Tại tỉnh Đắk Nông, chỉ trong thời gian ngắn, lực lượng Công an các cấp trong tỉnh đã liên tiếp phát hiện, triệt phá các vụ tàng trữ, mua bán trái phép chất ma túy dưới hình thức bán thuốc lá điện tử.
Ngày 24/3/2023, qua công tác nghiệp vụ, Đội CSĐT tội phạm về HS - KT - MT Công an huyện Krông Nô, tỉnh Đắk Nông phối hợp với Công an thị trấn Đắk Mâm và Công an xã Nam Đà bắt quả tang Nguyễn Thị Dạ T (SN 1996), trú tại huyện Krông Nô đang bán 1 gói thuốc lá cho 1 đối tượng trên địa bàn, thu giữ 2 gói thuốc lá. Khám xét nơi ở của đối tượng, lực lượng Công an thu giữ thêm 7 gói thuốc lá và 5 cây thuốc lá điện tử.
Theo kết quả giám định, số thuốc lá và thuốc lá điện tử nói trên đều có chứa chất ma tuý ADB-BUTINACA, là loại ma tuý mới xuất hiện tại Việt Nam, có nhiều tác hại rất nguy hiểm, gây ảnh hưởng đến thần kinh, sức khoẻ của người sử dụng, đặc biệt là lứa tuổi vị thành niên đang trong giai đoạn phát triển thể chất và trí não.
Tràn lan thuốc lá điện tử bán ở gần trường học. |
Bước đầu T khai nhận, mặc dù biết các loại thuốc lá nói trên có chứa chất ma túy nhưng vì lợi nhuận nên thông qua mạng xã hội T đã mua về bán lại cho thanh thiếu niên trên địa bàn để kiếm lời. Cơ quan CSĐT Công an huyện Krông Nô đã ra quyết định khởi tố vụ án khởi tố bị can và lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú đối với Nguyễn Thị Dạ T về hành vi mua bán trái phép chất ma tuý.
Trước đó, ngày 17/3, lực lượng Công an TP Gia Nghĩa phát hiện tại cửa hàng kinh doanh Mini Shop 2 ở phường Nghĩa Thành, thành phố Gia Nghĩa do Trần Đình L (SN 1989) và Lê Thị Thảo N (SN 1999), cùng trú tại huyện Đắk R’lấp làm chủ đang bán 20 điếu thuốc lá không nhãn hiệu, không rõ nguồn góc xuất xứ (nghi tẩm chất gây nghiện) cho một khách hàng với giá 500.000 đồng. Khám xét địa điểm kinh doanh này, lực lượng Công an phát hiện thu giữ 19 mã sản phẩm đầu hút điện tử (Pod), 143 điếu thuốc lá điện tử các loại; hơn 909g thảo mộc khô màu nâu (nghi là chất gây nghiện); 10 mã sản phẩm tinh dầu (24 chai) thuốc lá điện tử không rõ nguồn gốc. Theo kết luận giám định ngày 05/4/2023, số tang vật thu giữ nói trên có chứa chất ma tuý loại ADB-BUTINACA, có tổng khối lượng là 106,43 gam.
Ngày 13/4/2023, Cơ quan CSĐT Công an thành phố Gia Nghĩa đã ra quyết định tạm giữ hình sự đối với Trần Đình L để điều tra, làm rõ về hành vi mua bán trái phép chất ma túy, đồng thời tiếp tục củng cố hồ sơ để xử lý Lê Thị Thảo N và các đối tượng liên quan theo quy định của pháp luật.
Đối tượng T bị cơ quan quan điều tra đọc lệnh tạm giam hành vi mua bán trái phép chất ma túy. |
Theo Cơ quan Công an, thuốc lá điện tử là thiết bị chạy bằng pin dùng để làm nóng dung dịch lỏng, biến dung dịch này thành hơi cùng những luồng khói có hương thơm để người sử dụng có thể hít vào phổi. Hầu hết các mẫu thuốc lá điện tử hiện nay sử dụng ống chứa dung dịch – loại dùng một lần hoặc có thể bơm dịch vào để dùng tiếp.
Thuốc lá điện tử có nhiều tên gọi khác nhau như vape, thuốc lá vaporizer, e-cigs, e-hookahs, bút vape… được thiết kế đa dạng với hình dáng bắt mắt: có thể giống điếu thuốc lá truyền thống hoặc giống như bút, ổ đĩa, hình thỏi son… Do vậy, học sinh, sinh viên dễ dàng sử dụng, mang vào lớp học, mang đi chơi mà không lo bị phát hiện.
Chất ADB-Butinaca, thuộc nhóm chất cần sa tổng hợp, mới được đưa vào quản lý theo Nghị định 57/2022/NĐ-CP, ngày 25/8 của Chính phủ quy định các danh mục chất ma tuý và tiền chất. Khi sử dụng nó gây ra ảo giác, kích thích thần kinh trung ương giống như hoạt chất THC có trong cần sa. Tuy nhiên, nó khác là chất ADB-Butinaca được tổng hợp từ các hoá chất, các đối tượng điều chế để tạo ra chất này, có tác dụng tương tự như hoạt chất ma tuý cần sa.
Nhiều học sinh tuổi mới lớn đang dùng thuốc lá điện tử để thể hiện bản thân. |
Bên cạnh đó, trên thị trường gần đây cũng xuất hiện tinh dầu cần sa (CBD), để trộn vào tinh dầu thuốc lá điện tử. Chúng có thể được sản xuất từ cây tài mà (cần sa giải trí) hoặc cây gai dầu công nghiệp.
Thực tế, trong tinh dầu của thuốc lá điện tử có chất nicotin và một số các chất thơm. Khi chế tạo, các đối tượng đã pha thêm chất ma tuý nhóm cần sa tổng hợp. Vì chất ma tuý này không màu, không mùi, lại lẫn mùi của tinh dầu nên bằng cảm quan thông thường khó có thể nhận biết được. Chỉ người bán và đối tượng sử dụng có thể biết được thuốc lá điện tử có chất ma tuý. Để lôi kéo người sử dụng, ban đầu các đối tượng cho người sử dụng dùng thử như thuốc lá điện tử thông thường, để lôi kéo. Khi người dùng đã “bị lệ thuộc”, có nhu cầu sử dụng thường xuyên, các đối tượng sẽ bán với giá thành cao hơn…
Để góp ngăn chặn các loại ma tuý núp bóng thuốc lá điện tử, bên cạnh những nỗ lực của các cơ quan chức năng, sự vào cuộc, chung tay của gia đình và nhà trường đóng vai trò rất quan trọng. Các gia đình nên dành nhiều thời gian quan tâm đến con em trong tuổi vị thành niên; phối hợp chặt chẽ với nhà trường để khuyến cáo không sử dụng ma tuý, không sử dụng thuốc lá, thuốc lá điện tử nói riêng; tuyên truyền cho học sinh, sinh viên hiểu biết đầy đủ về những tác hại khôn lường của thuốc lá, của ma tuý, để cùng xây dựng môi trường lành mạnh, không khói thuốc lá.
Nhà trường cần tổ chức thực hiện hiệu quả chương trình giáo dục về phòng, chống ma túy; phổ biến, giáo dục pháp luật về phòng, chống ma túy cho học sinh, sinh viên, học viên; quản lý chặt chẽ, ngăn chặn học sinh, sinh viên, học viên vi phạm pháp luật về phòng, chống ma túy và có biện pháp ngăn chặn hiệu quả.