Cấp cứu thành công bệnh nhân bị ong vò vẽ đốt Trước thềm năm học, bố mẹ cần làm gì để trẻ ít nguy cơ nhiễm bệnh? Nâng cao chất lượng điều trị bệnh lý phụ khoa và chăm sóc sức khỏe sinh sản |
Theo ThS.BS. Vũ Văn Thành, Trưởng Khoa Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, Bệnh viện Phổi Trung ương, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (Chronic obstructive pulmonary disease - COPD) hiện xếp hàng thứ ba trong các nguyên nhân gây tử vong trên toàn cầu và con số này còn tiếp tục gia tăng trong những thập niên tới do tăng tiếp xúc các yếu tố nguy cơ và tình trạng già đi của dân số. Thế nhưng hầu hết người dân lại không biết được sự nguy hiểm của căn bệnh này.
Tại Việt Nam, tần suất mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính trung bình và nặng đứng cao nhất trong khu vực châu Á Thái Bình Dương. Một điều tra cho thấy có tới 3,1% số người trưởng thành ở nước ta từng được chẩn đoán mắc bệnh này. Đây còn là gánh nặng bệnh tật không nhỏ đối với công tác chăm sóc y tế.
Mô phỏng bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính. |
Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính là bệnh thường gặp có thể dự phòng và điều trị triệu chứng, đặc trưng bởi sự tắc nghẽn đường thở tiến triển ngày càng nặng dần, liên quan tới phản ứng viêm bất thường của đường thở và nhu mô phổi bởi các phần tử và khí độc hại. Triệu chứng hô hấp thường gặp của bệnh là khó thở, ho và khạc đàm. Yếu tố nguy cơ chính gây bệnh là thuốc lá. Tuy nhiên, tiếp xúc với những yếu tố môi trường như: nhiên liệu sinh khối và ô nhiễm không khí cũng có thể là nguy cơ gây bệnh… Bệnh nhân bị bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính thường mắc phải những bệnh đi kèm như: suy nhược, suy giảm chức năng cơ xương, hội chứng chuyển hóa, loãng xương, trầm cảm và ung thư phổi.
Chia sẻ về căn bệnh này, PGS.TS Đào Xuân Cơ, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai cho biết việc chẩn đoán và điều trị sớm giúp ngăn ngừa sự tiến triển của bệnh, phòng ngừa biến chứng và cải thiện chất lượng cuộc sống cho người bệnh.
Báo cáo kết quả triển khai quản lý bệnh tại tuyến y tế cơ sở hoạt động phòng, chống bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính và hen phế quản năm 2016-2020 của Bệnh viện Bạch Mai cho thấy, tỷ lệ người mắc bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính, hen phế quản được phát hiện ở giai đoạn sớm trước khi có biến chứng đạt 35%. Tỷ lệ người bệnh được phát hiện được điều trị theo hướng dẫn chuyên môn đạt hơn 39%.
Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính là bệnh thường gặp có thể dự phòng và điều trị triệu chứng. |
Các chuyên gia nhấn mạnh, những người trên 40 tuổi và có ít nhất một trong 6 yếu tố nguy cơ sau nên được khám tầm soát, phát hiện sớm bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính: Người hút thuốc lá, thuốc lào đã trên 10 năm; Người trực tiếp đun bếp (than, củi, rơm, rạ) trên 30 năm; Người phải tiếp xúc khói, bụi, hóa chất nghề nghiệp; Có dấu hiệu khó thở nặng dần theo thời gian; Ho liên tục nhiều tháng, nhiều năm; Thường xuyên khạc đờm vào buổi sáng.
Khi có các triệu chứng bệnh như trên, người bệnh cần đến ngay các cơ sở y tế chuyên khoa để được phát hiện, điều trị kịp thời.