Làng văn hóa Quỳnh Sơn |
Nhắc tới du lịch Lạng Sơn - một trong những địa phương nổi bật ở miền Đông Bắc nước ta, phần đồng du khách sẽ nhớ tới đỉnh Mẫu Sơn, tới thị trần Đồng Đăng với phố Kỳ Lừa, tới núi Tô Thị hay chùa Tam Thanh. Bởi vậy mà dân gian còn có câu ca dao: "Đồng Đăng có phố Kỳ Lừa/Có nàng Tô Thị, có chùa Tam Thanh."
Tuy nhiên, ở phố núi miền Đông Bắc còn có một ngôi làng vô cùng đặc biệt, được nhiều du khách quan tâm trong thời gian gần đây. Đó là làng Quỳnh Sơn, hay có tên gọi chính thức là Làng văn hóa du lịch cộng đồng Quỳnh Sơn.
Làng Quỳnh Sơn tọa lạc tại thị xã Quỳnh Sơn, huyện Bắc Sơn, tỉnh Lạng Sơn, cách trung tâm tỉnh Lạng Sơn khoảng 80km về phía Tây Nam. Dân cư trong làng đa số là người dân tộc Tày với hơn 400 hộ gia đình, khoảng 1800 người dân sinh sống. Năm 2010, làng Quỳnh Sơn bắt đầu đi vào hoạt động dưới tên chính thức là Làng văn hóa du lịch cộng đồng Quỳnh Sơn.
Đường đi đến làng khá thuận tiện, do đó khách du lịch có thể đến làng bằng nhiều phương tiện khác nhau như xe khách, tàu hỏa hoặc cũng có thể tự lái xe máy hay ô tô đều được.
Vẻ đẹp của ngôi làng có các mái nhà cùng quay về một hướng
Những mái nhà âm dương tại làng Quỳnh Sơn nhìn từ trên cao |
Lần đầu đến với làng Quỳnh Sơn, du khách chắc chắn sẽ choáng ngợp trước vẻ đẹp thơ mộng như tranh của vùng đất này. Nơi đây có những hang động hoang sơ ẩn nấp dưới chân của những ngọn núi đá vôi cao vút, những con suối nhỏ trong vắt uốn lượn như những mảnh khăn lụa vắt trên nền xanh ngát của những cánh đồng lúa trải dài. Bầu trời trong xanh, gió thổi mát rượi, không gian yên tĩnh và không khí trong lành, đây là một địa điểm không thể bỏ lỡ dành cho những ai muốn tạm rời xa khói bụi ồn ào nơi phố thị.
Ngoài vẻ đẹp thiên nhiên trời phú, nơi đây còn được con người điểm tô thêm một vẻ đẹp độc đáo bằng hình ảnh của hàng trăm ngôi nhà sàn với kiến trúc đồng nhất, lợp ngói âm dương, có lưng tựa về dãy núi đá vôi và đều quay về hướng Nam.
Cho đến tận bây giờ, chẳng ai có thể giải thích chính xác tại sao mà người dân nơi đây đều xây nhà quay về hướng Nam. Chỉ biết trong dân gian truyền tai nhau rằng “Lấy vợ hiền hòa, làm nhà hướng Nam” nên người dân đều xây nhà theo hướng này với ý muốn cầu mong một cuộc sống đầy đủ, sung túc và êm ấm.
Tuy nhìn từ trên cao, các ngôi nhà với mái nhà âm dương cùng quay về một hướng nên khó phân biệt, nhưng nếu quan sát ở khoảng cách gần, bạn sẽ nhận ra từng ngôi nhà sẽ có kiến trúc riêng biệt ở cửa, tường nhà hay hàng hiên. Các ngôi nhà ở đây đều được xây dựng với mái nhà âm dương, không những thể hiện được kiến trúc đặc trưng của dân tộc mà còn mang đến không khí mát mẻ vào mùa hè và ấm áp vào mùa đông.
