Người Mường với dụng cụ cồng chiêng được sử dụng trong các sự kiện văn hóa của tỉnh Hòa Bình. |
Theo kết quả kiểm kê của tỉnh Hòa Bình, đến hết năm 2021, trên địa bàn tỉnh có khoảng 600 di tích lịch sử văn hóa, trong đó, 102 di tích được xếp hạng (41 di tích cấp quốc gia, 61 di tích cấp tỉnh) và gần 100 điểm di tích trong danh mục bảo vệ, hơn 300 di tích được kiểm kê.
Các DSVH có vai trò quan trọng đối với sự phát triển du lịch và ngành công nghiệp văn hóa, góp phần phát triển Kinh tế - Xã hội, đảm bảo Quốc phòng – An Ninh. Về DSVH phi vật thể có 786 di sản, có 2 DSVH phi vật thể quốc gia là mo Mường và nghệ thuật chiêng Mường.
Hiện nay, mo Mường đang trong quá trình lập hồ sơ quốc gia trình UNESCO ghi danh vào danh sách DSVH phi vật thể bảo vệ khẩn cấp. Đây chính là nguồn lực văn hóa, tài nguyên du lịch quan trọng, tạo tiền đề, cơ sở quan trọng để tỉnh khai thác, phát triển du lịch trong những năm qua.
Với lợi thế là tỉnh có nhiều di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh đẹp, nhiều di tích, danh lam thắng cảnh nằm trong các tour, tuyến du lịch, có những di tích được các đơn vị lữ hành lựa chọn để thiết kế sản phẩm du lịch đưa vào khai thác. DSVH đã, đang là thành tố quan trọng, tạo nên sức hút đặc biệt đối với khách du lịch, góp phần tạo thương hiệu, hình ảnh du lịch mang nét riêng của tỉnh, thúc đẩy mạnh mẽ chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp - dịch vụ, tạo sinh kế bền vững cho người dân địa phương.
Nghệ nhân mo thực hiện nghi lễ mo tại lễ hội Khai hạ Mường Bi (Tân Lạc) năm 2020. (Ảnh: Báo Hòa Bình) |
Nghị quyết số 04-NQ/TU, ngày 19/10/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy tỉnh Hòa Bình về bảo tồn, phát huy giá trị DSVH các dân tộc tỉnh giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030 tiếp tục xác định quan điểm, định hướng chú trọng bảo tồn, phát huy giá trị lịch sử văn hóa, truyền thống tốt đẹp của dân tộc để phát triển du lịch, đồng thời đề ra nhiều giải pháp phát triển các sản phẩm du lịch gắn với giá trị văn hóa lịch sử. Tuy nhiên, trong thời gian qua, việc khai thác các giá trị văn hóa, nâng cao hàm lượng văn hóa trong các sản phẩm du lịch của tỉnh còn hạn chế, thiếu sản phẩm, dịch vụ chất lượng cao, tính cạnh tranh còn thấp.
Theo Sở VH-TT&DL tỉnh Hòa Bình để bảo tồn, phát huy hiệu quả giá trị DSVH, tận dụng các cơ hội thuận lợi trong nước và quốc tế xây dựng, làm mới các sản phẩm dịch vụ du lịch, chuyển trọng tâm phát triển từ chiều rộng sang chiều sâu, quan tâm phát triển sản phẩm du lịch chất lượng cao, mang dấu ấn, đặc trưng riêng của vùng đất giàu truyền thống, ngành VH-TT&DL cần tập trung ưu tiên cho công tác sưu tầm, nghiên cứu, kiểm kê khoa học để nhận diện, xác định các giá trị nghệ thuật, thẩm mỹ, khoa học, lịch sử, văn hóa của DSVH các dân tộc; đẩy mạnh các hoạt động quảng bá, thông tin tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức của các cấp, ngành và của người dân, doanh nghiệp về vai trò, tầm quan trọng và những lợi ích mà di sản mang lại, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa.
Tăng cường thu hút nguồn lực xã hội đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch. Trong đó, dành nguồn lực thích hợp từ ngân sách đầu tư hình thành các khu du lịch của tỉnh, hoàn thiện kết cấu hạ tầng kỹ thuật tại các khu du lịch trọng điểm; xây dựng công trình mang đậm dấu ấn lịch sử văn hóa các vùng Mường của tỉnh.
Đồng thời, phát triển sản phẩm, dịch vụ du lịch gắn với các giá trị lịch sử, văn hóa; xây dựng, phát triển thương hiệu điểm đến du lịch tỉnh Hòa Bình gắn với hình ảnh, giá trị lịch sử, văn hóa vùng Mường Hòa Bình theo hướng chuyên nghiệp, đồng bộ, hiện đại, có tính dài hạn và cạnh tranh cao. Phát huy giá trị di sản hiệu quả góp phần thực hiện mục tiêu đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn; bảo tồn, giữ gìn, phát huy các giá trị di sản hướng đến phát triển bền vững trên các mặt kinh tế, môi trường và xã hội.