![]() |
Vừa lập đỉnh xuất khẩu, sầu riêng Việt Nam đã phải nhận "cảnh báo khẩn". |
"Cảnh báo khẩn" xuất khẩu sầu riêng
Thông tin "cảnh báo khẩn" đối với sầu riêng Việt Nam được bà Hoàng Thị Liên - Chủ tịch Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam (VPA) - đưa ra tại một hội nghị về xuất khẩu hồ tiêu cuối tháng 12/2022.
Nguyên nhân là do giá tiêu giảm và đang điều chỉnh theo chu kỳ ổn định, trong khi sầu riêng mang lại lợi nhuận cao nên bà con nông dân tìm cách trồng cây sầu riêng xen với các vườn tiêu.
Theo bà Liên, nông dân thấy trái sầu riêng được xuất chính ngạch vào thị trường Trung Quốc, lập kỷ lục tăng trưởng, nên họ trồng xen lẫn hồ tiêu để tăng thu nhập. Thực trạng này giống 3-4 năm trước đối với cây bơ hay mít, có lợi thì đương nhiên người dân sẽ làm.
![]() |
Nhiều hộ dân thực hiện mô hình trồng hồ tiêu, sầu riêng xen canh trong vườn cà phê. |
Dẫu vậy, các bên liên quan cần giải thích rõ cho người dân, trong quy định về mở cửa chính ngạch cho sầu riêng sang nước nước bạn. Trái sầu muốn xuất khẩu, được cấp mã số vùng trồng phải là cây sầu trồng thuần, không được trồng xen. Nếu trồng xen thì không đủ điều kiện xuất khẩu và không được phía Trung Quốc chấp nhận. Đây là thỏa thuận đã ký giữa cơ quan nông nghiệp hai nước, theo Chủ tịch VPA.
“Ngoài ra, cây sầu đặc thù có rệp, bà con phải phun thuốc. Bởi vậy, nếu trồng xen sầu riêng với hồ tiêu (vốn là loại cây yếu, nhạy cảm), quá trình phun xịt thuốc chống rầy, rệp dễ gây ảnh hưởng cho cây tiêu”, bà Liên lưu ý thêm.
Sầu riêng lập đỉnh xuất khẩu kỷ lục
Thông tin từ Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN-PTNT), sau khi ký nghị định thư, xuất khẩu chính ngạch sầu riêng sang Trung Quốc tăng mạnh.
Báo cáo tình hình xuất nhập khẩu nông lâm thuỷ sản sang thị trường Trung Quốc của Viện Chính sách và Chiến lược phát triển Nông nghiệp nông thôn (Bộ NN-PTNT) cho thấy, nhập khẩu sầu riêng của Trung Quốc đạt 90,7 triệu USD trong tháng 10/2022.
So với tháng 9/2022, nhập khẩu sầu riêng của Trung Quốc trong tháng 10/2022 tiếp tục tăng 19,7% và tăng 29,4% so với cùng kỳ năm ngoái. Đáng chú ý, Trung Quốc nhập khẩu lượng lớn sầu riêng của Việt Nam sau khi nghị định thư được ký kết.
Chỉ trong tháng 10 năm nay, kim ngạch xuất khẩu sầu riêng của nước ta sang Trung Quốc đạt gần 50 triệu USD, tăng 4.120% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là mức tăng chưa từng có trong lịch sử ngành sầu riêng Việt Nam.
![]() |
Người trồng sầu riêng vui mừng vì sầu riêng bán giá tăng cao. |
Theo Tổng cục Hải quan, trong tháng 10 năm nay, xuất khẩu sầu riêng thu về gần 79 triệu USD, tăng 294% so với tháng 10/2021.
Tính đến hết tháng 10/2022, kim ngạch xuất khẩu sầu riêng đạt 293,6 triệu USD, tăng 91,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Hiện sầu riêng chiếm 17,3% tổng giá trị xuất khẩu trái cây Việt Nam trong 10 tháng năm 2022, chỉ xếp sau quả thanh long (giá trị xuất khẩu đạt 552,3 triệu USD, chiếm 32,5%).
