Các báo cáo cho thấy, tỉ lệ vi khuẩn kháng kháng sinh đang gia tăng nhanh chóng. Điều này dẫn đến việc nhiều bệnh lý nhiễm khuẩn trở nên khó điều trị hơn, tốn kém hơn và kéo dài thời gian điều trị.
Nguyên nhân dẫn đến kháng kháng sinh
Nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng kháng kháng sinh có thể kể đến:
Sử dụng kháng sinh không đúng cách: Tự ý sử dụng kháng sinh mà không có chỉ định của bác sĩ, sử dụng kháng sinh không đủ liều, hoặc dùng kháng sinh không cần thiết;
Quản lý kháng sinh chưa hiệu quả: Thiếu sự giám sát và kiểm soát chặt chẽ trong việc kê đơn và sử dụng kháng sinh;
Ý thức cộng đồng về kháng sinh còn hạn chế: Người dân chưa có kiến thức đầy đủ về tác hại của việc lạm dụng kháng sinh.
Kháng kháng sinh - Antinicrobial resistance (AMR). |
Hiện nay, việc mua thuốc kháng sinh ở Việt Nam khá dễ dàng. Mỗi khi ho, sốt, viêm họng nhẹ… mặc dù chưa cần phải sử dụng thuốc kháng sinh nhưng chỉ cần ra các cửa hàng thuốc, mọi người đều có thể mua được mà không cần đến sự kê đơn của bác sĩ.
Hậu quả trực tiếp của kháng thuốc trên người bệnh là hạn chế số lượng phương pháp và thuốc điều trị, kéo dài thời gian điều trị, thời gian nằm viện, chi phí khám chữa bệnh và có thể dẫn đến tử vong.
Kháng thuốc ảnh hưởng đến tất cả các lĩnh vực sức khỏe, tác động đến toàn bộ xã hội, không hạn chế trong phạm vi quốc gia mà trên toàn thế giới. Kháng thuốc được WHO công bố là một trong 10 vấn đề sức khỏe trọng điểm năm 2021 mà thế giới phải quan tâm. Trên thế giới đã xuất hiện các vi khuẩn kháng với hầu hết kháng sinh, còn gọi là vi khuẩn siêu kháng thuốc. Khi nhiễm trùng có thể không điều trị được bằng các thuốc kháng sinh lựa chọn đầu tiên, phải sử dụng nhiều thuốc đắt tiền.
Việt Nam nỗ lực hạn chế tình trạng kháng kháng sinh
Về vấn đề này, TS.BS. Nguyễn Tri Thức, Thứ trưởng Bộ Y tế đã kêu gọi mọi người dân Việt Nam chung tay ngăn chặn tình trạng kháng thuốc kháng sinh: “Ngay cả khi chúng ta chúng ta đã đạt được những cột mốc quan trọng kể từ khi xây dựng Kế hoạch hành động quốc gia vào năm 2013, chúng ta vẫn phải tiếp tục đối mặt với nhiều thách thức trong việc ngăn chặn và kiểm soát xu hướng kháng kháng sinh ngày càng gia tăng trong ngành Y tế.”
Kế hoạch hành động quốc gia của ngành Y tế về phòng, chống và kiểm soát kháng thuốc ở Việt Nam giai đoạn 2024-2025 là một kế hoạch chi tiết ngắn hạn, tập trung, được thiết kế để đẩy nhanh tiến độ trong những năm đầu của chiến lược; nhằm mục đích đặt nền tảng vững chắc cho sự thành công bền vững trong những năm tiếp theo.
Việt Nam nỗ lực hạn chế tình trạng kháng kháng sinh. |
TS. Angela Pratt, Trưởng Đại diện WHO tại Việt Nam ghi nhận và đánh giá cao chiến lược quốc gia về phòng, chống kháng thuốc của Chính phủ là một cột mốc quan trọng trong nỗ lực của Việt Nam nhằm hạn chế tình trạng kháng thuốc: “Chiến lược Quốc gia của Việt Nam nhận định kháng thuốc kháng sinh là một mối đe dọa lớn đối với sức khỏe và nền kinh tế, và là mối đe doạ trong việc đạt được các mục tiêu phát triển trong nước và các mục tiêu quốc tế khác như Mục tiêu Phát triển Bền vững. Do vậy, cần hành động, phối hợp mạnh mẽ hơn từ các cá nhân và tất cả các lĩnh vực của xã hội và kinh tế, bao gồm sức khoẻ con người, sức khỏe động vật, thực vật và môi trường để hỗ trợ việc thực hiện chiến lược Quốc gia. Trên toàn cầu và ở Việt Nam, một số loại kháng sinh đã cứu sống hàng triệu người kể từ khi chúng được phát minh, giờ đã mất đi khả năng chữa bệnh. Thời điểm hành động là ngay bây giờ”.
Nâng cao nhận thức về kháng kháng sinh
Để nâng cao nâng cao nhận thức của cán bộ y tế và cộng đồng về gánh nặng bệnh tật của bệnh lý lây nhiễm, gia tăng đề kháng kháng sinh của vi sinh vật và vai trò của vaccine phòng ngừa, các bệnh viện đã không ngừng hợp tác với các tổ chức nghiên cứu và phát triển về thuốc kháng sinh, hiện nay, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, Bệnh viện Nhi Trung ương và mới đây nhất là Bệnh viện Thống Nhất, Bệnh viện Đại học Y Dược TP Hồ Chí Minh đã hợp tác với Pfizer Việt Nam cùng hỗ trợ giải quyết các thách thức lớn của ngành y tế Việt Nam, đó là triển khai chương trình quản lý kháng sinh (AMS).
Nâng cao nhận thức về kháng kháng sinh. |
Việc hợp tác này phù hợp với Chiến lược Quốc gia về phòng, chống kháng thuốc giai đoạn 2023 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Thông qua đó, các bệnh viện sẽ tổ chức các hội thảo khoa học về AMS, chương trình đào tạo AMS, hỗ trợ chẩn đoán sớm, giám sát AMS và nâng cao nhận thức của cán bộ y tế cùng cộng đồng về AMS… Bên cạnh đó, chương trình cũng nhấn mạnh tầm quan trọng vai trò của vaccine ngừa các bệnh lý nhiễm trùng, đặc biệt trên nhóm bệnh nhân nguy cơ cao như bệnh phổi mạn tính, tim mạch, đái tháo đường, bệnh lý gan, thận.
PGS.TS.BS Lê Đình Thanh, Giám đốc Bệnh viện Thống Nhất (TP Hồ Chí Minh) chia sẻ: "Việc hợp tác này sẽ tạo nên một nền tảng vững chắc cho công tác nâng cao nhận thức, hướng đến việc tuân thủ chỉ định sử dụng kháng sinh chặt chẽ hơn trong hệ thống chăm sóc sức khỏe và cộng đồng”.