![]() |
Giá heo hơi liên tục giảm, người chăn nuôi chờ những giải pháp cấp bách |
Người chăn nuôi kiệt sức vì thua lỗ
Giá heo hơi ngày 6/11/2022 tiếp tục giảm, cụ thể, tại tỉnh Tuyên Quang, Thái Nguyên, Ninh Bình, Bắc Giang, Hưng Yên, Hà Nội, Hà Nam, Thái Bình, Nam Định giá heo hơi ở mức 55.000 - 56.000 đồng/kg.
Còn tại tỉnh Vĩnh Phúc, Yên Bái, Lào Cai, Phú Thọ giá heo hơi được thu mua với mức 52.000 - 53.000 đồng/kg.
Như vậy, giá heo hơi hôm nay tại miền Bắc đang dao động trong khoảng từ 52.000 - 56.000 đồng/kg.
Từ nhiều tháng nay, anh Trần Việt Dũng ở huyện Ba Vì (Hà Nội) đã bỏ không dãy chuồng nuôi heo nái và heo thịt. Gia đình anh Dũng đang nuôi cả trăm con heo thịt gần 1 tạ và 20 con heo nái thì dịch Covid-19 ập đến, giãn cách xã hội khiến giá heo hơi giảm không phanh. Gọi thương lái vào bắt, họ trả giá rẻ mạt quá mà anh vẫn phải bán để gỡ lại vốn, tiếp tục tái đàn.
Đến tháng 4/2022, khi dịch Covid-19 tạm lắng, thị trường thịt heo tiêu thụ mạnh hơn thì đàn heo nhà anh Dũng lại bị dịch tả châu Phi tấn công.
"Chỉ có mấy ngày mà heo chết cả đàn. Suốt cả năm trời chăn nuôi vất vả, mong ngóng dịch ổn định, tưởng sẽ gượng dậy được thì lại gặp cú sốc này. Gia đình tôi bị thiệt hại quá nặng, do mất hết đàn heo nái nên đành nghỉ chăn nuôi đã mấy tháng nay" - anh Dũng buồn rầu chia sẻ.
Dịp cuối năm, định nhập ít con giống để nuôi vụ heo Tết mong gỡ gạc, nhưng tình trạng giá heo cứ giảm liên tục nên anh Dũng cũng không mặn mà nữa.
Ông Phạm Văn Hưng, một người chăn nuôi heo tại huyện Thanh Oai (Hà Nội) cho hay, giá heo hơi "mắc kẹt" ở mức 52.000 - 56.000 đồng/kg trong vài tháng liền. Với mức giá này, người chăn nuôi bị lỗ từ 4.000 - 8.000 đồng/kg.
Do vậy, trang trại của ông Hưng chỉ nuôi khoảng 50% công suất. "Khi giá thức ăn chăn nuôi tăng đợt 1 hồi đầu năm, người chăn nuôi đã mất lãi rồi. Nay giá thức ăn chăn nuôi lại tăng thêm lần thứ 6, đúng là càng nuôi càng lỗ. Đáng nói là chúng tôi không dám bỏ nghề, vì nếu bỏ thì không còn cơ hội gỡ gạc, rồi chuồng trại, hệ thống thiết bị sẽ hư hỏng hết", ông Hưng tâm sự.
Tại tỉnh Quảng Bình, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Quảng Trị, Lâm Đồng, Bình Định, Khánh Hòa giá heo hôm nay được thu mua với mức 55.000 - 56.000 đồng/kg.
Tại tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Đắk Lắk, Huế, Ninh Thuận, Bình Thuận giá heo hơi ở mức 52.000 - 54.000 đồng/kg.
Như vậy, giá heo hơi hôm nay tại miền Trung - Tây Nguyên đang dao động trong khoảng từ 52.000 - 56.000 đồng/kg.
Tại tỉnh An Giang giá heo hơi ở mức cao nhất toàn miền 56.000 đồng/kg.
Tại tỉnh Bình Phước, Đồng Nai, Bình Dương, Đồng Tháp, Tây Ninh, Vĩnh Long, Tiền Giang, Bạc Liêu, TP Hồ Chí Minh, Long An, Cần Thơ, Hậu Giang, Cà Mau, Vũng Tàu, Bến Tre giá heo hơi đạt mức 53.000 - 55.000 đồng/kg.
