Tuyên Quang: Chè Shan tuyết Na Hang được bảo hộ chỉ dẫn địa lý Chè Shan tuyết Phình Hồ - Tiềm năng phát triển thương hiệu chè sạch Việt Điện Biên: Đưa búp chè Shan Tuyết trở thành sản phẩm OCOP 3 sao |
Thiếu nữ Tày vùng cao thu hái chè trên những cây chè Shan cổ thụ ở Bản Liền. |
Cánh cửa châu Âu đã rộng mở chào đón chè Shan Tuyết Bản Liền
Cây chè Shan Tuyết ở Bản Liền tự hào là sản phẩm OCOP 5 sao đầu tiên của huyện Bắc Hà, tỉnh Lào Cai đã chính phục thành công thị trường châu Âu. Chè Bản Liền trở thành niềm tự hào của người dân Bản Liền, giúp bà con dân tộc thiểu số nơi đây thoát nghèo bền vững, vươn lên làm giàu trên mảnh đất vùng cao.
Theo chia sẻ của anh Phạm Quang Thận, Giám đốc HTX nông nghiệp hữu cơ Bắc Hà, xã Bản Liền có khí hậu, thổ nhưỡng, đất đai thích hợp để trồng chè. Chè Shan Tuyết hữu cơ ở Bản Liền ngon nhất là vụ Xuân khi sản phẩm búp chè pha nước, màu nước xanh đẹp, vị ngọt hậu và hương thơm tự nhiên, được người tiêu dùng ưa chuộng.
Từ năm 2004, khi sản xuất nông nghiệp hữu cơ còn ít được nhắc tới thì sản phẩm chè hữu cơ Bản Liền đã có “visa” để đến với người tiêu dùng châu Âu. Từ năm 2010, sản phẩm chè Shan Tuyết hữu cơ chủ yếu xuất sang thị trường khó tính Pháp và Mỹ.
“Mỗi năm chúng tôi thu mua khoảng hơn 600 tấn chè tươi, thành phẩm hơn 100 tấn chè khô, 90% xuất sang châu Âu, còn lại cung cấp thị trường trong nước”, anh Thận cho hay.
Chè shan tuyết Bản Liên đã được công nhận OCOP 5 sao và xuất khẩu châu Âu. |
Tuy nhiên, để “đặt chân” được vào thị trường khó tính châu Âu, sản phẩm chè của HTX phải tuân thủ đầy đủ 25 tiêu chuẩn nghiêm ngặt do các tổ chức quốc tế quy định. Sản phẩm chè Bản Liền được canh tác tự nhiên, không sử dụng phân bón và thuốc bảo vệ thực vật. Mỗi hộ trồng chè đều có mã số, sổ sách ghi chép và tuân thủ các quy định về chăm sóc, thu hái, vận hành dây chuyền chế biến và phân loại chè thành phẩm.
Nhờ có thị trường xuất khẩu ổn định, mỗi năm HTX thu mua khoảng 600 tấn chè búp tươi. Để đạt được sản lượng này, HTX đã liên kết sản xuất với 310 hộ dân trong bản. Đến nay, có khoảng hơn 500ha chè Shan Tuyết, trong đó, hơn 422ha được công nhận chè hữu cơ, trung bình mỗi ha chè có thể đem lại lợi nhuận 80 đến 100 triệu đồng/năm, cao hơn nhiều lần so với các cây trồng truyền thống khác.
Hiện, HTX đang sản xuất hơn 10 loại chè khác nhau, giá dao động từ 600 – 700 nghìn đồng/kg, loại đắt nhất là chè sen lên tới 5 triệu đồng/kg. 95% Cây chè ở xã Bản Liền được xem là cây trồng đặt nền móng cho sản xuất nông nghiệp hữu cơ tại huyện Bắc Hà. Hiện, 95% sản lượng chè của HTX nông nghiệp hữu cơ Bắc Hà được xuất khẩu đến thị trường 40 nước, qua đó tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho hàng trăm người dân địa phương.
Liên kết làm nên những búp chè thượng hạng
Từ bao đời, cây chè Shan Tuyết ở Bản Liền vẫn bám trụ lặng lẽ trên những vạt đồi, sườn non. Chỉ đến khi người trồng chè có sự liên kết đổi mới tư duy canh tác thì chè Shan Tuyết Bản Liền mới khẳng định được giá trị vượt trội và đẳng cấp.