Du lịch gắn liền với văn hóa cộng đồng
Lễ hội Lồng Tồng tại làng Quỳnh Sơn |
Thật may dưới sự phát triển của xã hội, làng Quỳnh Sơn với khởi điểm là một làng nông nghiệp sau đó kết hợp phát triển du lịch như ngày nay nhưng vẫn giữ được vẻ đẹp văn hóa truyền thống nơi đây. Đến với Quỳnh Sơn, du khách sẽ được lưu trú tại chính những căn nhà sàn của người dân địa phương, được trải nghiệm cuộc sống lao động nông nghiệp hàng ngày và được thưởng thức các món ăn truyền thống như bánh chưng đen, phở chua, thịt tái, xôi cẩm.
Nếu đến làng Quỳnh Sơn vào mỗi dịp 12, 13 tháng Giêng, du khách còn được tham gia lễ hội Lồng Tồng. Đây là lễ hội xuống đồng của người dân nơi đây với ý nghĩa cầu mong mùa màng trong năm luôn được tốt tươi. Tại thời gian này, du khách sẽ có cơ hội trải nghiệm các hoạt động mang đậm nét văn hoá Đông Bắc như ném còn, đánh đu, hát ví, hát Then, múa Tán Đàn…
Bên cạnh đó, làng còn là nơi lưu giữ những giá trị lịch sử lâu đời với hệ thống di tích lịch sử - văn hóa bao gồm đình Quỳnh Sơn - ngôi đình thờ Quý Minh Đại Vương hàng trăm năm tuổi hay Cầu Rá Riềng - nơi ghi lại chiến công anh dũng của công quân và dân ta đã góp phần làm nên chiến thắng vẻ vang của cuộc khởi nghĩa Bắc Sơn năm 1940.
Để trở thành làng du lịch văn hóa cộng đồng như ngày nay, làng Quỳnh Sơn đã có những định hướng đúng đắn khi mang những di sản đậm nét truyền thống và văn hóa bản địa để “làm” du lịch. Trong mô hình này, các hộ gia đình sẽ tham gia vào chuỗi cung ứng và quản lý du lịch. Tức là nhà dân sẽ trở thành nơi lưu trú, người dân sẽ trở thành đầu bếp để cung cấp những món đặc sản cho du khách.
Tuy ban đầu trong làng chỉ có 5 hộ gia đình đạt chuẩn để tham gia mô hình này, nhưng nhờ sự định hướng, động viên và hỗ trợ của chính quyền địa phương, các ngôi nhà còn lại lần lượt được nâng cấp, cải tạo để đạt điều kiện đón khách du lịch. Tức là các hộ dân nơi đây phải cải tạo lại tầng 1 của ngôi nhà - vốn là nơi để nhốt trâu bò, gia súc hoặc để công cụ và làm kho chứa thóc lúa để trở thành nơi sạch sẽ, khan trang hơn để đón khách du lịch.
Như vậy, ngoài thu nhập chính đến từ làm nông, người dân địa phương cũng có thêm nguồn thu nhập khác từ cung cấp dịch vụ du lịch. Điều này đã góp phần to lớn trong việc mang đến cuộc sống sung túc cho người dân, đồng thời cũng là cơ hội để giới thiệu những nét văn hóa tốt đẹp của dân tộc.
Như vậy, với cảnh sắc thơ mộng hữu tình, người dân thân thiện cùng với nét văn hóa truyền thống đặc trưng, làng Quỳnh Sơn xứng đáng trở thành một địa điểm du lịch không thể bỏ qua khi đến với vùng đất Lạng Sơn. Tuy nhiên, do quy mô du lịch tại làng vẫn chưa lớn nên nếu có kế hoạch du lịch địa điểm này, bạn hãy nhớ đặt phòng trước để chắc chắn có nơi ở khi đến làng nhé.
