Bệnh nhân ngộ độc so biển phục hồi tốt sau khi được các bác sĩ khoa Hồi sức tích cực điều trị. Ảnh: BBCC |
Ngày 4/4, Bác sĩ Hà Mạnh Hùng, Trưởng khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ninh, cho báo chí biết đã tiếp nhận cấp cứu bệnh nhân N.V.T. (nam, 42 tuổi, ở huyện Vân Đồn) trong tình trạng nguy kịch. Khi được đưa đến cấp cứu tại cơ sở y tế địa phương, bệnh nhân nôn mửa, khó nói, liệt chi, sau đó bất ngờ ngừng tuần hoàn (ngưng tim, ngưng thở).
Kíp trực hô hấp tích cực, sau khoảng 3 phút tái lập tuần hoàn tự nhiên. Người bệnh được đặt ống nội khí quản, bóp bóng oxy, duy trì thuốc vận mạch và chuyển Bệnh viện Đa khoa tỉnh.
Tại khoa Hồi sức tích cực, người đàn ông được rửa dạ dày, dùng các thuốc hạn chế hấp thu độc tố (than hoạt tính và sorbitol), thở máy, kiểm soát cân bằng dịch và điện giải, theo dõi huyết áp liên tục.
Sau một tuần điều trị, người bệnh tỉnh táo, sức khỏe ổn định. Anh cho biết bản thân là dân thuyền chài, trước đó từng bắt và ăn so biển vài lần, tình trạng bình thường.
"Lần này, bệnh nhân có thể bị ngộ độc do khâu chế biến không đảm bảo, độc tố còn lưu, dẫn đến tình trạng trên", bác sĩ Hùng nói.
Con so biển |
Con so là loài có chứa độc tố, hay bị nhầm với sam biển, khi ăn có thể gây ngộ độc chết người. Bác sĩ Hùng nhận định nhiều người biết, song vẫn chủ quan ăn, dẫn tới nguy hiểm tính mạng.
Hàng năm, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ninh tiếp nhận không ít trường hợp ngộ độc hải sản, trong đó có những ca nặng, nguy kịch do ăn so biển.
Chất độc giết người trong loài so biển là tetrodotoxin, tập trung nhiều ở trứng, gan, mật, ruột, tác động thần kinh trung ương, có khả năng gây liệt cơ, đặc biệt cơ hô hấp. Đáng chú ý là độc tính này không bị phá hủy bởi nhiệt, vì vậy, dù có nấu chín, đun sôi, người ăn vẫn có nguy cơ ngộ độc cao.
Khi ăn so biển, tetrodotoxin hấp thu nhanh qua đường tiêu hóa. Triệu chứng ngộ độc thường xuất hiện sau ăn khoảng 30 phút đến một tiếng, muộn nhất là 6 tiếng, biểu hiện tê bì môi lưỡi, dị cảm vùng mặt, chóng mặt, nôn thốc, nặng hơn là liệt cơ chân tay, suy hô hấp, ngừng thở.
Hiện không có thuốc điều trị đặc hiệu cho loại ngộ độc này. Tiên lượng hồi phục ở các bệnh nhân là khả quan nếu được cấp cứu sớm, kịp thời.
Bác sĩ khuyến cáo người dân cần nâng cao ý thức, tuyệt đối không dùng so biển làm nguyên liệu thực phẩm dưới bất kỳ hình thức nào, không ăn dù chỉ một lần.
Khi phát hiện người bị ngộ độc do ăn so biển, cần nhanh chóng đưa nạn nhân đến cơ sở y tế gần nhất để được cấp cứu kịp thời.