Đưa vào sử dụng thuốc tiêm điều trị 15 loại ung thư từ tháng 6 tới Ung thư thực quản: Sát thủ âm thầm với 10 dấu hiệu dễ bị bỏ qua Những thực phẩm ít đường chuyên gia khuyên dùng |
Mặc dù một số nghiên cứu trên động vật cho thấy việc nhịn ăn hoặc hạn chế năng lượng có thể làm chậm quá trình phát triển của tế bào ung thư, tuy nhiên, đến nay, chưa có bằng chứng khoa học đáng tin cậy nào xác nhận rằng phương pháp này có thể chữa khỏi ung thư ở người.
![]() |
Đến nay, chưa có bằng chứng khoa học đáng tin cậy nào về nhịn ăn điều trị ung thư. |
Đó là khẳng định của bác sĩ chuyên khoa 2 Đinh Trần Ngọc Mai, công tác tại Khoa Dinh dưỡng - Tiết chế, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM.
Nhịn ăn kéo dài tiềm ẩn nhiều nguy cơ
Theo bác sĩ Mai, trong quá trình điều trị ung thư, cơ thể bệnh nhân vốn đã suy yếu do tác dụng phụ của các phương pháp như hóa trị, xạ trị. Các triệu chứng thường gặp gồm buồn nôn, nôn ói, viêm loét niêm mạc miệng, rối loạn tiêu hóa… khiến người bệnh chán ăn, hấp thu kém.
“Nếu người bệnh còn áp dụng chế độ nhịn ăn nhiều ngày, tình trạng suy kiệt sẽ diễn ra nhanh chóng, kéo theo mất khối cơ, suy giảm miễn dịch, giảm khả năng dung nạp thuốc điều trị và tăng nguy cơ biến chứng,” bác sĩ Mai cảnh báo.
Theo thống kê mới nhất từ Hiệp hội Dinh dưỡng lâm sàng và Chuyển hóa châu Âu (ESPEN) năm 2024, có từ 60 – 80% bệnh nhân ung thư bị suy dinh dưỡng trong quá trình điều trị, tùy thuộc loại và giai đoạn bệnh. Đáng chú ý, ở bệnh nhân ung thư đường tiêu hóa, tỷ lệ này có thể vượt quá 70%.
Ngoài ra, việc nhịn ăn kéo dài còn dẫn đến mất cân bằng điện giải, hạ đường huyết, giảm chức năng tim mạch và não bộ – những biến chứng nguy hiểm có thể đe dọa tính mạng nếu không được can thiệp kịp thời.
Chuyên gia dinh dưỡng nhấn mạnh, người bệnh ung thư cần được đánh giá tình trạng dinh dưỡng đầy đủ và xây dựng chế độ ăn phù hợp với từng giai đoạn điều trị, dưới sự hướng dẫn của đội ngũ y tế. Việc tự ý áp dụng các phương pháp nhịn ăn không có cơ sở khoa học có thể gây hậu quả nghiêm trọng.
![]() |
Người bệnh ung thư cần được đánh giá tình trạng dinh dưỡng đầy đủ và xây dựng chế độ ăn phù hợp. |
Ăn uống khoa học thay vì nhịn ăn
Thay vì nhịn ăn để “thanh lọc cơ thể” hay “chống ung thư”, bác sĩ Ngọc Mai khuyến nghị nên hướng đến chế độ ăn cân bằng, lành mạnh:
Tăng cường rau xanh, trái cây tươi giàu chất chống oxy hóa.
Hạn chế thịt đỏ, thực phẩm chế biến sẵn, ưu tiên đạm từ cá, đậu, hạt.
Ưu tiên cách nấu lành mạnh như hấp, luộc, xào nhanh.
Dùng ngũ cốc nguyên hạt thay vì tinh chế.
Giảm đường và muối để hạn chế viêm và nguy cơ bệnh mạn tính.
“Nhịn ăn không phải là phương pháp tối ưu để giảm cân hay phòng ngừa ung thư. Điều quan trọng là xây dựng chế độ dinh dưỡng phù hợp, kết hợp lối sống tích cực, vận động hợp lý và tuân thủ phác đồ điều trị,” bác sĩ Mai chia sẻ.
![]() |
![]() |
![]() |