Thông tin từ Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN-PTNT), tính từ 17/9 - ngày xuất khẩu lô sầu riêng chính ngạch đầu tiên - đến nay, nước ta đã xuất khẩu hơn 20.000 tấn sầu sang thị trường Trung Quốc. Giá sầu riêng trong nước cũng tăng gấp 3 lần khi có nghị định thư, tạo thêm thu nhập cho người nông dân.
Mới đây, nhiều nhà nhập khẩu sầu riêng của Trung Quốc cũng ngỏ ý muốn đặt lượng lớn sầu riêng của Việt Nam để phục vụ thị trường Tết Quý Mão 2023.
Cần kiểm soát chặt vùng trồng sầu riêng
Theo ông Hoàng Trung - Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật, Việt Nam có sầu riêng xuất quanh năm. Đây là lợi thế của sầu Việt so với sầu Thái Lan.
Để phát triển bền vững, mới đây Bộ NN-PTNT yêu cầu các Sở NN-PTNT rà soát diện tích sầu riêng; xây dựng đề án, kế hoạch phát triển sản xuất theo vùng tập trung gắn với đầu tư cơ sở hạ tầng, cơ sở đóng gói, sơ chế, chế biến.
Các địa phương cũng cần khẩn trương rà soát, xây dựng hồ sơ đề nghị cấp mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói sầu riêng, chanh leo xuất khẩu phù hợp. Thực hiện tốt công tác kiểm tra, giám sát việc cấp, quản lý, sử dụng mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói đủ điều kiện xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp mạo danh, gian lận, sử dụng mã số không đúng mục đích.
Bộ NN-PTNT cũng khuyến cáo nông dân không tự phát mở rộng diện tích sầu riêng tại các vùng mà điều kiện đất đai, tưới tiêu nước không phù hợp, không tự phát chuyển đổi từ cây trồng khác sang cây sầu riêng.
Trong khi đó, tính đến hết tháng 10/2022, kim ngạch xuất khẩu toàn ngành sầu riêng đạt 293,6 triệu USD, tăng 91,5% so với cùng kỳ năm 2021. Hiện sầu riêng chiếm 17,3% tổng giá trị xuất khẩu trái cây Việt Nam trong 10 tháng năm 2022.
![]() |
Những diện tích trồng sầu riêng xen canh sẽ không đạt tiêu chuẩn xuất khẩu sang Trung Quốc theo nghị định thư đã ký kết. |
Mới đây, Tổng cục Hải quan Trung Quốc chấp thuận thêm 32 mã số vùng trồng và 5 mã số cơ sở đóng gói sầu riêng của Việt Nam đáp ứng đủ yêu cầu của nghị định thư và được phép xuất khẩu sầu riêng tươi sang nước này.
Tính tới nay, Việt Nam được Trung Quốc cấp tổng cộng 113 mã vùng trồng và cơ sở đóng gói. Cục Bảo vệ thực vật dự báo con số đó sẽ tiếp tục tăng, bởi 300 mã khác đang trong quá trình kiểm tra trực tuyến để hoàn thiện thủ tục, chờ cấp phép.
Việc được cấp thêm mã số sẽ giúp sầu riêng Việt rộng đường hơn khi xuất sang Trung Quốc. Tuy nhiên, Cục Bảo vệ thực vật lưu ý doanh nghiệp, hợp tác xã và nông dân về việc đảm bảo tinh thần hợp tác, hài hòa lợi ích giữa các bên trong quản lý mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói. Từ đó, ổn định vùng nguyên liệu, đảm bảo chất lượng sầu riêng, hướng tới xuất khẩu bền vững.
Sầu riêng lập kỷ lục xuất khẩu là tín vui cho người trồng sầu riêng. Loại trái cây Vua đang đem lại nguồn lợi kinh tế rất lớn. Tuy nhiên, để tuân thủ các cam kết theo nghị định thư các ban ngành và địa phương cần rà soát tránh tình trạng ồ ạt trồng sầu riêng, trồng xen canh sầu riêng... để đảm bảo xuất khẩu bền vững./.