Cách di chuyển đến làng văn hoá Quỳnh Sơn
Cách di chuyển đến làng văn hoá Quỳnh Sơn |
Ngôi làng này nằm cách Hà Nội 180km với giao thông thuận tiện, bạn có thể đi đến làng văn hóa Quỳnh Sơn theo 3 cách dưới đây:
Đi xe khách: Mỗi ngày có nhiều chuyến xe chạy từ các bến xe Mỹ Đình, Gia Lâm (Hà Nội) đến Lạng Sơn. Chỉ mất 4 - 5 tiếng bạn sẽ đến nơi. Giá vé: từ 100.000 – 170.000VNĐ/ người.
Đi tàu hoả: Bạn mua vé tàu đi Đồng Đăng ở ga Hà Nội vào lúc 7h sáng, thời gian di chuyển về tới ga Lạng Sơn mất khoảng hơn 4 giờ đồng hồ, sau đó đi tới ga cuối Đồng Đăng. Giá vé: từ 80.000 – 115.000VNĐ/ người.
Phương tiện cá nhân: Nếu muốn phượt bằng xe máy các bạn sẽ mất khoảng 4 - 5 tiếng, đi theo cung đường Hà Nội – Bắc Ninh – Bắc Giang – Lạng Sơn, hay đơn giản hơn là theo QL5 rồi rẽ qua đường 1A.
Tới Lạng Sơn, bạn thuê xe máy hoặc đón xe ôm đi tới làng văn hóa Quỳnh Sơn. Khoảng cách từ trung tâm thành phố Lạng Sơn tới làng văn hóa Quỳnh Sơn khoảng 85km và có thời gian di chuyển khoảng 1,5 giờ đồng hồ.
Thời điểm lý tưởng nhất đi làng văn hóa Quỳnh Sơn
Thời điểm lý tưởng nhất đi làng văn hoá Quỳnh Sơn |
Làng du lịch văn hóa Quỳnh Sơn vào mỗi thời điểm, mỗi mùa lại có những vẻ đẹp riêng, tùy theo sở thích cũng như điều kiện, bạn có thể đến làng Quỳnh Sơn vào bất cứ thời điểm nào. Nếu bạn muốn đến làng văn hóa Quỳnh Sơn để thư giãn, nghỉ ngơi … thì mùa hè hoặc cuối tuần là những thời điểm tuyệt vời nhất.
Du lịch Quỳnh Sơn vào mùa động bạn sẽ có cơ hội ngắm cảnh tuyết rơi tuyệt đẹp, chỉ cần đi đến đỉnh Mẫu Sơn - Một quần thể núi đồi hoang vu, thơ mộng. Nếu muốn khám phá văn hóa dân tộc và tham gia vào các lễ hội đặc sắc thì tháng Giêng là thời điểm lý tưởng nhất.
Ăn gì khi tới làng du lịch văn hóa Quỳnh Sơn?
Món khâu nhục đặc sản nức tiếng xứ Lạng |
Kinh nghiệm đi làng văn hóa Quỳnh Sơn ngoài tham quan,du khách còn có cơ hội khám phá ẩm thực đặc sắc như:
Phở chua: Là món đặc sản của làng văn hóa Quỳnh Sơn cũng như người dân Lạng Sơn nói chung, thường được thưởng thức vào mùa hè và thu. Phở chua là món ăn dùng để chiêu đãi khi có khách quý ghé thăm.
Bánh cuốn trứng: Là món ăn được chế biến đơn giản nhưng ngon đến bất ngờ.
Khâu nhục: Là món ăn cổ truyền của dân tộc Tày, Nùng, thường được nhìn thấy trong lễ cưới, lễ tết, đám nhà mới.
Ngoài ra, văn hoá ẩm thực ở làng Quỳnh Sơn cũng rất đáng để du khách khám phá với những món ăn đặc trưng của người dân tộc miền núi như: Bánh chưng đen, thịt tái, xôi cẩm, lạp xưởng,…