Theo thạc sĩ, bác sĩ Trần Hùng Cường - Giám đốc Bệnh viện đa khoa tỉnh Nam Định cho biết: Hiện nay, bệnh viện đang điều trị ngoại trú cho 50 bệnh nhân chạy thận nhân tạo, với tần suất 3 lần/tuần. Gần đây, hoạt động điều trị đứng trước nhiều khó khăn khi nguồn dịch thận dần cạn kiệt. Theo tính toán, đến ngày 22/4 tới, dịch thận dự trữ sẽ hết.
“Khi bệnh nhân đã phải chạy thận nhân tạo, tức là không còn chức năng thận. Nếu bị gián đoạn điều trị, người bệnh sẽ lập tức gặp nguy hiểm đến tính mạng do không thể lọc bỏ độc tố khỏi cơ thể”, bác sĩ Trần Hùng Cường chia sẻ.
Bác sĩ Cường cho biết thêm: Khi dịch thận đã hết, nguồn bổ sung sẽ phải chờ ít nhất vài ba tháng nữa mới có, do các điều kiện ngặt nghèo của quy trình đấu thầu, đặc biệt là khâu thẩm định giá.
Các bệnh nhân chạy thận nhân tạo tại BVĐK tỉnh Nam Định . |
Để tháo gỡ khó khăn, ngày 13/4/2023 lãnh đạo Sở Y tế tỉnh Nam Định và Bệnh viện đa khoa tỉnh đã khẩn trương họp bàn, tìm giải pháp để giải quyết vấn đề này.
Trước mắt, Sở Y tế, Bệnh viện Đa khoa tỉnh làm việc với Bệnh viện Đa khoa Sài Gòn - Nam Định (đóng tại TP.Nam Định) để chuyển 9 bệnh nhân sang tiếp tục chạy thận; một bệnh nhân được chuyển về chạy thận tại Trung tâm Y tế huyện Vụ Bản.
Sở Y tế và Bệnh viện Đa khoa tỉnh cũng làm việc với Bệnh viện Công an tỉnh Nam Định để rà soát, xem xét chuyển thêm một số bệnh nhân sang chạy thận tại bệnh viện.
Tuy nhiên, giải pháp này chỉ giải quyết được một phần vấn đề, vì số lượng bệnh nhân còn lại vẫn khá lớn. Để có ngay nguồn dịch thận nhân tạo điều trị cho người bệnh, Bệnh viện đa khoa tỉnh Nam Định sẽ thực hiện mua bổ sung bằng gói mua sắm dưới 100 triệu đồng (có thể áp dụng hình thức chỉ định thầu theo quy định).
Lãnh đạo Bệnh viện Đa khoa tỉnh Nam Định, ông Trần Trung Kiên – Giám đốc Sở Y tế tỉnh Nam Định cũng cho biết: "Việc chữa bệnh thuộc trách nhệm của ngành y tế, người bệnh và người nhà không nên quá lo lắng, chúng tôi sẽ làm những gì tốt nhất cho người bệnh."
Bác sĩ Trần Hùng Cường lý giải, việc thiếu dịch chạy thận nhân tạo là khó khăn chung ở các bệnh viện hiện nay, không chỉ riêng ở Nam Định. Nguyên nhân là do vừa qua có sự điều chỉnh các quy định trong mua sắm trang thiết bị y tế và phải tuân thủ quy trình đấu thầu mua dịch chạy thận.
Hiện đã có hướng dẫn mới của Bộ Y tế về việc mua sắm vật tư y tế và gói thầu dịch chạy thận của Bệnh viện Đa khoa tỉnh Nam Định đang trong quá trình thẩm định giá. Dự kiến, khoảng hơn 2 tháng nữa bệnh viện sẽ có nguồn dịch chạy thận nhân tạo.
Dù khó khăn, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Nam Định cam kết sẽ không để bệnh nhân nào phải dừng chạy thận, bởi nếu vậy sẽ nguy hiểm đến tính mạng người bệnh. |
Bệnh viện Đa khoa tỉnh Nam Định có 10 máy chạy thận nhân tạo đang hoạt động ổn định, chạy thận cho 50 bệnh nhân. Dự kiến, sau khi Bệnh viện Đa khoa tỉnh mới đưa vào sử dụng, bệnh viện sẽ bổ sung máy chạy thận lên tổng số 29 máy để có thể chạy thận cho 100 bệnh nhân.
Trưởng Khoa Nội thận - Bệnh viện Đa khoa tỉnh Nam Định - Lê Thị Duyên cho hay: Trước đây Khoa Nội thận có 65 bệnh nhân nhưng do khó khăn về dịch chạy thận nhân tạo nên khoa đã báo cáo lãnh đạo bệnh viện chuyển 15 bệnh nhân nội trú lên các Bệnh viện Trung ương.
"Sau khi bệnh viện có thông báo dịch chạy thận chỉ đủ sử dụng đến ngày 22/4, bệnh nhân chạy thận lo lắng nhưng ngay trong sáng 13/4, lãnh đạo bệnh viện đã xuống thăm, động viên và khẳng định sẽ không để bệnh nhân phải dừng chạy thận, người bệnh đã yên tâm điều trị", bà Duyên nói.
Phải di chuyển hơn 60 km mỗi lần phải chạy thận, bệnh nhân Nguyễn Văn Tài (huyện Giao Thủy, Nam Định) đã chạy thận nhân tạo tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Nam Định hơn 10 năm nay. Quá trình điều trị rất vất vả và tốn kém.
Qua chia sẻ vào sáng 13/4/2023, người nhà của bệnh nhân cho biết: "Trước thông báo đề nghị chuyển viện, gia đình chúng tôi rất lo lắng. Hiện tại, gia đình vô cùng loay hoay, không biết sẽ chuyển người nhà sang cơ sở y tế nào khác và phân vân rằng liệu các cơ sở y tế có tiếp nhận điều trị không. Nhưng khi lãnh đạo bệnh viện cam kết bệnh nhân sẽ tiếp tục được chạy thận, mọi người rất yên tâm."
Ngành y tế tỉnh Nam Định trong thời gian qua đã và đang đáp ứng được nhu cầu khám chữa bệnh của người dân, nhưng để nâng cao chất lượng, đáp ứng tốt hơn nữa nhu cầu của người dân cần nỗ lực hơn. Trước mắt, phải đẩy nhanh hoàn thành các gói thầu mua sắm vật tư y tế. Được biết, ngoài Đơn nguyên chạy thận nhân tạo, tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Nam Định vẫn có một số khoa khác đang chịu áp lực lớn do thiếu trang thiết bị, vật tư y tế. |