Giá heo hơi trong nước đang có đợt giảm liên tục kéo dài trong nhiều tháng. |
Giá heo hơi trong nước đang có đợt giảm liên tục kéo dài trong nhiều tháng. Giá heo từ lúc đạt đỉnh từ hồi tháng 7 thì đến nay giá đã 'bốc hơi' khoảng 15.000 đồng/kg. Tiếp đà giảm, heo hơi hôm nay giao động quanh mức....
Giá heo hơi tiếp tục giảm, nơi thấp nhất còn 52.000 đồng
Giá heo hơi hôm nay (04/11) tiếp tục giảm từ 1.000 đến 2.000 đồng/kg. Thị trường heo hơi vẫn diễn biến thất thường, khiến người chăn nuôi vô cùng khó khăn.
Tại khu vực miền Bắc, thị trường heo hơi không ghi nhận biến động mới về giá. Hiện tại, thương lái tỉnh Vĩnh Phúc đang thu mua heo hơi với giá thấp nhất khu vực là 53.000 đồng/kg. Trong khi đó, mức giá cao nhất tiếp tục được ghi nhận tại TP Hà Nội là 58.000 đồng/kg.
Thị trường khu vực miền Trung, Tây Nguyên giảm 1.000 đồng/kg so với ngày hôm qua. Cụ thể, tỉnh Đắk Lắk đưa giao dịch về mức 52.000 đồng/kg, thấp nhất khu vực. Cao hơn một giá ở mức 53.000 đồng/kg gồm có các tỉnh Nghệ An và Ninh Thuận.
Các tỉnh thành còn lại giao dịch ổn định trong khoảng 54.000 - 57.000 đồng/kg. Tại miền Nam, giá heo hơi giảm 2.000 đồng/kg trong hôm nay.
Theo đó, sau khi hạ hai giá, heo hơi tại tỉnh Kiên Giang đang được thu mua với giá thấp nhất khu vực là 51.000 đồng/kg, ngang bằng với Sóc Trăng. Các tỉnh thành còn lại có giá đi ngang so với ngày hôm qua.
Chi phí đầu vào tăng nhưng giá bán sản phẩm đầu ra lại giảm nên đã gây áp lực lớn cho người chăn nuôi. |
Nguồn cung thịt heo dồi dào trong khi người mua tiết giảm
Nhận định về những khó khăn của người nuôi heo, ông Nguyễn Kim Đoán, Phó chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai, cho biết: Do giá thức ăn chăn nuôi, giá con giống và các chi phí khác đều tăng cao, tỷ lệ đàn hao hụt do dịch bệnh vẫn lớn nên giá thành nuôi heo hiện bị đẩy lên khá cao. Với các hộ nuôi nhỏ lẻ không chủ động được nguồn giống, lo thua lỗ nên hầu như không mặn mà tái đàn cung cấp cho thị trường Tết Nguyên đán sắp tới.
Chi phí đầu vào tăng nhưng giá bán sản phẩm đầu ra lại giảm nên đã gây áp lực lớn cho người chăn nuôi. Số liệu ước tính của Tổng cục Thống kê cho thấy đàn heo cả nước tính đến thời điểm cuối tháng 9.2022 là 24,73 triệu con, tăng 8,8% so với cùng thời điểm năm 2021; sản lượng thịt heo hơi xuất chuồng 9 tháng ước đạt 3,2 triệu tấn, tăng 5,8% so với cùng kỳ năm 2021. Nguồn cung tăng trong khi nhu cầu tiêu thụ trong nước lại giảm sút đã gây nên tình trạng mất cân đối cung cầu, dẫn đến giá giảm.
Ông Nguyễn Trí Công, Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai, cũng đồng tình: “Hiện nay tình hình kinh tế trong nước khó khăn, thu nhập của người lao động giảm sút, đa số người tiêu dùng phải thắt lưng buộc bụng, lựa chọn nguồn thực phẩm giá rẻ thay thế cho thịt heo. Chính vì vậy, sức mua thịt heo trên thị trường càng ngày càng yếu, dẫn tới giá bán giảm mạnh”.
Thị trường thịt heo VN nguồn cung lại dư thừa, sức mua yếu, giá giảm gây thua lỗ cho người chăn nuôi. |
Đề xuất mở biên vẫn chưa được phản hồi
Ông Nguyễn Trí Công nhận định giá thịt heo trong nước hiện nay đang có sự chênh lệch khá lớn so với các nước xung quanh. Đơn cử thịt heo Trung Quốc gần 90.000 đồng/kg, thịt heo Thái Lan cũng xấp xỉ 80.000 đồng/kg. Thị trường Trung Quốc mặc dù đã được chính phủ nước này nỗ lực bình ổn giá nhưng nhu cầu tiêu thụ cao đã khiến giá thịt heo tăng mạnh.
Ngược lại, thị trường VN nguồn cung lại dư thừa, sức mua yếu, giá giảm gây thua lỗ cho người chăn nuôi. “Nên chăng nhà nước cần điều hành linh hoạt, tháo bớt van để giảm bớt lượng thịt heo dư thừa trong nước? Hiện nay thịt heo VN chưa thể xuất khẩu chính ngạch, kể cả xuất sang Trung Quốc nên chỉ có thể giao dịch theo hình thức mậu biên, trao đổi hàng hóa qua biên giới”, ông Công đề xuất.