Còn tại tỉnh Sóc Trăng, Kiên Giang, Trà Vinh giá heo hôm nay lần lượt đạt mức 50.000 đồng/kg, 51.000 đồng/kg và 52.000 đồng/kg.
Như vậy, giá heo hơi hôm nay tại miền Nam dao động trong khoảng từ 50.000 - 56.000 đồng/kg.
Không đáp ứng được tiêu chuẩn xuất khẩu
Năm 2017, Việt Nam lần đầu tiên có doanh nghiệp (DN) đầu tư khép kín từ chăn nuôi đến giết mổ đến xuất khẩu thịt gà chính ngạch sang Nhật Bản. Đó cũng là lúc “giấc mơ” xuất khẩu thịt heo được không ít nhà chăn nuôi ấp ủ, lên kế hoạch. Thế nhưng từ số liệu của Bộ NN-PTNT đến thực tế của các DN đều cho thấy có rất nhiều trở ngại. Cái khó lớn nhất chính là chi phí sản xuất của Việt Nam quá cao, không thể cạnh tranh với thịt từ các nguồn cung khác.
Năm 2019, giá thành chăn nuôi bình quân của Việt Nam khoảng 50.000 đồng/kg (các trang trại lớn tự chủ được nhiều khâu giá thành khoảng 45.000 - 48.000 đồng/kg) trong khi giá thành chăn nuôi heo tại châu Âu chỉ khoảng 35.000 đồng/kg; châu Mỹ (Mỹ, Brazil) chưa tới 25.000 đồng/kg. Nếu so với các nước trong khu vực như Thái Lan và Trung Quốc thì giá thành của Việt Nam cũng cao hơn. Hiện nay do, chi phí đầu vào tăng cao, giá thành chăn nuôi bình quân lên tới 55.000 - 56.000 đồng/kg. Có được mức giá cạnh tranh vì các cường quốc về chăn nuôi như Mỹ và Brazil vẫn nắm lợi thế trong việc tự chủ nguồn nguyên liệu thức ăn chăn nuôi. Còn ngành chăn nuôi Việt Nam vẫn đang phụ thuộc tới 70% nguồn nguyên liệu thức ăn chăn nuôi nhập khẩu với hai sản phẩm chính là bắp và đậu nành, chiếm từ 65 - 70% cơ cấu thành phần.
![]() |
Bên cạnh giá thành sản xuất, việc xuất khẩu sản phẩm thịt heo còn đòi hỏi đáp ứng nhiều tiêu chuẩn kỹ thuật khắt khe khác. Cụ thể như heo đông lạnh phải được nuôi, giết mổ trong chuỗi khép kín. Hiện nay, nhiều DN lớn đã đầu tư và đáp ứng được các tiêu chuẩn. Tuy nhiên, một tiêu chuẩn khác mà bản thân DN khó đáp ứng là trang trại phải được đặt trong khu vực an toàn dịch bệnh và được Tổ chức Thú y quốc tế (OIE) công nhận. Theo ông Nguyễn Văn Khánh, Phó giám đốc Công ty CP phát triển chăn nuôi Hòa Phát, các trang trại của công ty đều đạt tiêu chuẩn an toàn dịch bệnh, nhưng những trang trại nhỏ lẻ xung quanh không đạt tiêu chuẩn khiến công ty bị ảnh hưởng. Về lâu dài cần có nhiều cơ chế thu hút các DN lớn chăn nuôi chuyên nghiệp như quy hoạch vùng nuôi để nâng dần tỷ trọng nhóm này lên và giải bài toán vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh. Đây cũng là yêu cầu chung của nhiều DN khác trong ngành.
Ông Nguyễn Trí Công, Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai, phân tích: Chúng ta ở cạnh một thị trường tiêu thụ thịt heo rất lớn là Trung Quốc. Hiện nay, hạn hán khắc nghiệt nhiều nơi ở Trung Quốc càng làm cho nguồn cung thịt heo hạn chế. Nhiều chuyên gia dự báo giá và nhu cầu tiêu thụ thịt heo của Trung Quốc sẽ tăng từ nay đến cuối năm. Tuy nhiên chúng ta vẫn chưa thể xuất thịt heo chính ngạch sang thị trường này dù các ngành chức năng của Việt Nam đã làm việc với nước bạn nhiều lần về vấn đề này. Hiện tại, heo Việt Nam mới chỉ xuất tiểu ngạch qua Trung Quốc, tuy nhiên việc này ảnh hưởng đến việc phòng chống dịch trên heo, nhất là dịch tả lợn châu Phi, và giá thành thịt heo nội địa. Chính vì vậy các ngành chức năng tăng cường quản lý và nhờ vậy thị trường nội địa thời gian gần đây được ổn định. “Hiện tại, nguồn cung thịt heo lớn hơn cầu nên thị trường vẫn ổn định từ nay đến cuối năm. Giá có thể biến động nhẹ theo giá thức ăn chăn nuôi nhưng giá nguyên liệu đầu vào đã bắt đầu giảm theo xu hướng giá thế giới. Chính vì vậy, giá thức ăn chăn nuôi ít có khả năng tăng, thậm chí có thể sẽ giảm nên giá thịt sẽ ổn định”, ông Công phân tích.
