Ế 13.400 lượng vàng miếng ở phiên đấu thầu lần 5 |
3 đơn vị trúng 3.400 lượng
Ngân hàng Nhà nước vừa công bố kết quả tổng hợp phiên đấu thầu vàng miếng SJC sáng nay, 8/5.
Theo đó, có 3 thành viên trúng thầu với tổng khối lượng trúng thầu là 34 lô (3.400 lượng vàng).
Giá trúng thầu duy nhất là 86,05 triệu đồng/lượng, cao hơn 750.000 đồng/lượng so với giá tham chiếu.
Như vậy, đã có 3.400 lượng vàng miếng SJC được đấu thầu thành công trong tổng số 16.800 lượng được NHNN đem ra đấu giá.
Đây là phiên đấu giá thành công thứ hai trong tổng số 5 phiên đấu giá. Tổng số lượng vàng đấu giá thành công sau hai phiên này là 6.800 lượng.
Trong lần đấu giá thành công trước đó vào hôm 23/4, đã có 2 thành viên trúng thầu, tổng khối lượng 34 lô (3.400 lượng). Giá trúng thầu cao nhất 82,33 triệu đồng/lượng, giá trúng thầu thấp nhất 81,32 triệu đồng/lượng.
Về diễn biến giá vàng trong nước tại thời điểm 11h trưa nay, giá vàng miếng tại SJC tăng nhẹ 300.000 đồng so với đầu giờ sáng, lên 85,2 - 87,5 triệu đồng một lượng, xấp xỉ với giá đóng cửa vào cuối chiều qua. Hiện, mỗi lượng vàng miếng SJC cao hơn thế giới trên 16,5 triệu đồng trong khi mức chênh cách đây khoảng 2 tuần chỉ 12-14 triệu đồng.
Không nên đấu thầu vàng mà cho phép nhập khẩu vàng
Ảnh VnE |
Đấu thầu vàng miếng là giải pháp được Ngân hàng Nhà nước đưa ra với kỳ vọng tăng cung qua đó giảm chênh lệch giá vàng miếng với thế giới.
Tuy nhiên, hầu hết đơn vị tham gia các đợt đấu thầu "không thỏa mãn" với giá sàn do Ngân hàng Nhà nước đưa ra. Đại diện các bên tham gia và giới chuyên gia cho biết mức giá sàn đấu thầu vàng miếng quá cao, khiến doanh nghiệp dễ gặp rủi ro khi phải bỏ ra lượng vốn lớn trong bối cảnh giá thế giới có xu hướng đi xuống.
Nếu muốn giảm chênh lệch với giá quốc tế, nhà điều hành cần bán ra với giá sát hoặc thấp hơn thị trường trong nước. "Trường hợp Ngân hàng Nhà nước vẫn đấu thầu như một đơn vị kinh doanh thay vì vai trò cơ quan quản lý can thiệp thị trường, thì mục tiêu kéo gần với thế giới còn xa vời", một chuyên gia nhìn nhận.
Ông Lê Xuân Nghĩa - thành viên Hội đồng tư vấn Chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia cho rằng, muốn kéo giá vàng SJC xuống chỉ có cách cho nhập khẩu vàng. Tuy nhiên, việc này không lo ảnh hưởng đến tỷ giá vì một năm tỷ giá cho nhập vàng chỉ khoảng 3 tỷ USD.
“Nếu giá trong nước cứ cao sẽ dẫn đến buôn lậu vàng. Buôn lậu vàng cũng phải dùng USD trong nước đi mua. Chúng ta nên cho nhập và quản lý bằng thuế”, ông Nghĩa nhấn mạnh.
Theo ông Nghĩa, nếu muốn giảm giá vàng thông qua đấu thầu vàng thì mức giá đưa ra đấu thầu phải thấp. Ví dụ, giá vàng thế giới quy đổi ra khoảng 71 triệu đồng/lượng, giá đấu thầu 71 triệu đồng/lượng, có như vậy mới thu hút được người mua. Bởi khi đó, các đơn vị tham gia hy vọng mua với giá 71 triệu đồng/lượng và bán ra 72 triệu đồng/lượng. Bán ra với mức giá 85 triệu để bán lại với giá 80 triệu thì không đơn vị nào tham gia.
"Đơn vị đấu thầu để tăng cung lại có "hại" cho chính mình, mua giá cao - bán giá thấp, doanh nghiệp sẽ chết. Vì vậy, nguyên tắc đấu thầu để giảm giá chẳng có cách nào khác là tăng nguồn cung bằng cách cho phép các đơn vị kinh doanh vàng xuất nhập khẩu tự do và quản lý bằng thuế", ông Nghĩa nói.
Chuyên gia dự báo: Giá vàng trong nước sẽ còn tăng “nóng” |
Vàng miếng xác lập kỷ lục mới 86,2 triệu đồng, dự báo tiếp tục tăng nóng |
Cấm mua bán vàng bằng tiền mặt: Tốt nhưng khó thực hiện? |