Trước đây, do giá heo trong nước tăng cao, nên việc xuất khẩu tiểu ngạch qua Trung Quốc và Campuchia được kiểm soát nghiêm ngặt. Đến nay, nguồn cung trong nước đang dư thừa, đại diện Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai đề xuất cần “mở” lại đường mòn lối mở để hỗ trợ người chăn nuôi tiêu thụ.
Với đề xuất này, ông Lê Xuân Huy, Phó tổng giám đốc Công ty C.P Việt Nam, cũng đồng ý: “Tôi cho rằng đây là ý kiến hợp lý trong giai đoạn hiện nay. Giá heo có thể sẽ còn duy trì ở mức thấp, thậm chí còn xuống nữa, vì nguồn cung đang ổn định mà nhu cầu lại thấp. Trường hợp giá heo tăng lại thì chỉ kỳ vọng vào nhu cầu tiêu thụ nhiều dịp cuối năm, nhưng mức tăng cũng sẽ không nhiều”.
Đề xuất “mở biên” cho xuất heo tiểu ngạch dù được các đại diện hiệp hội và doanh nghiệp đề xuất nhiều lần. Nhưng tới nay, chưa có sự phản hồi cụ thể từ phía Bộ ngành liên quan.
Tăng giá heo sẽ chất thêm mối lo lạm phát
Trong báo cáo mới nhất về một số vấn đề được dư luận quan tâm, Bộ Tài chính nhận định: Từ nay từ nay đến cuối năm còn nhiều áp lực lên mặt bằng giá, từ biến động phức tạp, khó lường của giá các mặt hàng chiến lược trên thị trường thế giới nhất là giá các mặt hàng năng lượng, lương thực, nguyên vật liệu cho sản xuất đến việc thực hiện lộ trình giá thị trường một số mặt hàng do Nhà nước quản lý; nguy cơ tiềm ẩn từ dịch bệnh, thiên tai, bão lụt…có thể gây khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh và chuỗi cung ứng hàng hóa dịch vụ.
Ngoài ra, trong nửa cuối năm, khi các gói trong chương trình phục hồi của Chính phủ được triển khai quyết liệt, bên cạnh việc hỗ trợ nền kinh tế phục hồi tốt hơn thì ít nhiều cũng sẽ gây áp lực tới việc kiểm soát lạm phát do tổng cầu phục hồi tốt hơn, nhu cầu chi tiêu, du lịch của người dân tăng lên sau thời gian dài bị hạn chế bởi đại dịch COVID-19.
Nếu không có sự hỗ trợ về giá heo, người chăn nuôi sẽ ngày càng thua lỗ và bỏ chuồng. |
Tuy nhiên, theo nhận định của Bộ Tài chính, vẫn có những yếu tố giảm áp lực lên mặt bằng giá. Hiện nay, hầu hết các ngân hàng trung ương trên thế giới đều có những điều chỉnh chính sách, trong đó chú trọng thắt chặt chính sách tiền tệ để ưu tiên kiểm soát lạm phát. Khi lạm phát ở các nước được kiểm soát, áp lực từ môi trường bên ngoài có thể giúp kiểm soát lạm phát trong nước, kỳ vọng lạm phát được neo giữ tốt hơn. Đồng thời, sự kiên định trong chủ trương ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát của Quốc hội và Chính phủ, sự quyết liệt trong chỉ đạo của Ban Chỉ đạo điều hành giá giúp củng cố niềm tin của doanh nghiệp và người dân.
Ngoài ra, nguồn cung các mặt hàng tiêu dùng, lương thực, thực phẩm trên thị trường hiện vẫn dồi dào cùng với các chính sách tài khóa đang và dự kiến triển khai cũng góp phần làm giảm áp lực lên mặt bằng giá.
Trong báo cáo về kịch bản giá cả hàng hóa những tháng cuối năm vừa công bố, Cục Chế biến và Phát triển Thị trường Nông sản cho biết giá thịt heo được Bộ Tài Chính dự báo tăng cao. Trong đó có hai kịch bản gồm giá thịt heo tăng thêm 10% hoặc 15%. Với các kịch bản này, giá heo hơi dự báo những tháng cuối năm tăng lên 68.000-70.000 đồng/kg.
Như vậy, có thể nhận định rằng, nếu để giá heo tăng cao sẽ ảnh hưởng tới nỗ lực kiềm chế làm phát, tạo áp lực lên mặt bằng giá.
Theo Nguyễn Kim Đoán, giá heo hơi bình quân của Trung Quốc hiện 90.000 đồng/kg, cao hơn Việt Nam 35.000 đồng/kg; giá heo hơi Thái Lan là 80.000 đồng/kg. Do đó, nên xem xét cho xuất heo qua các thị trường này để cải thiện giá heo hơi trong nước.
Từ nay đến cuối năm nếu không có giải pháp hỗ trợ tiêu thụ, không cho mở biên xuất heo mà tiếp tục khóa chặt đầu mối xuất khẩu thì giá heo có thể càng giảm, người nuôi chịu nhiều áp lực mà bỏ chuồng - ông Đoán nhận định./.