Đồng tình quan điểm trên, ông Lê Xuân Huy, Phó tổng giám đốc Công ty chăn nuôi CP Việt Nam, nói: “Do những khó khăn nêu trên nên hiện tại chưa thị trường nào chấp nhận thịt heo chính ngạch từ Việt Nam. Hiện tại ngành chăn nuôi khởi sắc trở lại sau một thời gian dài khó khăn, tỷ lệ tái đàn đang tăng. Tuy nhiên sức mua vẫn còn chậm, thời điểm gần tết nhu cầu có thể cải thiện, do đó giá có thể tăng nhẹ”.
Có nên mở lối xuất khẩu biên mậu?
Trong khi giá heo hơi ở Việt Nam đang liên tục giảm, thì giá thịt lợn ở Trung Quốc lại đang tăng mạnh suốt từ cuối tháng 8 đến nay. Ngày 20/10, giá heo giết mổ ở Trung Quốc đã ở mức 95.000 đồng/kg, tăng 13.000 đồng/kg so với đầu tháng 10/2022.
Theo một khảo sát được tiến hành ở Trung Quốc, từ đầu năm đến nay, giá heo giết mổ ở Trung Quốc đã tăng 60% và giá hiện tại đã cao hơn cùng kỳ năm ngoái 125%. Còn theo Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia Trung Quốc (NDRC), giá thịt heo tại 36 trung tâm buôn bán lớn hiện tăng 30% so với cùng kỳ năm trước.
Giá heo giết mổ liên tục tăng mạnh là một trở ngại đối với Chính phủ Trung Quốc trong nỗ lực ổn định thị trường. Do đó, Chính phủ nước này đang phải thuê nguồn dự trữ thịt heo từ bên ngoài nguồn dự trữ của nhà nước. Trong tháng 9/2022, đã có ba đợt xuất kho dự trữ thịt heo với tổng cộng 70.000 tấn. Đây là khối lượng nhiều nhất trong một tháng.
![]() |
Hầu hết các tỉnh ở Trung Quốc cũng đã bắt đầu giải phóng nguồn dự trữ, một số tỉnh cũng hỗ trợ tài chính cho các hộ chăn nuôi heo tư nhân để tăng nguồn cung. Tuy nhiên, cho đến nay, tất cả những giải pháp nói trên vẫn chưa thực sự ngăn đà tăng giá thịt heo ở Trung Quốc.
Trước việc giá thịt heo liên tục tăng cao ở Trung Quốc và hiện đã gấp rưỡi giá heo ở Việt Nam, nhiều nhà chăn nuôi đang đặt ra câu hỏi có nên tạo điều kiện xuất khẩu heo sang Trung Quốc qua đường mậu dịch biên giới?
Theo ông Nguyễn Trí Công, Bộ NN-PTNT và Bộ Công thương cần có đánh giá về nhu cầu thị trường, về nguồn cung, qua đó có khuyến cáo kịp thời với người chăn nuôi là với tình hình cung - cầu như hiện tại, thì chỉ nên nuôi heo ở mức độ nào…
Đồng thời, để giảm bớt lượng heo đang dư thừa hiện nay, cần có sự linh động nào đó về mậu dịch biên giới để góp phần gỡ khó cho người nuôi heo. Đại diện một công ty chăn nuôi lớn ở Đồng Nai (xin không nêu tên) cũng cho rằng tạo điều kiện cho xuất khẩu biên mậu đối với heo hơi vào thời điểm này là giải pháp cần được cân nhắc, xem xét khi nguồn cung đang cao hơn so với nhu cầu trong nước.