Lào Cai: Xây dựng mô hình trồng rừng và chiết xuất tinh dầu cây màng tang Tinh dầu – Tiềm năng thay thế sử dụng kháng sinh trong chăn nuôi Tinh dầu mùi già Bà Bé mang đậm nét “hương đồng gió nội” |
Anh An Văn Tuấn (31 tuổi, dân tộc Tày) lớn lên ở Chiềng Ken |
Anh An Văn Tuấn (31 tuổi, dân tộc Tày) lớn lên ở Chiềng Ken, một xã nghèo của H.Văn Bàn, tỉnh Lào Cai. Nơi đây kinh tế chủ yếu sản xuất nông lâm nghiệp thủ công nên đời sống nhân dân còn gặp nhiều khó khăn.
Tốt nghiệp ngành quản lý tài nguyên và môi trường Trường đại học Lâm nghiệp Việt Nam, anh từng làm ở nhiều công ty, rồi quyết định về quê khởi nghiệp.
“Tôi lấy lá vò rồi pha với nước thì thấy có váng nổi lên, nên nghĩ ngay loại cây này có tinh dầu, rồi mày mò tìm hiểu và quyết định thử nghiệm”, Tuấn nói. Nguồn tài liệu trong nước lẫn nước ngoài về điều chế tinh dầu cây đại bi có phần “hẻo”, thị trường ở Việt Nam lại chưa có loại sản phẩm này càng kích thích Tuấn theo đuổi.
Mẻ thử nghiệm đầu tiên, Tuấn sử dụng 1 tấn nguyên liệu đại bi tươi và phương pháp chưng cất như với sả. Cách làm này, Tuấn chỉ thu được một lọ tinh dầu bằng ngón tay khoảng 30ml, đồng nghĩa với chi phí lớn, giá thành cao, khó cạnh tranh trên thị trường. Sau những lần nghiên cứu, điều chỉnh phương pháp chưng cất, tháng 5/2020, Tuấn thu được kết quả mỹ mãn với 500ml tinh dầu/tấn nguyên liệu tươi.
Hợp tác xã thu mua sản phẩm cây đài bi |
Theo anh Tuấn, lá cây đại bi tươi tốt và mọc rất nhanh trong môi trường tự nhiên nên có thể thu hái quanh năm. Một cây phải sau 10 năm mới cần trồng lại và càng thu hái thì cây càng phát triển nhanh.
Những sản phẩm chế biến từ cây đã được anh đưa đi thử nghiệm đo lường chất lượng và cho thấy có nhiều hoạt chất có lợi cho sức khỏe như vitamin C, protit, lipit, sắt, canxi…
“Trong đông y, cây đại bi có tác dụng điều trị bệnh về hô hấp, giảm đau, giảm viêm nhiễm, điều trị vết thương, chấn thương… Đặc biệt, tinh dầu đại bi không gây nhiệt nóng như một số loại khác”, anh Tuấn cho biết.
“Việc chiết xuất thành công tinh dầu đại bi có ý nghĩa lớn đối với sử dụng cây thảo dược bản địa, tạo ra những sản phẩm dễ sử dụng và tiện lợi cho người dân. Bên cạnh đó, khi sản xuất còn tận thu được các sản phẩm khác để tăng hiệu quả kinh tế, năng suất kinh doanh và bảo vệ môi trường”, Tuấn nói và chỉ ra vùng nguyên liệu gần 20ha đại bi sẵn có tự nhiên.
Chiết xuất tinh dầu đại bi nhanh chóng được xác định làm sản phẩm chủ lực của HTX Thế Tuấn, do Tuấn và 6 đoàn viên thanh niên thôn Ken 1 (xã Chiềng Ken) thành lập. Doanh thu năm 2021 của HTX đạt hơn 1,5 tỉ đồng, lợi nhuận 30%.
Năm 2021, sản phẩm này đạt chứng nhận OCOP (Chương trình mỗi xã một sản phẩm) “3 sao” của tỉnh Lào Cai, được giới thiệu quảng bá trong nhiều chương trình, triển lãm sản phẩm nông nghiệp và xuất hiện trên nhiều sàn thương mại điện tử trong nước. Ý tưởng và dự án sản xuất kinh doanh các sản phẩm từ cây đại bi của Tuấn từng được đánh giá cao, lọt vào Chung kết cuộc thi Dự án khởi nghiệp thanh niên nông thôn năm 2021 do T.Ư Đoàn tổ chức.
Sản phẩm tinh dầu đại bi của HTX Thế Tuấn |
Đặc biệt, HTX không chỉ tạo việc làm ổn định cho gần chục nhân công, mà còn tạo nguồn thu cho nhiều lao động thời vụ qua việc thu hái nguyên liệu. “Một người có thể hái được 4 tạ/ngày, với giá 1.500 đồng/kg, họ có thể có thu nhập 500.000 - 600.00 đồng”, anh Tuấn cho hay.
Đến nay, HTX của anh Tuấn đã cho ra thêm nhiều loại sản phẩm từ cây đại bi như trà túi lọc, cao lá, tinh chất, tinh dầu, nước súc miệng...
Anh Tuấn cho biết, trong 3 năm tới sẽ phát triển vùng nguyên liệu trên 200 ha để vừa sản xuất, vừa cung cấp đủ giống cho các đối tác liên kết và đưa sản phẩm có mặt trên khắp toàn quốc.