Cứ mỗi sáng tinh mơ, ông Lâm A Tương, người dân tộc Tày ở Bắc Hà (Lào Cai) lại bận rộn lên nương hái chè. Bên túi búp chè tươi vừa hái xong, ông nhẹ nhàng cho vào gùi địu đến HTX nông nghiệp hữu cơ Bắc Hà đặt vào cân.
Ông Tương phấn khởi chia sẻ: Là người dân tộc thiểu số nên thu nhập của gia đình ông chủ yếu đều từ làm nông. Trước đây chưa có HTX thu mua chè thì gia đình chỉ bán chỉ được 4-5 nghìn đồng/kg, nay HTX thu mua được tới 18 – 20 nghìn đồng/kg nên bà con rất vui mừng.
Người trồng chè shan tuyết ở Bản Liên đã liên kết để sản xuất quy mô lớn đáp ứng nhu cầu thị trường. |
Gia đình ông Tương có tới 9 người con và hiện cả nhà đều có cuộc sống ổn định nhờ cây chè. Theo ông Tương, với khoảng 4 ha cây chè, trồng gần 100 gốc, vào vụ mỗi ngày gia đình ông thu hoạch khoảng 20 – 30 cân búp chè tươi. Công chăm sóc không mấy vất vả, khí hậu lại hợp nên chè cho năng suất cao.
Từ ngày là thành viên HTX, ông Lâm A Tương đã được hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc chè hữu cơ, chè sạch đúng tiêu chuẩn, không sử dụng hóa chất. Vụ này ước tính gia đình ông Tương thu về 30 – 40 triệu đồng. "HTX đã giữ đúng cam kết thu mua giá cao, ổn định suốt 4 năm qua, ai nấy đều tin tưởng HTX và cải tạo, chăm sóc cây chè Shan hữu cơ", ông Tương bày tỏ.
Làm việc tại xưởng chè của HTX nông nghiệp hữu cơ Bắc Hà đã mấy năm, chị Lâm Thị Duyên, người dân tộc Tày tại xã Bản Liền cho hay, người dân ở đây chủ yếu sống nhờ cây chè. Trước đây chủ yếu chỉ trồng ngô, từ khi có HTX thu mua, đảm bảo đầu ra nên nông dân chuyển sang trồng chè.
"Ngoài làm việc tại xưởng, gia đình tôi cũng có 2 ha cây chè, thu nhập bình quân mỗi tháng khoảng hơn 4 triệu đồng. Cây chè Shan ở đây rất dễ trồng, 2 năm là bắt đầu thu hoạch. Ngoài ra, tôi còn tranh thủ đi hái chè tươi nhập cho HTX cũng được khoảng 15 - 20 triệu đồng/vụ", chị Duyên cho biết.
Chè sau khi hái được chọn lọc, đem xao suốt, tỏa hương thơm nồng nàn gọi mời du khách trải nghiệm đồi chè Bản Liền. |
Vùng chè Shan tuyết Bản Liền đã và đang khẳng định là cây chủ lực giảm nghèo bền vững, phát triển kinh tế, nâng cao đời sống đồng bào. Đặc biệt hiện nay, với truyền thống văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc Tày, phong cảnh thiên nhiên tươi đẹp, hùng vĩ đã mở ra cơ hội mới cho Bản Liền được tỉnh Lào Cai, huyện Bắc Hà lựa chọn là vùng trọng điểm đầu tư phát triển du lịch cộng đồng homestay, du lịch sinh thái, miệt vườn, trải nghiệm vùng chè Shan tuyết cổ thụ Bản Liền.
Ông Hoàng Văn Khoa, Phó Chủ tịch UBND huyện Bắc Hà cho biết: "Hiện, chúng tôi đang định hướng một số sản phẩm du lịch kết nối các địa phương, thời gian tới kết hợp du lịch cộng đồng tại các bản Nghĩa Đô (Bảo Yên), Bản Liền, Bản Phố, Na Lo (Bắc Hà) – Bản Mế (Si Ma Cai) trong đó chè Shan Tuyết hữu cơ Bắc Hà là một trong những sản phẩm chủ lực.
Vùng chè Shan Tuyết Bản Liền đã tìm được một hướng đi từ nỗ lực đổi mới tư duy của người làm chè. Những búp chè được chăm sóc theo quy trình hữu cơ để lưu giữ những hương vị riêng có của dòng chè bản địa. Không chỉ khẳng định thương hiệu khi xuất khẩu thị trường châu Âu, chè Shan Tuyết Bản Liền cũng có vị thế ngay cả với người yêu trà trong nước, đây chính là cơ hội để người trồng chè ở Bản Liền ngày càng trở nên sung túc./.