Thời điểm tựu trường là thời điểm chuyển mùa, thời tiết biến đổi thất thường, tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển và lây lan nhanh chóng của các loại virus và vi khuẩn gây bệnh cho trẻ. Việc tiếp xúc môi trường đông người cũng tăng cao nguy cơ trẻ mắc bệnh.
Do đó, việc thực hiện tiêm phòng vắc xin chính là nền tảng quan trọng giúp cho trẻ quay lại trường học một cách an toàn.
Thời điểm tựu trường, trẻ thường dễ mắc bệnh |
Trước khi bước vào thời điểm đi học, trẻ cần được tiêm mới và tiêm nhắc lại nhiều loại vắc xin quan trọng để xây dựng hệ miễn dịch khỏe mạnh trước bệnh tật, an tâm đến trường và tiếp xúc với môi trường đông người.
Trước đó, Bộ Y tế đã ban hành Kế hoạch 980/KH-BYT-BGDĐT về việc phối hợp triển khai kiểm tra tiền sử và tiêm chủng bù liều cho trẻ nhập học tại các cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học. Trong đó, đối tượng cần tiêm chủng bù liều là trẻ em được xác định chưa tiêm chủng hoặc tiêm chủng chưa đủ liều vắc xin sởi, sởi-rubella (MR), bại liệt (bOPV, IPV), viêm não Nhật Bản (VNNB) sẽ được tiêm chủng bù các vắc xin này.
Trong quá trình thực hiện tiêm phòng cho trẻ, Cha mẹ cần chủ động thông báo về tình trạng sức khỏe của con với bác sĩ bao gồm: có đang mắc bệnh hay hông, có đang bị sốt, tình trạng sinh non, tiền sử dị ứng hay phản ứng mạnh với lần tiêm chủng trước và đề nghị được khám sàng lọc sức khỏe trước khi tiêm.
Sau tiêm chủng trẻ có thể có một số biểu hiện thường gặp như sốt, đau hoặc sưng tấy tại chỗ tiêm,… Cha mẹ nên chú ý đến trẻ hơn và đưa trẻ tới cơ sở y tế nếu thấy các phản ứng kéo dài và tiến triển nặng. Khi trẻ sốt cao, có thể cho trẻ dùng thuốc hạ sốt nhưng phải có sự chỉ định và hướng dẫn của bác sĩ.
Cha mẹ cần thực hiện các biện pháp phòng ngừa để đảm bảo sức khỏe cho trẻ trước ngày tựu trường |
Những phản ứng nặng sau khi tiêm phòng thường rất hiếm gặp. Tuy nhiên, nếu phát hiện trẻ có các dấu hiệu bất thường như sốt cao, quấy khóc kéo dài, co giật, khó thở, da dẻ tím tái,… cha mẹ cần đưa ngay trẻ tới cơ sở y tế để kịp thời cấp cứu và điều trị.
Nếu không yên tâm về tình trạng sức khỏe của con sau khi tiêm, cha mẹ nên liên hệ với bác sĩ để được tư vấn cách chăm sóc trẻ phù hợp.
Ngoài tiêm phòng đầy đủ, đúng lịch cho trẻ, gia đình và nhà trường cũng cần thường xuyên nhắc nhở trẻ vệ sinh cá nhân để phòng lây nhiễm bệnh. Bàn tay là nơi chứa rất nhiều loại vi khuẩn, vì vậy, trẻ cần rửa tay sạch, đúng cách trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh và chơi đùa.