cộng đồng.
Xác định đẩy mạnh chuyển đổi số là một chủ trương lớn, là hướng đi tất yếu để bảo đảm thích ứng với bối cảnh mới, thực hiện chủ trương Đảng, chính sách phát luật của nhà nước về chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030,
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Tri Thức |
Thời gian qua, bên cạnh sự phối hợp, giúp đỡ của các Bộ, ngành, các cơ quan, đơn vị, Bộ Y tế đã chủ động, nỗ lực thực hiện chuyển đổi số toàn diện trên các mặt. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân khách quan, chủ quan, việc thực hiện chuyển đổi số ngành y tế còn có một số tồn tại, khó khăn mà Nghị quyết số 157-NQ/BCSĐ ngày 03/02/2023 của Ban cán sự đảng Bộ Y tế đã chỉ ra:
Một là, cơ sở hạ tầng, trang thiết bị cho ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin còn chưa tương xứng với khối lượng dữ liệu y tế cần quản lý;
Hai là, hệ thống thông tin và các cơ sở dữ liệu y tế, các nền tảng y tế số còn rời rạc, chưa liên thông với nhau;
Ba là, an toàn thông tin, an ninh mạng chưa được triển khai đồng bộ, nhiều hệ thống thông tin đã triển khai chưa đảm bảo về an toàn, an ninh thông tin;
Bốn là, một số định hướng lớn về ứng dụng công nghệ thông tin trong các lĩnh vực của ngành y tế còn chậm triển khai do thiếu hụt nguồn lực (cả về kinh phí, con người).
Đẩy mạnh chuyển đổi số y tế thông qua hợp tác y tế số Việt Nam - Hàn Quốc
Từ khó khăn và thách thức trên, dự án hợp tác giữa Việt Nam và Hàn Quốc là một sáng kiến rất quan trọng và là tiền đề để chúng ta xây dựng một hệ thống y tế thông minh, toàn diện và hiệu quả hơn. Trong đó, từ những lĩnh vực, thế mạnh của mình trong chuyển đổi số y tế, Thứ trưởng Bộ Y tế đề nghị phía Hàn Quốc nghiên cứu phối hợp với các đơn vị của Bộ Y tế Việt Nam tập trung triển khai một số nội dung, nhiệm vụ chính sau đây:
Một là, về triển khai các hệ thống thông tin cốt lõi, đặc biệt (1) tập trung xây dựng Hệ thống thông tin về quản lý hoạt động khám bệnh, chữa bệnh (thực hiện Điều 112 Luật Khám bệnh, chữa bệnh năm 2023), kịp đưa hệ thống vào vận hành trước ngày 01/01/2027 theo quy định; và (2) Xây dựng Hệ thống thông tin cho lĩnh vực y tế dự phòng. Với mục tiêu thiết lập một hệ thống quản lý thông tin toàn diện, thống nhất phục vụ cho công tác quản lý, điều hành, kiểm tra, giám sát, tổng hợp, báo cáo của Bộ Y tế;
Hai là, thúc đẩy xây dựng hạ tầng Trung tâm dữ liệu y tế phù hợp với định hướng của Chính phủ về quản lý, khai thác và vận hành; tích hợp, đồng bộ, lưu trữ, chia sẻ và phân tích, đáp ứng quy định tại Nghị quyết số 175/NQ-CP ngày 30/10/2023 của Chính phủ phê duyệt Đề án Trung tâm dữ liệu quốc gia và các Nghị định, văn bản liên quan;
Đẩy mạnh chuyển đổi số y tế thông qua hợp tác y tế số Việt Nam - Hàn Quốc |
Ba là, về hình thành cơ sở dữ liệu quốc gia về y tế: Từ yêu cầu xây dựng các hệ thống thông tin cốt lõi, dự án hợp tác giữa Bộ Y tế Việt Nam và phía Cơ quan thông tin an sinh xã hội Hàn Quốc (SSiS) phải gắn với định hướng phát triển tổng thể hạ tầng cơ sở dữ liệu y tế để từng bước hình thành cơ sở dữ liệu quốc gia về y tế tại Việt Nam, nhằm thực hiện chiến lược dữ liệu quốc gia đến năm 2030. Đồng thời, tập trung nghiên cứu, hợp tác đẩy mạnh trong lĩnh vực khai phá dữ liệu y tế, giúp cải thiện hiệu quả quản lý và cung cấp dịch vụ y tế;
Bốn là, tổ chức quản lý vận hành, bảo đảm an toàn thông tin, an ninh mạng.
Bộ Y tế đã ban hành Thư bày tỏ quan tâm (LOI) số 1845/MOH-ICD ngày 10/4/2024, gửi Bộ Y tế và Phúc lợi Hàn Quốc với đề xuất Tổ chức an sinh xã hội Hàn Quốc (SSiS) hỗ trợ Bộ Y tế Việt Nam tại một số lĩnh vực, bao gồm các lĩnh vực đã định hướng ở trên.
Lộ trình và những nội dung cơ bản của dự án hợp tác y tế số
Theo các chuyên gia đến từ Hàn Quốc, dự án sẽ tập trung nghiên cứu dữ liệu số hóa chăm sóc sức khỏe tại Việt Nam. Khi phân tích được khuôn khổ pháp lý của Việt Nam và dữ liệu số hóa hiện nay, các chuyên gia phân tích sẽ lấy đó là dữ liệu tham khảo cơ bản để xác định hướng đi của dự án này. Tiếp theo, các chuyên gia sẽ phân tích tính khả thi của dự án chuyển đổi số y tế, sau đó đánh giá tính khả thi và bền vững của dự án bằng cách xem xét các yếu tố liên quan đến chính trị, y tế và công nghệ.
Từ đó sẽ phát triển một kế hoạch triển khai chi tiết, bao gồm bảng thiết kế dự án để đảm bảo việc giám sát và đánh giá dự án một cách hiệu quả. Cuối cùng, sẽ kết hợp với Bộ Y tế và các cơ quan liên quan, thông qua nghiên cứu thực địa sẽ soạn thảo một văn bản “Khái niệm dự án” và đây chính là yếu tố quan trọng đảm bảo sự thành công của dự án.
Tổng chi phí dự kiến của dự án theo dự kiến sẽ là 10 triệu USD được chính phủ Hàn Quốc hỗ trợ không hoàn lại theo hình thức ODA trong vòng 5 năm bắt đầu từ tháng 01/2026.
Đẩy mạnh chuyển đổi số trong y tế |
Thông qua sự hợp tác với các đối tác Hàn Quốc, Thứ trưởng Bộ Y tế tin tưởng rằng các nhiệm vụ, nội dung đề xuất hợp tác từ phía Việt Nam và Hàn Quốc sẽ sớm được triển khai, thực hiện trên thực tế trong thời gian tới, đặc biệt là trong xây dựng các Hệ thống thông tin cốt lõi và xây dựng các giải pháp công nghệ thông tin y tế, giải pháp quản lý dữ liệu hiệu quả, góp phần nâng cao năng lực quản lý của ngành y tế, đồng thời giúp cải thiện đáng kể chất lượng dịch vụ y tế, nâng cao sức khỏe của người dân.
Dự án sẽ là minh chứng rõ ràng cho mối quan hệ hợp tác bền vững và mạnh mẽ giữa Việt Nam và Hàn Quốc trong lĩnh vực y tế. Với sự cam kết và đồng hành của các đối tác Hàn Quốc, dự án sẽ đạt được những kết quả tích cực, mang lại lợi ích to lớn cho người dân cả hai quốc gia.